Xăng RON 92 nhập về vẫn có giá “cao ngất”
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) chiều 2.10 cho biết, một vài ngày tới Bộ Công Thương sẽ chính thức công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ các chủng loại xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, qua theo dõi của ông Tuấn thì giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore về Việt Nam kể từ kỳ điều chỉnh hôm 18.9 đến nay không có dấu hiệu giảm.
Cụ thể: Giá xăng dầu nhập khẩu từ Singapore từ ngày 18.9 đến ngày 2.10 luôn đứng ở mức rất cao từ 61-64 USD/thùng. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 3.9.2015 đến hết ngày 17.9.2015 là 61,334 USD/thùng xăng RON 92; 59,809 USD/thùng dầu diezel; 59,205 USD/thùng dầu hỏa và 240,047 USD/tấn dầu mazut.
Trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu quý III/2015 được Tổng cục thống kê công bố hôm 24.9 cho thấy, giá nhập khẩu xăng dầu các loại, dầu thô đều giảm mạnh tới 11,72% (do nguồn cung dầu từ Mỹ và Saudi Arabia hiện đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 30 năm qua). Và nếu tính bình quân 9 tháng đầu năm nay thì chỉ số giá nhập khẩu nhóm hàng nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu, dầu thô và khí đốt hóa lỏng) có mức giảm kỷ lục là 38,68%.
Ông Tuấn lý giải: “Chỉ số giá xăng dầu nhập khẩu mà Tổng cục thống kê công bố là tính tổng trị giá nhập khẩu chung dựa trên tổng lượng xăng dầu nhập về của cả quý và của tổng 9 tháng. Còn khi tính toán giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước là dựa trên đơn giá giá xăng dầu thành phẩm nhập về từng ngày từ Singapore theo chu kỳ 15 ngày. Giá xăng dầu nhập về tính bình quân 15 ngày tăng thì giá cơ sở xăng dầu sẽ tăng và ngược lại, do đó giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh theo giá cơ sở này”.
Ông Tuấn dẫn chứng, 9 tháng qua, giá các mặt hàng dầu bán trong nước đều giảm mạnh vài nghìn đồng/lít so với cuối năm 2014, chỉ duy có mặt hàng xăng tổng tăng lớn hơn tổng giảm vài chục đồng/lít. Nếu tính bình quân gộp cả xăng và dầu vào thì chỉ số giá xăng dầu nói chung 9 tháng giảm rất mạnh và theo công bố chỉ số chung của Tổng cục thống kê giảm như trên là hoàn toàn phù hợp, không có sự trái ngược.
Ông Tuấn cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 17 văn bản điều hành giá xăng dầu. Trong đó, xăng khoáng có 5 lần tăng giá, 7 lần giảm giá và 5 lần giữ ổn định giá. Các mặt hàng dầu có số lần giảm nhiều hơn xăng, cụ thể dầu diezel có 9 lần giảm và 3 lần tăng, 5 lần giữ nguyên; dầu hỏa có 12 lần giảm, 2 lần tăng và 3 lần giữ nguyên; dầu mazut có 9 lần giảm, 3 lần tăng và 5 lần giữ nguyên.
Như vậy, tính đến ngày 18.9.2015 so với thời điểm cuối năm 2014, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng 70 đồng/lít, dầu diezel giảm 3.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 4.610 đồng/lít và dầu mazut giảm 3.490 đồng/lít.