Nhà nông làm “hàng độc”: Khó đủ đường

Ông Trần Thanh Liêm ở 14/10KV7, phường Bình Thủy (Bình Thủy - TP Cần Thơ), người từng thành công với việc thay hình đổi dạng dưa tròn thành vuông, thỏi vàng… thừa nhận đã thất bại trong vụ dưa tết và đang kỳ vọng một vụ thử nghiệm để xem vì sao lại như vậy!

Làm 200 khuôn, lúc chở tới ba khu đất trồng dưa bằng xe tải, tới hồi thu hoạch chỉ được 12 cặp, xe honda chở còn không đủ…

“Năm nay dưa vàng bị lẫn xanh khá nhiều, loại giống Kim Hồng ở Long An và Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng gặp tình trạng như vậy, nhưng chưa dám kết luận do giống hay thời tiết. Tui còn giữ một gói hạt, sẽ làm vụ hai. Nếu vàng thì do ánh sáng chứ không phải giống vì qua Nguyên Tiêu thời tiết nắng tốt hơn trước Tết Nguyên Đán”, ông Liêm nói.

Dưa kiểu dáng xe hơi, vô khuôn 40-50 cặp tới lúc hái chỉ được chục trái nhưng không đẹp, ông Liêm buộc phải để ở xó bếp. Linh tính mách bảo ông thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng tới sự chọn lựa của người “chơi” dưa “ đổi dạng” và có người tới hỏi rồi đi luôn hoặc đặt cọc rồi bớt số lượng dần…

”Hà Nội chỉ lấy chừng chục trái trong khi năm trước lái cứ chực chờ ở đây. Mua bán hồi Tết thật không hiểu nổi thị trường”, ông Liêm thở dài, nói: "Cả mùa dưa Tết lỗ 86 triệu đồng”.

Cái lý của ông Liêm là sống với biến đổi khí hậu nên phải lựa cây trồng có giá trị cao để bù đắp sản lượng, nhưng dưa hấu rất mẫn cảm thời tiết. Sang năm chắc ông sẽ "làm dưa đổi dạng ít thôi để tìm cây trồng khác tạo thu nhập quanh năm chứ nông dân đầu tư hai ba năm mới có được chút đỉnh, năm ngoái dành 60-70% tiền lời làm vốn tích lũy, nhưng thất bại năm nay ngốn sạch khoản tích lũy của mấy năm trước rồi”, ông Liêm tiếc rẻ nói.

Nhà nông làm “hàng độc”: Khó đủ đường - 1

"Làm 200 khuôn, lúc chở tới 3 khu đất trồng dưa bằng xe tải, tới hồi thu hoạch chỉ được 12 cặp, xe honda chở còn không đủ…", ông Liêm than thở. Ảnh: H.L

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A có vẻ lạc quan hơn về những hợp đồng bán bưởi hồ lô, nhưng lại lo lắng khi xuất hiện loại sâu lạ chui lọt qua lớp vỏ bưởi vào trong trái gây hại!

“Thời tiết bất lợi và sâu hại làm giảm sản lượng bưởi trên 30%”, ông Thành than thở.

“Với số lượng bưởi đã có hợp đồng, chúng tôi bán với giá 350.000 – 700.000 đồng/cập (tùy loại)”, ông Thành cho biết.

Nhưng những nhà vườn chung quanh cho biết: năm nay, bưởi loại 3 chiếm tỷ lệ lớn, nhưng lại tiêu thụ chậm so với các năm do trái bị lỗi, chữ nổi “tài , lộc” không như ý muốn. Thời điểm chạy nước rút, bưởi hồ lô tồn 3.000 trái, phải chạy ngược về Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu...giá bán từ 100.000-300.000 đồng/ trái.

Năm nay, bưởi hồ lô không còn là “hàng độc”, nhiều loại trái to nhỏ tràn ra lề đường, người thì nói bưởi hồ lô của Vĩ̃nh Long, người thì nói ở Hậu Giang nhưng không phải ở Phú Hữu, Châu Thành tỉnh Hậu Giang; Thậm chí có người khẳng định “Bưởi tui trồng”, nhưng lại không phải là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A- cái nôi của bưởi hô lô thứ thiệt!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lan – Lê Hoàng Yến (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN