Mua tạm trữ gạo: giá khó đột biến

Sau 2 ngày triển khai chương trình mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL có tăng trở lại. Thế nhưng, theo nhận định của các công ty xuất khẩu gạo, sẽ rất khó có sự đột biến về giá trong thời gian tới.

Giá tăng từ mức đáy

Thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL bắt đầu sôi động trở lại khi chương trình mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo được khởi động từ ngày 10-7. Tại An Giang, giá lúa IR 50404 tươi được thương lái mua tại ruộng với giá 4.350 - 4.400 đồng/kg và lúa khô 5.000 - 5.200 đồng/kg, tăng khoảng 100 - 150 đồng/kg so với mức giá cách đây một tuần.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, giá lúa tăng 50 - 100 đồng/kg lên mức giá 4.300 - 4.350 đồng/kg đối với IR 50404 tươi và 5.000 - 5.100 đồng/kg đối với lúa IR 50404 khô.

Riêng đối với mặt hàng gạo, hiện giá gạo nguyên liệu và thành phẩm tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang được các doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa giao dịch với mức giá 6.700 - 6.750 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống IR 50404; 7.800 - 7.950 đồng/kg đối với gạo thành phẩm của giống IR 50404 và 8.000 - 8.200 đồng/kg đối với gạo thành phẩm của các giống lúa hạt dài, tăng khoảng 50 - 100 đồng/kg so với mức giá hồi tuần trước.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo tại Cần Thơ, cho biết, giá lúa gạo trong nước tăng nhẹ trở lại, một phần do tác động bởi chính sách mua tạm trữ 500.000 tấn gạo và do thời gian gần đây có một lượng lớn gạo được bán sang Campuchia.

Dù giá lúa gạo đã tăng trở lại nhưng hiện vẫn còn ở mức rất thấp. Với giá bán như hiện nay (4.300 - 4.400 đồng/kg đối với IR 50404 tươi và 5.000 - 5.200 đồng/kg đối với lúa khô), người trồng lúa rất khó thu được mức lãi 30% như mục tiêu của chương trình mua tạm trữ trên.

Giá lúa khó tăng mạnh

Các chuyên gia nhận định rằng, giá lúa gạo nội địa sẽ không có khả năng tăng cao, ít nhất là đến hết quí 3-2012 do giá ký bán của những hợp đồng xuất khẩu gạo thời gian qua quá thấp.

Mua tạm trữ gạo: giá khó đột biến - 1

Theo nhận định của các công ty xuất khẩu gạo, sẽ rất khó có sự đột biến về giá trong thời gian tới.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến giữa tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo đạt khoảng 5,2 triệu tấn. Trong đó, các hợp đồng xuất khẩu được ký vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 có giá rất thấp, khoảng 1 triệu tấn gạo bán với giá 420 đô la Mỹ/tấn và khoảng 700.000 tấn có giá 380 đô la Mỹ/tấn.

Hiện giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức rất thấp, từ 410 - 415 đô la Mỹ/tấn đối với loại gạo 5% tấm và 370 - 375 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm, giá FOB giao tại cảng Sài Gòn, thấp hơn giá chào bán của Ấn Độ và Pakistan.

Ông Bình từ Công ty TNHH Trung An cho biết giá lúa gạo trong nước có tăng hay không là do đầu ra (xuất khẩu) chi phối nhưng giá lúa xuất khẩu vẫn quá thấp.

“Nếu không có chương trình mua tạm trữ thì các doanh nghiệp bán tới đâu sẽ mua tới đó nhưng nếu mua tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ thì bên VFA có trách nhiệm phải mua. Dù có 500.000 tấn cũng phần nào giúp giữ giá lúa cho nông dân hoặc có tăng thì cũng chỉ tăng 200- 300 đồng, chứ không thể tăng nhiều”, ông Bình nhận định.

Giá xuất khẩu thấp cũng là do các hợp đồng tập trung của Việt Nam đã ký với đối tác quá thấp, ảnh hưởng tới các hợp đồng thương mại. Ông Bình nói: “Hợp đồng tập trung là đầu tàu để kéo giá lên đối với các hợp đồng thương mại nhưng giá ký hợp đồng tập trung thấp thì hợp đồng thương mại sẽ không bán cao được”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Chánh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN