Cảnh giác với cú lừa hàng hiệu xuyên biên giới

Nhiều người những tưởng mua hàng hiệu ở nước ngoài là đảm bảo nhưng họ đã nhầm.

Mua hàng online phát triển tỉ lệ thuận với việc gia tăng các hình thức lừa đảo trên mạng. Nhiều khách hàng, do nhẹ dạ cả tin, đã dính vào các “tiểu xảo” của các gian thương. Nhiều trường hợp bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng rước về các món đồ không tương xứng với giá trị, thậm chí mất trắng hàng hóa.

Các vụ lừa trên mạng chủ yếu “bắt rễ” từ điểm yếu của hình thức mua hàng online, đó là khách không thể tận tay, tận mắt kiểm chứng được chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Mua hàng từ những người bán, nhà cung cấp nhỏ lẻ từ nước ngoài lại càng dễ mắc lừa.

Cảnh giác với cú lừa hàng hiệu xuyên biên giới - 1

Mua hàng online đang là xu hướng mua hàng mới được nhiều người ưa thích (ảnh minh họa)

Cảnh giác với chiêu "treo đầu dê bán thịt chó"

Một số người bán đăng ảnh sản phẩm kèm hóa đơn, thẻ chứng thực,…. có vẻ rất đáng tin cậy nhưng đó có thể là “miếng mồi” để nhử khách hàng vào bẫy. Cái mà khách nhận được có thể khác hoàn toàn so với thứ mà họ nhìn thấy trên mạng.

Đầu năm 2014, mạng xã hội râm ran chuyện một hot facebooker chuyên làm từ thiện và sành dùng đồ hiệu tên là A tố cáo một người bán hàng online tên là T sống tại Thụy Điển. Facebooker A đưa ra một loạt các bằng chứng và cả đoạn chat thừa nhận lừa đảo của T. Theo chứng minh của A, người bán T đã lừa một số người sống tại Việt Nam số tiền lên tới gần mười ngàn đô la. Tất cả số tiền này đều được bên mua gửi tới cho T theo hình thức giao dịch chuyển khoản.

Theo A, hình thức lừa của T là rao bán túi hàng hiệu xịn lên mạng với giá rẻ. Sau khi có người mua và chuyển khoản tiền xong xuôi thì T lại giao đồ rởm cho họ.  Được biết, thậm chí T còn nhiều lần đem hàng fake tới các tiệm cầm đồ ở Thụy Điển để lừa đảo.  

Cảnh giác với cú lừa hàng hiệu xuyên biên giới - 2

Bi móc túi tài tình khi mua sắm qua mạng 

Cách đây vài năm, một diễn đàn phụ nữ cũng từng rúng động bởi vụ siêu lừa có tính chất “xuyên lục địa”. Người bán và người mua quen thân khi cùng tham dự một câu lạc bộ hàng hiệu trên diễn đàn.

Sau đó người mua (một phụ nữ sống tại nước ngoài) đã tin tưởng và mua gần 20 chiếc túi Louis Vuitton cũ của người bán (một phụ nữ sống ở Việt Nam) với giá hời. Trước đó, người bán đã trưng toàn bộ hình ảnh và hóa đơn mua hàng của 20 chiếc túi và được công nhận là đồ chính hãng. Tuy nhiên tiền đã trao nhưng múc phải cháo "thiu". Lô túi đó toàn hàng fake chỉ đáng giá 1/30 giá trị thực.

Hai trường hợp trên chỉ là một trong số hàng ngàn cú lừa khi mua hàng online với thủ đoạn “treo đầu dê bán thịt chó” tương tự.

Nhiều khi số tiền bị mất không lớn hoặc người mua không thích hay không đủ chứng cứ để “làm cho to chuyện” khi trình báo với cơ quan pháp luật, khiến những vụ lừa đảo này  chỉ ồn ào trên các trang mua bán, mạng xã hội rồi nhanh chóng “chìm xuồng”.

Mua hàng online từ website nước ngoài đầy rủi ro

Việc sử dụng internet để mua hàng giúp bạn có thể dễ dàng kiếm được nhiều món hàng hiệu với giá hời tuy nhiên nó cũng là cánh cổng mở ra ma trận lừa đảo. Hai trang web mua bán ebay và amazon là nơi mà nhiều người Việt thường tìm tới để mua đồ hiệu rẻ, đẹp nhưng chưa chắc đã xịn. Nhiều người đã gặp phải quả đắng khi tham mua đồ rẻ trên ebay và amazon cũng như nhiều trang bán hàng quốc tế khác. 

Quỳnh Như (26 tuổi, nhân viên văn phòng) đặt một chiếc váy Valentino giá 5 triệu trên ebay và khi hàng về, cô khẳng định là nó rởm bởi đường may xấu xí, phom dáng xộc xệc

 Tệ hơn, Linh Trang (24 tuổi, sinh viên ngân hàng) thì từng đặt một đôi giày Louboutin 3 triệu đồng nhưng nhận phải một … cục gạch.

Cả Quỳnh Như lẫn Linh Trang đều cho biết họ không có ý định tố cáo và đòi lại tiền. Bởi khi mua “xuyên biên giới” thì việc chứng minh hàng rởm rất cầu kỳ và phải mất một số tiền khá lớn, khoảng vài chục đô la để chuyển ngược sản phẩm về nơi bán. Trong những trường hợp này, người mua chỉ có thể "ngậm bồ hòn làm ngọt" hoặc khá hơn là để phản hồi (feedback) xấu đối với bên bán.

Feedback (phản hồi) của khách hàng là một trong những thước đo độ uy tín của một nhà cung cấp trên nhiều trang bán hàng tổng hợp. Tuy nhiên, trong thời đại mà cái gì cũng làm nhái được thì điều này cũng chẳng hề đáng tin cậy.

Nhiều người bán trên các trang bán hàng lớn như ebay có thể tạo ra hàng ngàn id (tài khoản) giả để phản hồi tốt về dịch vụ của họ. Do dó, các id phàn nàn hiếm hoi gần như bị chìm nghỉm trong biển phản hồi giả. Một số phản hồi xịn còn bị người bán “vu khống” là phản hồi giả do đối thủ cạnh tranh đưa ra để phá bĩnh việc làm ăn.

Ngoài ra mua hàng hiệu ở các trang bán lẻ nước ngoài chưa chắc đã xịn 100%. Một số trang web ở Mỹ, Pháp rao bán các sản phẩm hàng hiệu nhưng thực ra là đồ fake lấy trực tiếp từ kho ở Quảng Châu. Những chiếc váy Herver Leger mới giảm giá 70% hay giày Giuseppe Zanotti giá bằng 1/10 giá gốc… trên những trang này là fake nhưng vẫn thu hút khách hàng.  

Cảnh giác với cú lừa hàng hiệu xuyên biên giới - 3

Đừng nên tin ở các website giảm giá quá nhiều như thế này

Tại Mỹ, chỉ trong 2 năm từ 2011 – 2012, gần 300 website đã bị đóng cửa vì bán đồ fake. Thậm chí trang chuyên bán hàng hiệu bluefly nổi tiếng còn từng bị tố cáo trà trộn hàng rởm lẫn hàng xịn để tiêu thụ.

Do đó, không phải cứ mua hàng online ở website nước ngoài là an tâm, thậm chí còn gặp nhiều rủi ro, thiệt hại hơn mua trong nước bởi việc đổi trả lại hàng rất khó khăn và phức tạp.

Trước khi mua hàng online trên các website, bạn nên kiểm tra độ tin cậy (trustly) trên các trang đánh giá lớn của nước ngoài. Chỉ cần một vài phản hồi xấu, bạn cũng phải cân nhắc và đắn đo bởi mua hàng online đã rủi ro, mua online “xuyên biên giới” còn rủi ro hơn rất nhiều. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Hàng hiệu khủng của sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN