Những vụ kiện slogan đình đám thế giới
Các công ty lớn thường cố gắng tạo ra sự khác biệt với những slogan (khẩu hiệu) nhiều ý nghĩa. Song chính vì vậy mà chúng thường xuyên bị đánh cắp bởi các đối thủ khác.
1. Barnes & Noble VS. AMAZON.COM
Amazon nổi tiếng với việc bán sách trực tuyến qua mạng. Năm 1999 họ chiếm đến 75% lượng sách trực tuyến được bán ra trong khi đối thủ cạnh tranh chính, B&N chỉ chiếm 15%. Điều này khiến sự tranh chấp giữa 2 bên càng trở lên quyết liệt hơn. Tuyệt vọng trong việc cạnh tranh khiến B&N quyết tâm làm chậm bước đối thủ, và hãng đã đâm đơn kiện Amazon vi phạm Slogan quảng bá của mình. Năm 1997, họ kiện Amazon sử dụng Slogan "Earth's biggest bookstore" (Hiệu sách lớn nhất trái đất), vi phạm Slogan của Barnes & Noble: "World's largest bookseller" (Nhà bán sách lớn nhất thế giới). Ngoài ra, họ cho rằng Amazon chỉ có vai trò trung gian trên mạng chứ không thực sự là một cửa hàng bán sách, vì thế Slogan trên không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên vụ kiện đã không đạt được hiệu quả như mong đợi, khi tòa quyết định cả hai công ty đều được phép giữ lại slogan của mình.
2. Under Armour VS. Nike
Từ mười năm trước, Under Armour đã dần trở thành một nhãn hiệu thể thao nổi tiếng được rất nhiều vận động viên ưa chuộng. Và slogan "I WILL" (tôi sẽ) đã luôn đi cùng thương hiệu này. Để bảo vệ mình trước đối thủ Nike, Under Armour tuyên bố rằng, các quảng cáo của hãng từ năm 1998 đều bao gồm cụm từ "I WILL", và việc Nike sử dụng cụm từ này trong các chiến dịch gần đây như "I will finish what I started" (Tôi sẽ hoàn thành những gì mình bắt đầu) và "I will sweat while they sleep" (tôi sẽ đổ mồ hôi khi họ đang ngủ) đã gây thiệt hại đến việc kinh doanh của mình. Về phía Nike, hãng cho rằng đây là cụm từ chung và không cần phải đăng ký, đồng thời họ đã dùng nó từ năm 1995 trong một clip quảng cáo. Cuối cùng, hai ông lớn này cũng đã đạt được thỏa thuận dàn xếp hồi đầu năm nay mà không tiết lộ các điều khoản. Trong một tuyên bố mới đây, Nike cho biết : "Những tranh chấp đã được giải quyết trên cơ sở bí mật, và hai bên đều có lợi", còn Under Armour vốn yêu cầu phải bồi thường thiệt hại cho đối thủ đã từ chối bình luận về vụ kiện.
3. Finish Strong LLC VS.
Nike Under Armour có thể là đối thủ cạnh tranh lớn nhất khi cáo buộc vi phạm slogan của Nike, nhưng không phải là duy nhất. Gần đây, một công ty may mặc ở Chicago - Mỹ có tên gọi là Finish Strong LLC đã đệ đơn kiện chống lại Nike. Họ cho rằng, Nike đã sử dụng tên thương mại của mình trên dòng sản phẩm gần đây của hãng (như trên hình).
4. Pizza Hut VS. Papa John
Câu khẩu hiệu "Better ingredients. Better pizza" (nguyên liệu tốt hơn, pizza ngon hơn) đã dần trở lên nổi tiếng nhờ cuộc tranh chấp giữa hai ông lớn là Pizza Hut và Papa John. Trở lại vụ kiện bắt đầu năm 1998, Pizza Hut - chuỗi cửa hàng Pizza lớn nhất nước Mỹ lúc đó- đã đâm đơn kiện Papa John - đối thủ cạnh tranh của họ, vì cho rằng slogan nói trên là một khẩu hiệu sai lệch và có ý bôi xấu đến nguyên liệu làm pizza của hãng. Ban đầu, bồi thẩm đoàn đã đồng ý với quan điểm trên và yêu cầu Papa John bồi thường 467.619 USD thiệt hại cho Pizza Hut. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm sau đó đã đảo ngược quyết định này, và cho rằng ngon hơn hay không là do sở thích cá nhân của mỗi khách hàng và slogan trên không ảnh hưởng đến điều đó. Mặc dù Pizza Hut đã cố gắng thuyết phục tòa án xem xét lại, nhưng quyết định vẫn được giữ nguyên và slogan này vẫn được Papa John sử dụng cho đến nay.
5. Big Sky Brewing Co VS. Anheuser-Busch
Đoạn video quảng cáo "Hold my beer and watch this" do đạo diễn John Krasinski sản xuất cho Bud Light vào năm ngoái vốn đã được đăng tải trên Internet, nhưng giờ đây bạn khó mà tìm thấy nó. Việc loại bỏ video này là một điều khoản trong thỏa thuận đạt được giữa hai công ty Anheuser-Busch (công ty mẹ của Bud Light) và Big Sky Brewing Co. sau khi hãng này đã đệ đơn kiện lên tòa án năm ngoái, cho rằng câu slogan: "Hold my beer and watch this" vốn đã xuất hiện trên một số lon bia của mình từ năm 2009. Rob McCarthy, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị cho Bud Light biện luận rằng: "Vô số video và những trò đùa khác sử dụng cụm từ giống hoặc tương tự như vậy " với mong muốn bảo vệ slogan trên, nhưng cuối cùng, hãng này vẫn phải chấp nhận loại bỏ đoạn video để đổi lấy việc rút đơn kiện của Big Sky.
6. NYC Street Artist VS. APPLE
Chắc hẳn mọi người đều rất quen thuộc với câu slogan quảng cáo đi kèm sản phẩm Iphone 5s mới của Apple: "You're more powerful than you think" (Bạn mạnh mẽ hơn mình tưởng). Tuy nhiên, chỉ mới tháng trước, nghệ sĩ đường phố James De La Vega thông qua luật sư đã gửi một thông điệp cho Apple, yêu cầu hãng này ngừng sử dụng cụm từ trên trong chiến dịch tiếp thị iPhone 5s. Bởi lẽ, câu khẩu hiệu truyền cảm hứng này là một phần trong hàng loạt các sáng tác của nghệ sĩ này đã gần 10 năm qua. Trên thực tế, các công ty như Tory Burch hay Amazon, đã sử dụng những tác phẩm nghệ thuật cũng như khẩu hiệu của De La Vega từ lâu và đều phải trả phí. Giờ đây, ông mong muốn đạt được một thỏa thuận tương tự như vậy với Apple.
7. Mister SOFTEE VS. Master SOFTEE
Có một sự giống nhau rất rõ ràng giữa tên của 2 nhãn hiệu này. Và Jim Conway, chủ sở hữu của Mister SOFTEE đã đệ đơn kiện vào đầu năm nay nhằm yêu cầu chủ của Master SOFTEE, một nhân viên cũ của mình, chấm dứt việc cố ý đạo tên thương hiệu của hãng, đồng thời sử dụng thiết kế xe chở kem rất giống với những gì Mister SOFTEE đang làm. Đây không phải là lần đầu tiên công ty của Conway có hành động pháp lý chống lại việc bắt chước, ít nhất đã có hơn 10 vụ kiện tương tự như vậy được hãng theo đuổi từ những năm 1990. Và mới đây, một thẩm phán đã đồng ý với yêu cầu của Mister SOFTEE, buộc Master SOFTEE phải thay đổi thiết kế trên các xe chở kem nếu muốn tiếp tục hoạt động.