Vụ thịt bò TQ: Không loại trừ có "bảo kê"

Mới đây, tại Hà Nội, thịt bò Trung Quốc "đội lốt" thịt bò Úc, Mỹ đã bị phanh phui. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng, đừng bắt họ là “người tiêu dùng thông thái”.

Người trần mắt thịt không phân biệt được

Ngày 2/5, Công an Hà Nội bắt quả tang nhân viên một nhà hàng ở khu trung tâm thương mại Savico Long Biên (Hà Nội) đang xuống kho đông lạnh nhập thịt bò và tảo Trung Quốc. Theo lời khai của các đối tượng liên quan, thịt bò này sau khi tuồn vào nhà hàng sẽ được “hét” là thịt bò Úc và Mỹ để đánh lừa thực khách.

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, việc đánh lừa người tiêu dùng xuất phát từ khoản lợi nhuận chênh lệch rất lớn từ hai nguồn xuất xứ này.

Vụ thịt bò TQ: Không loại trừ có "bảo kê" - 1

Lực lượng cơ quan chức năng bắt giữ nhiều tạ thịt bò Trung Quốc đội lốt hàng Úc, Mỹ (ảnh minh họa)

Thông tin về thịt bò Úc, Mỹ, ông Phú cho biết, chất lượng hai loại thịt bò này hơn hẳn hơn thịt bò Việt Nam và Trung Quốc. Quy trình nuôi bò của Úc và Mỹ theo quy trình sạch, giống tốt. Thịt bò Úc và Mỹ thường có khổ lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, giá thành hai loại này có giá cao gấp từ 4-5 lần giá thịt bò của Việt Nam và Trung Quốc. Nếu thịt bò thăn Việt Nam và Trung Quốc có giá khoảng 270.000 đồng/kg thì thịt bò Úc, Mỹ có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng/kg.

Ông Phú cho rằng, thịt bò Trung Quốc nếu nhìn “quen” cũng giống thịt bò Úc hay Mỹ. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn phải chủ động kiểm nghiệm chất lượng để phân biệt bởi không loại trừ đó là bò nhiễm bệnh.

“Người trần mắt thịt không nhìn ra được đâu. Tôi phản đối câu “người tiêu dùng thông thái”, ông Phú nói. “Thông thái cái gì? Người trần mắt thịt thì thấy được gì? Có khi chuyên gia còn không phát hiện được”.

“Hãy đập quả trứng ra xem, đừng mân mê ngoài vỏ”, ông Phú nói.

Tư duy “sực nhớ”?

Vụ bắt thịt bò Trung Quốc giả Úc, Mỹ mới đây của cơ quan chức năng Hà Nội được chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá chỉ như “vớ” được.

Theo vị này, hiện tượng bò nhập lậu đã diễn ra nhiều năm nay nhưng bây giờ mới bắt được “con ếch to”.

“Cơ quan chức năng thỉnh thoảng vớ được một vụ thôi chứ không phải là chiến lược lâu dài bảo vệ nhân dân và người tiêu dùng”.

Theo đánh giá của ông Phú, hiệu năng quản lý Nhà nước yếu là một trong những nguyên nhân khiến việc nhập lậu thịt bò Trung Quốc tồn tại nhiều năm qua.

Vụ thịt bò TQ: Không loại trừ có "bảo kê" - 2

Thịt bò Trung Quốc khó phân biệt bằng mắt thường (ảnh minh họa)

“Tư duy của mình hiện là tư duy “sực nhớ”, “tư duy làm từ ngọn”, ông Phú nói. “Sực nhớ ra nên bạ đâu làm đấy theo phong trào rồi bỏ. Làm từ ngọn là không quản từ biên giới mà lại quản trong nội địa”.

Ngoài ra, vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị cho rằng, việc nhập lậu công khai các mặt hàng nói chung và thịt bò nói riêng trong thời gian qua không loại trừ có “bảo kê”.

“Mổ trộm một con lợn ở xã là Chủ tịch biết hết vì lợn kêu eng éc, thậm chí còn mang tiết canh đến cho”, ông Phú nói. “Tôi mà quét tí vôi trong nhà là Thanh tra xây dựng đến ngay. Thính lắm! Không phải người ta không biết đâu, có điều không muốn làm thôi”.

Ông Phú cho rằng, trước khi đi kiểm định, cần làm trong sạch bộ máy kiểm định bởi hiện tượng bảo kê không phải là cá biệt.

“Hàng rào barie của mình bị mục rồi, nếu không thay đổi, hàng chục năm nữa người tiêu dùng vẫn chịu tai hại”, ông Phú khẳng định.

Phân biệt thịt bò Úc, Mỹ thế nào?

Sự lộn xộn của thịt bò lậu mấy ngày qua khiến người tiêu dùng băn khoăn: muốn mua thịt rõ nguồn gốc xuất xứ phải tìm đến đâu?

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, chỉ còn cách dùng “lòng tin” đi mua ở những địa chỉ quen, tin cậy. Tuy nhiên, điều đó không loại trừ vẫn có sản phẩm nhập nhèm nguồn gốc.

Màu sắc tươi hồng; thái thịt dính dao; ấn vào miếng thịt sẽ phồng ra ngay, không lõm, không chảy nước… là một trong những đặc điểm ban đầu mà vị này khuyên người tiêu dùng nên chú ý khi mua thịt bò.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN