Mỗi ngày người Việt chi 17 tỷ đồng nhập khẩu rau quả
Trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả vẫn giữ vững được nhịp độ tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể so với cùng kỳ. Nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả vào Việt Nam cũng tăng đột biến, cho thấy cần có những chính sách điều tiết hợp lý.
Xuất khẩu rau quả có thể đạt 4,7 tỷ USD
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả tháng 6.2018 ước đạt 340 triệu USD, giảm nhẹ 2% so với trước nhưng tăng 25% so với cùng kỳ 2017. Kim ngạch XK rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017.
Cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm tra vải thiều trước khi thông quan. Ảnh: Trí Dũng.
Các thị trường XK chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc với kim ngạch XK 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỷ trọng và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là Mỹ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%.
XK vải thiều được cho là điểm sáng khi được mùa lớn song không rơi vào tình trạng mất giá, nhờ đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước và XK khả quan. Tính đến nay, quả vải đã “bay” đến trên 30 thị trường như EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… với tổng sản lượng ước đạt 87.400 tấn, trị giá khoảng 153 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường XK chủ lực của vải thiều với tổng kim ngạch trên 151 triệu USD.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, chủ động của toàn ngành và các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Ngay từ đầu tháng 4, Bộ NNPTNT đã chủ động phối hợp với ngành công thương, các địa phương trọng điểm trồng vải triển khai bài bản công tác chăm sóc, thu hoạch, chế biến và kịch bản tiêu thụ. Điều này giúp cho việc tiêu thụ vải của toàn niên vụ có sự chuyển dịch tích cực.
Tuyển chọn, phân loại vải thiều trước khi đưa đi xuất khẩu. Ảnh minh họa
Trên cơ sở đánh giá thị trường, Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) dự báo, XK rau quả năm 2018 có thể thu về khoảng 4,5-4,7 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, từ nay đến hết năm, với sản xuất, XK nông sản nói chung, rau quả nói riêng, Bộ NNPTNT xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao) và sang các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Mỗi ngày chi 17 tỷ đồng nhập khẩu rau quả
Cũng theo Bộ NNPTNT, song song với sự tăng trưởng XK, kim ngạch nhập khẩu (NK) rau quả tháng 6 ước đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị NK 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 754 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn NK chính vẫn là Thái Lan (45,7%), Trung Quốc (9,1).
Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, những tháng qua, chúng ta đã bỏ ra hơn 110 triệu USD để nhập rau quả, kim ngạch NK rau quả tăng 31 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng khoảng 700 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày người Việt bỏ ra gần 17 tỷ đồng để mua và ăn rau quả của Trung Quốc.
Thực tế, từ năm 2017, lượng rau quả NK có vẻ tăng đột biến. Chỉ riêng trong năm này, chúng ta đã chi 1,55 tỷ USD để NK các loại trái cây từ các thị trường Thái Lan, Mỹ, New Zealand...
Các loại rau quả NK từ Thái Lan chủ yếu là xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn - những loại nông sản Việt Nam đang trồng rất nhiều.
Trong khi các sản phẩm của Thái Lan chủ yếu vận chuyển chính ngạch từ các doanh nghiệp phân phối Thái Lan có mặt tại Việt Nam thì rau quả của Trung Quốc đưa sang Việt Nam chủ yếu theo đường tiểu ngạch, đưa về các chợ đầu mối sau đó phân phối ở hệ thống chợ dân sinh ở khắp nơi với giá cả tương đối rẻ.
Theo dự báo, với tốc độ tăng NK rau quả như thời gian qua, đặc biệt là mức tăng trưởng lên đến 100% đối với thị trường Thái Lan thì con số kim ngạch NK rau quả có thể lên đến 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Điều đáng nói là, theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ của nhiều loại quả nhiệt đới ở Việt Nam, với nguồn cung thuận lợi nên giá thu mua một vài loại trái cây có biểu hiện giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.