TT-Huế: Giá cát tăng "phi mã", tỉnh chỉ đạo sản xuất cát nhân tạo
Trước tình trạng cát xây dựng tăng giá đột biến do nguồn cung khan hiếm, tỉnh Thừa Thiên- Huế chỉ đạo sản xuất cát nhân tạo
Ngày 6.4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, lãnh đạo UBND tỉnh vừa làm việc với các cơ quan liên quan nhằm tìm phương án trước tình trạng cát làm vật liệu xây dựng tăng giá đột biến.
Theo đó, trước tình trạng giá cát tăng đột biến do thị trường khan hiếm, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa ra phương án cho các địa phương tận thu nguồn cát ở xác khe suối để tăng nguồn cung. Tỉnh cũng có phương án thu mua cát từ các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh.
Khai thác cát trái phép ở Thừa Thiên- Huế ngày càng nóng do cát xây dựng khan hiếm, tăng giá đột biến.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai đầu tư sản xuất cát nhân tạo làm vật liệu xây dựng nhằm thay thế cát khai thác từ lòng sông.
Cụ thể, lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với Hiệp hội khai thác đá Thừa Thiên- Huế về vấn đề sản xuất cát xay từ đá. Tỉnh đã giao Sở Xây dựng thống kê số doanh nghiệp đăng ký sản xuất cát xay từ đá. Để được cấp mỏ đá mới hoặc cấp mỏ đá mở rộng, doanh nghiệp bắt buộc phải có dây chuyền sản xuất cát xay từ đá.
UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu các sở ngành liên quan tham mưu lộ trình sử dụng cát nhân tạo xay từ đá đối với các dự án xây dựng sử dụng vốn từ ngân sách. Đến năm 2020 tỉnh sẽ có cát nhân tạo xay từ đá thay thế cát khai thác từ lòng sông.
Nhiều tháng nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế tăng đột biến. Hiện giá cát ở tỉnh giao động từ 320-350.000 đồng/khối, mỗi khối cát khi vận chuyển đến chân công trình xây dựng có giá từ 400-500.000 đồng, nhưng không phải dễ mua được.
Mức giá này cao gấp 3-4 lần với những năm trước đây và đang tiếp tục “nóng lên” từng ngày. Nguyên nhân là do nguồn cung cát xây dựng thiếu hụt nghiêm trọng vì các mỏ cát sỏi trên các sông bị đóng cửa.
Việc cát xây dựng khan hiếm và tăng giá đột biến đã và đang khiến hoạt động xây dựng của người dân và các nhà thầu ở tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, nông dân huyện Tam Nông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng...