Năm mới "đột nhập" trại mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên

Sự kiện: Kinh Doanh

Trang trại của gia đình ông Lê Văn Vân có lẽ là trại nuôi mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên. Đầu năm mới 2018, PV Danviet lấy hết can đảm "đột nhập" trại mãng xà lạ mà hay của gia đình ông Lê Văn Vân, trú thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Trao đổi với PV Danviet.vn, ông Lê Văn Vân cho biết, trước đây, gia đình ông nuôi bò, nuôi dê, nhưng thấy 2 năm nay, bò, dê đều giảm giá, nên ông quyết định đến với nghề nuôi rắn hổ trâu. Chỉ sau vỏn vẹn hơn 1 năm triển khai, ông Lê Văn Vân đã thu về hơn 100 triệu đồng tiền lời với mô hình nuôi bầy mãng xà-rắn hổ trâu.

Đánh liều sống cùng rắn hổ trâu

Ngao ngán trước cảnh nuôi bò, dê rồi trồng đủ các loại cây như cao su, cà phê...nhưng hiệu quả kinh tế lúc xuống nhiều hơn lúc lên. Loay hoay trong vòng xoáy về cơm áo gạo tiền, ông Vân bỗng nhớ ra 1 loài rắn “khủng” (rắn hổ trâu) được nhiều người dân đã nuôi ở quê nhà, nhưng chưa có ai thử nghiệm nuôi tại tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chúng. Không chần chừ, nghĩ là làm, chỉ sau một đêm suy nghĩ ông quyết định dồn hết tiền bán bò, dê rồi vườn cà phê để xây dựng chuồng trại và về quê mua 150 con rắn hổ trâu giống đưa vào Kon Tum mở nghiệp nuôi mãng xà.

Năm mới "đột nhập" trại mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên - 1

Trang trại rắn hổ trâu của ông Lê Văn Vân được chia thành 90 ô chuồng

“Chán lắm cô à, nuôi bao nhiêu con bò rồi dê, trồng đủ các loại hoa màu mà vẫn không đủ ăn, kinh tế ngày càng thụt lùi, đang chán chường thì bỗng nhiên nghĩ đến đàn rắn hổ trâu ở quê mọi người vẫn nuôi. Vậy là tôi quyết tâm đánh liều nuôi theo luôn. Cũng không nghĩ là nuôi rắn đâu, lại là rắn hổ trâu, vì hồi trước tới giờ tôi cũng sợ rắn lắm chứ. Đánh liều sống chết 1 phen với bầy rắn xem sao, ai ngờ thấy rắn cũng hiền, nó không có bạ đâu cắn đấy như mình vẫn nghĩ”, ông Vân thổ lộ với PV Danviet.

Năm mới "đột nhập" trại mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên - 2

Trong mỗi ô chuồng nuôi rắn hổ trâu của gia đình ông Lê Văn Vân đều có cát hoặc đất khô lót bên dưới để tạo cho rắn một môi trường sống gần với hoang dã.

Trang trại nuôi bầy rắn hổ trâu “khủng” chỉ hơn 500m2, nhưngg được ông Lê Văn Vân xây dựng khá bài bản, với 90 ô chuồng, mỗi ô chuồng có chiều cao và chiều rộng khoảng 80cm. Nền của từng ô chuồng được tráng bằng xi măng sau đó lót đất và cát tạo ra một môi trường gần với hoang dã, giống với tập tính tự nhiên của các loài rắn. Xung quanh ô chuồng đươc xây kín bằng gạch và bên trên được che chắn cẩn thận, an toàn bằng lưới sắt kiên cố.

Bằng sự táo bạo và liều lĩnh, tự mày mò, tự tìm hiểu cách chăm sóc rồi tập tính, thói quen của rắn hổ trâu, ông Lê Văn Vân đã thu về hơn 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) chỉ hơn 1 năm làm quen với việc đàn rắn hổ trâu.

Không nặng nhọc mà lại có tiền

Chia sẻ với Danviet, ông Vân cho biết: “Nuôi bầy mãng xà không nặng nhọc, vất vả, tốn công như nuôi bò, dê hay trồng cà phê, rau, màu...Loài rắn hổ trâu này khá dễ nuôi, lại ít bệnh tật, tuy nhiên phải hết sức lưu ý đến môi trường sống của rắn. Phải tạo độ ẩm phù hợp (độ ẩm tốt nhất từ 50-60%), xây dựng chuồng không quá chật, lót cát hoặc đất khô. Sau đó hằng ngày phải kiểm tra độ ẩm, xịt nước cẩn thận không được để quá ẩm và ướt nhưng cũng không được để quá khô. Đảm bảo các điều kiện trên thì khi rắn lột xác sẽ đẹp hơn không bị các chứng bệnh ngoài da...”.

Năm mới "đột nhập" trại mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên - 3

Rắn hổ trâu con sau khi nở từ trứng sẽ được ông Lê Văn Vân ấp (úm) dưới bóng đèn như úm gà con.

Cũng theo ông Vân, đến thời kỳ giao phối sẽ ghép 3 con rắn hổ trâu cái vào 1 ô chuồng chứa 1 con rắn hổ trâu đực. Thời gian rắn hổ trâu giao phối từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Mỗi 1 lần sinh đẻ, tùy từng con rắn hổ trâu mẹ sẽ đẻ được 15-18 quả trứng.  Trứng rắn hổ trâu sau 85-90 ngày ấp sẽ nở thành rắn hổ trâu con. Tỷ lệ trứng rắn hổ trâu ấp nở ở trang trại của gia đình ông Vân thành công đạt hơn 90%. Để xuất bán được 1 con rắn hổ trâu trưởng thành phải có tuổi đời 2-3 năm. Trứng rắn hổ trâu sẽ có giá bán giao động từ 70.000 -100.000 đồng/kg. Còn rắn hổ trâu trưởng thành, ông Lê Văn Vân xuất bán với giá từ 600-700.000 đồng/kg.

Thức ăn của bầy rắn hổ trâu là ếch, nhái, cóc...Để đáp ứng được lượng thức ăn đầy đủ cho đàn rắn, ông Vân đã nuôi một trang trại ếch để làm thức ăn cho bầy rắn. Điểm đặc biệt ở loài rắn hổ trâu là ít tốn thức ăn. Trung bình 1 con rắn lớn 1 tuần sẽ ăn hết 1 con cóc, còn rắn con thì 3 ngày sẽ cho ăn 1 lần. Ông Vân cho PV Danviet biết: “Vào mùa đông, nhất là thời điểm trước Noel, rắn hổ trâu có tập tính, thói quen ngủ đông. Khi đã ngủ đông, có khi cả tháng nó cũng không ăn gì. Khi đó người nuôi chỉ cung cấp nước cho bầy rắn. Thật ra để nuôi được con rắn rất dễ, thứ nhất ít bệnh tât; thứ hai không mất nhiều thời gian công sức cho ăn, vệ sinh chuồng trại... Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng chuồng trại cũng rẻ, lại đơn giản, thức ăn của rắn cũng dễ tìm, không quá đắt đỏ...”.

Năm mới "đột nhập" trại mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên - 4

Lấy hết can đảm "đột nhập" vào trại nuôi mãng xà có 1 không 2 ở Tây Nguyên, PV Danviet được ông Lê Văn Vân bắt cho xem một số con rắn hổ trâu "khủng" có chiều dài hơn 2m.

Ngoài việc bán trứng và rắn hổ trâu lớn, nhiều bạn hàng đã đặt mua những con rắn hổ trâu giống, tuy nhiên hiện tại trang trại rắn của ông Lê Văn Vân đã “cháy hàng”. Lứa rắn ông Vân đang nuôi hiện tại, dù chưa đủ trọng lượng, nhưng đã được khách hàng đặt hết từ trước. Năm 2017, với giá bán rắn hổ trâu trưởng thành từ 1-1, 5 triệu đồng/ con, gia đình ông Lê Văn Vân đã "bỏ túi" được 150 triệu đồng tiền bán rắn giống và 90 triệu đồng tiền trứng rắn hổ trâu. Hiện tại, ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum ông Lê Văn Vân đang là người tiên phong phát triển mô hình nuôi rắn hổ trâu. Chia sẻ về dự định trong năm mới 2018, ông Lê Văn Vân cho biết, gia đình đang có dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi đàn rắn hổ trâu và giúp đỡ, tư vấn, hướng dẫn những hộ có nhu cầu làm giàu từ mô hình nuôi rắn hổ trâu này...Về lời chúc năm mới 2018, qua Danviet, ông Lê Văn Vân chúc bà con nông dân cả nước bước sang năm mới làm ăn thuận lời, công việc hanh thông, sức khỏe dồi dào!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hiền (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN