20/10 & giây phút tín đồ shopping tự kỉ

Nhiều lúc tôi hay ngồi suy nghĩ vẩn vơ, những câu chuyện không liên quan đến nhau. Một trong những thứ linh tinh đó là…

Thật bất công

Khi nói đến tín đồ shopping, người ta sẽ nghĩ ngay đến các cô thích mua hàng thời trang hay mỹ phẩm. Trong khi những dạng mua sắm khác thì không bị gọi là “nghiện” ví dụ như…

- Mẹ tôi bị ám ảnh bởi cái… rổ. Mỗi lần bà đi chợ lại vác một cái mới về. Có khi vì màu sắc, có khi vì: “Kích cỡ này nhà mình chưa có!”. Giờ nhà tôi có hơn 10 cái rổ và thề với bạn là chúng giống hệt nhau.

- Ý Yên, cây bút sáng tác làm cùng cơ quan tôi lại có mẹ thích mua… dao. Bà đặt một con dao làm bếp rất công phu từ Pháp về để gói giấy lại cẩn thận và đem cất.

- Chồng tôi thích mua bít tất. Bất kể đi trung tâm mua sắm, siêu thị hay đi du lịch… thể nào cũng sẽ lôi về vài đôi bít tất. Thậm chí tôi có thể moi từ đáy tủ ra một đống bít tất còn nguyên túi bóng bọc bên ngoài. Vài cái còn bị con Na Na lấy nhai như thứ kẹo cao su của riêng nó.

Ấy vậy tại sao chỉ có một mình tôi bị dán lên trán tội trạng: “Nghiện shopping”? Bạn thấy có vô lý chưa? Bất công chưa?

Tôi khó ưa! Tôi ư?

Có những lúc tôi có cảm giác mình là người khó hòa nhập vào tập thể, khó kết bạn. Nhưng thật không hiểu sao mọi người lại khắt khe xét nét tôi đến thế, mặc cho tôi luôn cố gắng thân thiện, hòa nhập. Còn nhớ cái lần vừa ra trường đi làm, vào cơ quan mới, tôi hồ hởi chia sẻ thông tin mật mà nếu không phải là quý nhau lắm không bao giờ tôi tiết lộ:

“Mọi người ơi! Có private sale! Rẻ điên cuồng! Giày Bally giảm đến 70%”.

“Ở đâu ở đâu?” – một cô em kêu lên. Những người khác ngóng cổ háo hức chờ đợi.

“Khách sạn Caravel. Nhìn này, tớ mới mua đôi sandal da, tớ có thẻ ngân hàng giảm thêm 15% nữa” – tôi huơ huơ sandal mới.

“Bao nhiêu bao nhiêu?” – cô em không kiềm nổi sự phấn khích nữa rồi.

“3 triệu rưỡi!!!!” – tôi kéo dài giọng để nhấn mạnh cái sự rẻ bèo của một đôi sandal Bally sau khi giảm.

Nụ cười trên môi cả phòng biến mất, những con mắt nhìn tôi như thể tôi là một con xỏ lá hoặc có bệnh lâu ngày. Cô em gái cười lịch sự “hơ hơ!” vài cái rồi cũng… tịt.

Tôi thích đi du lịch một mình, vì mỗi lần đi theo tour thì y như rằng cả tour cùng hè nhau cô lập tôi. Thật vô lý, họ không thể ghét mình vì mình tách đoàn được, đã báo trước đàng hoàng rồi mà. Tôi không có sở thích ngắm cảnh, thăm vài ba cái tòa nhà hay ngồi trên xe lết hết từ điểm này đến điểm khác. Đến một đất nước, tôi thích nhất là ăn ngon và mua sắm. Đúng, nếu không mua sắm thì chuyến đi coi như thất bại. Tôi có khả năng đi bộ ở shopping mall suốt 10 tiếng đồng hồ liền. Thậm chí có lần ngày cuối cùng shopping ở Malaysia, tôi đã tiết kiệm thời gian đến mức uống ít nước để không phải mất thời giờ… đi toilet. Thế rồi ra sân bay, những người cùng đoàn keo kiệt đến mức không cho tôi ké bất kỳ kg quá cước nào. Tiền đóng quá cước không bao nhiêu, nhưng tôi ghét cảm giác bị tẩy chay tập thể như thế. Những lần sau tự mua vé máy bay, tự đi một mình cho lành!

20/10 & giây phút tín đồ shopping tự kỉ - 1

"Tôi ghét cảm giác bị tẩy chay"

Mua sắm thì ảnh hưởng đến ai?

Tôi từng nghĩ đến những chuyện bất công kể trên và thấy bực mình lắm. Rồi sau một thời gian chấp nhận cô độc, chơi với một số ít bạn bè hiểu mình. Đến một ngày chợt tôi tự hỏi có khi nào vấn đề nằm ở chính mình không? Thế là lần đầu tiên tôi hỏi một cậu em chơi thân với tôi, nó mới thiệt tình nói:

“Nhiều lúc em cũng không biết sẽ rủ chị đi đâu? Hoặc sẽ làm gì? Bởi vì điều đầu tiên chị nghĩ đến luôn là shopping. Thậm chí còn không có điều thứ hai trong danh sách của chị”.

Một cô bạn khác thì thú thật khi tôi hỏi cô ấy: “Liệu việc tớ mua sắm thì có phiền đến ai?”.

“Đôi khi không phải ai cũng có tâm trạng để mua sắm. Vậy mà cậu cứ hô hào cứ như tuyên truyền tiêm phòng dịch, Nhiều lúc bọn tớ tự hỏi ngoài mua sắm ra cậu còn có hứng thú nghĩ đến cái gì khác không? Và ngoài việc cậu nghĩ cậu đang thích cái túi nào, cậu rất muốn mua đôi giày nào thì có bao giờ cậu để ý thật ra bọn tớ đang muốn làm gì và bọn tớ đang thích gì không?”.

Phỏng vấn chồng tôi với cùng câu hỏi anh ấy cười và nói:

“Chưa bao giờ đi du lịch em dành thời gian cho anh. Anh rất thích đến thăm các địa điểm nổi tiếng và chụp ảnh lưu niệm. Nhưng anh yêu em, và anh hiểu rằng cần phải làm em hạnh phúc. Thế là 4 năm qua anh cũng đi du lịch từ shopping mall nước này đến shopping mall nước khác. Và em có còn nhớ Tuần Trăng Mật chúng ta đi đâu không?” Tôi chết điếng người khi nhận ra tôi chưa từng hỏi chồng mình xem anh ấy thích lam gì khi đi du lịch. Và tôi ấp úng trả lời câu hỏi của anh:

“Chúng ta đã trải qua Honey Moon ở Quảng Châu và tham quan… các chợ sỉ!...”

Anh cười giòn tan xoa đầu tôi:

“Em nói rằng chợ sỉ chính là những địa điểm đặc trưng đáng tham quan nhất ở Quảng Châu, nó mang vẻ đẹp của một nhịp sống mua bán tấp nập và em bảo anh hãy “hòa mình”.

“Vậy còn chuyện anh luôn mua vớ…”

“Em nghĩ coi, rốt cuộc thì anh cũng phải làm gì đó để giết thời gian và cũng phải sắm cái gì đó để gọi là... đi mua sắm cùng em chứ. Phải không nào”.

Bạn biết không, bạn sẽ luôn biết được sự thật khi bạn thực sự muốn biết. Và bạn sẽ thay đổi khi bạn thật sự mong muốn như thế. Đã đến lúc tôi vẫn cứ là shopping nhưng tôi sẽ điền hết vào chỗ trống còn lại. Cuộc sống còn nhiều điều đáng để thưởng thức ngoài shopping chứ, phải không?

20/10 & giây phút tín đồ shopping tự kỉ - 2

Cẩm nang cho tín đồ mua sắm

Mỗi cô gái đều là tín đồ shopping, ít nhất là ở tận sâu trong tâm tưởng. Chúng ta mong muốn có hàng tấn quần áo, giày và phụ kiện. Càng nhiều càng tốt. Nhưng ta có thật sự cần hết chúng không? Ta có dùng hết không? Tất nhiên là không! Để kiềm chế, kiểm soát được niềm đam mê mua sắm, các tín đồ cũng phải tự “tụng” vài chiêu:

1. Nếu bạn do dự trước một món nào đó: “Món đồ ấy quá tuyệt nhưng nó hơi nhỏ một chút/ quá nổi bật/ không biết có hợp với mình không?”… thì tốt nhất không mua. Vì kết cục cuối cùng của món đồ đó là nằm ở trong xó cũng chính bởi cái lý do khiến bạn do dự ngay từ đầu.

2. Thời trang không phải là luật, nó chỉ là những hướng dẫn mà bạn có thể lựa chọn theo hoặc bỏ qua.

3. Mặc những gì bạn cảm thấy thoải mái còn quan trọng hơn việc bộ đồ ấy có hợp mốt hay không.

4. Đừng tưởng rằng đời sẽ đen tối khi thiếu vắng chiếc túi Chanel mùa mới nhất.

5. Nếu bạn biết rõ mình chỉ sử dụng món đồ ấy đúng một lần thì đừng mua, chỉ tổ lãng phí tiền. Trong một số dịp đặc biệt đẹp và thế là bạn đặc biệt đầu tư. Để đạt được mục tiêu đó bạn sẽ sắm một bộ váy thật đắt tiền mà bạn biết sẽ chỉ mặc một lần. Tốt hơn bạn nên dành tiền để mua phụ kiện có thể làm nổi bật một bộ đầm buổi tối mà mình đang sẵn có.

6. Trang sức là thứ vô cùng quan trọng. Một bộ cánh không thể gọi là hoàn thiện nếu thiếu phụ kiện. Tốt nhất nên chọn phụ kiện theo quần áo hơn là ngược lại.

7. Chúng ta có khuynh hướng sẽ mua một đống thứ mà ta đã tin rằng hợp với mình: Ví dụ như mua một đống đồ màu trắng, tủ đồ toàn màu đen… kết quả là chúng có vô số thứu na ná nhau.

20/10 & giây phút tín đồ shopping tự kỉ - 3

Để kiềm chế, kiểm soát được niềm đam mê mua sắm, các tín đồ phải học thuộc nhiều chiêu trò

Fashion Victim

Cụm từ “fashion victim” – nạn nhân thời trang do Oscar dela Renta nêu ra. Nạn nhân thời trang đầu tiên được biết đến là vào thế kỷ 17, một cô gái Pháp nhất định mặc chiếc đầm chiffon mỏng manh giữa trời tuyết vì cô tin rằng mình đẹp. Sau đó cô nàng bị cảm lạnh và qua đời. Trong xã hội hiện đại, bạn cũng sẽ là nạn nhân thời trang nếu có từ 3 dấu hiệu trở lên trong số những dấu hiệu sau đây:

1. Đồ hiệu là tất cả đối với bạn. Bạn có thể chi cả tháng lương cho một chiếc túi Gucci rồi sống cả tháng với chiếc ví rỗng.

2. Chỉ những thứ chưa mua và sắp mua mới làm bạn hạnh phúc. Những thứ đang có không bao giờ khiến bạn hài lòng.

3. Bạn thích shopping đến mức có thể bỏ cả ngày để mua sắm.

4. Da bạn là da nhuộm hoặc tắm trắng, mắt bạn đang nối mi, đầu bạn đang nối tóc. Bạn chấp nhận sẵn sàng mổ thịt banh da bằng mọi cách và mọi giá để đẹp theo ý mình.

5. Bạn cho rằng quần áo có thể không thoải mái, có thể gây ngứa, gây đau, nhưng đẹp là được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Lâm Shopaholic (2! Đẹp)
Phiếm chuyện thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN