Xe đạp điện lậu thao túng thị trường VN
Các nhãn hiệu xe đạp điện nhập khẩu hiện đang thao túng thị trường Việt Nam, trong đó hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu chiếm số lượng không nhỏ.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, cho biết từ ngày 1/11 đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra, thu giữ hàng trăm xe đạp điện nhập lậu, vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Ảnh hưởng đến ngân sách và người tiêu dùng nội địa
Hiện trên thị trường đang có mặt nhiều nhãn hiệu xe đạp điện với nhiều kiểu dáng và giá cả khác nhau. Mức giá phổ biến của xe nhập dao động từ 11-15 triệu đồng/chiếc; xe mang nhãn hiệu nội có giá rẻ hơn, khoảng 8,5-10 triệu đồng/chiếc.
Theo ông Lam, hiện xe đạp điện, xe máy điện trên thị trường Việt Nam gồm 2 nguồn: xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Trong đó, các loại xe sản xuất và lắp ráp trong nước thường nhập linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan; giá thành rẻ hơn so với các loại xe nhập nguyên chiếc. “Bên cạnh những sản phẩm chính hãng do các nhà máy của Yamaha, Honda đặt tại Trung Quốc sản xuất cũng có nhiều sản phẩm bị làm giả, vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, thất thu ngân sách nhà nước” - ông Lam khẳng định.
Các mẫu xe đạp điện giả, nhái nhãn hiệu bị Cục Quản lý thị trường thu giữ Ảnh: Hà Phương
Còn theo một quan chức Bộ Công Thương, các sản phẩm giả, nhái thường đi theo con đường nhập lậu vào Việt Nam sau đó tuồn ra thị trường. Những hành vi vi phạm chủ yếu của xe đạp điện thường là nhập lậu, kinh doanh hàng nhập lậu; không bảo đảm chất lượng công bố; giả nhãn hiệu của những hãng xe điện có uy tín sản xuất trong nước... Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng mà còn khiến quyền lợi người tiêu dùng không được bảo đảm.
Doanh nghiệp nội hụt hơi
Theo kết quả thăm dò từ Ban Tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế xe 2 bánh 2013 vừa diễn ra đầu tháng 12, trên thị trường Việt Nam hiện nay, các loại xe đạp, xe đạp điện Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần với các thương hiệu như: Asama, Giant, Sukaki, Honda, Yamaha; kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Trong khi đó, xe do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất chỉ chiếm 8% thị phần.
Thậm chí, theo nhận định của một chủ cửa hàng xe trên đường Tây Sơn (Hà Nội), thị phần xe đạp điện ngoại nhập chiếm trên 90% thị trường, có thời điểm thao túng đến 99%. Phần nhỏ còn lại do các nhãn hiệu trong nước như Thống Nhất, Sufat… cung cấp. Đánh giá về 2 dòng sản phẩm nội địa và ngoại nhập, chủ cửa hàng này cho biết các sản phẩm nhập khẩu chưa hẳn vượt trội về chất lượng, giá lại cao nhưng lại “thắng” xe nội ở kiểu dáng.
Các chuyên gia đánh giá sự “làm mưa làm gió” của các sản phẩm xe đạp điện nhập ngoại, mà đến 80%-90% trong số đó là nhập lậu, khiến các nhà sản xuất nội địa hụt hơi trong chiến lược kinh doanh do không thể cạnh tranh. Điển hình như xe đạp Thống Nhất, tuy có mức giá hợp túi tiền người dân, thường là dưới 9,5 triệu đồng/chiếc, nhưng vài năm trở lại đây, doanh số bán hàng giảm mạnh, mỗi ngày chỉ tiêu thụ được 200 xe trên địa bàn Hà Nội. Công ty Delta gần đây cũng có lượng tiêu thụ sụt giảm một nửa, chỉ còn 150-200 xe/ngày.
Ngoài điểm yếu về chủng loại, kiểu dáng, một yếu tố khác khiến các DN nội khó cạnh tranh trên thị trường là thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị còn quá cao: động cơ bị đánh thuế 30%, bình ắc quy và một số bộ phận khác chịu thuế tới 60%... khiến các DN chưa thể cạnh tranh bằng giá.
Siết quản lý xe đạp điện từ 1/1/2014 Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện. Cả 2 thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo đó, tất cả xe đạp điện được lưu thông trên thị trường phải áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện và phải được dán tem hợp quy. |