Mập mờ hàng dán nhãn xuất khẩu
Hàng gọi là xuất khẩu nhưng thực ra là hàng nhái từ mẫu hàng xuất khẩu.
Người tiêu dùng thường chuộng hàng Việt xuất khẩu vì chất lượng tốt, mẫu mã hiện đại. Nắm bắt tâm lý này, các cửa hàng quần áo, giày dép, túi xách với dòng chữ Chuyên bán hàng xuất khẩu sỉ-lẻ mọc lên như nấm. Tuy nhiên, để mua được hàng xuất khẩu chính hiệu là chuyện hên xui vì chỉ có người bán mới biết. Phần lớn hàng được gọi là xuất khẩu do các cơ sở trong nước “tự lên”. Tỉ lệ quần áo Trung Quốc cũng chiếm một phần trong cái tên “hàng xuất khẩu” ấy.
Hiệu nào cũng có
Một cửa hàng trên đường Bàu Cát (Tân Bình) ghi rõ bảng hiệu “Chuyên bán hàng hiệu xuất khẩu sỉ và lẻ”. Ở đây, người mua tha hồ chọn cho mình từ áo đầm, quần soọc đến quần jean, áo khoác… Áo đầm với nhiều thương hiệu như Forever 21, Mango có giá khoảng 180.000 đồng/cái. Khi hỏi hàng xuất sang nước nào, người bán hàng cho biết hàng xuất đi Mỹ. “Cùng chất liệu nhưng nhãn hàng Forever 21 rẻ hơn Mango khoảng 10.000-15.000 đồng/cái” - chị này cho biết.
Tại một cửa hàng khác cũng ghi chuyên bán hàng xuất khẩu ở quận 3, giá một áo đầm chất liệu dạ len, trên mác ghi của Zara khoảng 200.000 đồng. Chủ cửa hàng bảo đây là hàng ở nhà con cháu đặt người ta lên kiểu, mình lấy về bán và “xuất” đi các nơi như Hà Nội!
Chị Lê Thị Yến, nhân viên kinh doanh, cũng mê hàng Việt Nam xuất khẩu kể, có lần chị mua 3-4 cái áo đầm về nhưng chỉ xài được một cái, những cái khác bị ra màu quá nhiều. Nút trên hai tay áo có cái còn cái mất. Mặc dù váy ghi nhãn hàng là Babara nhưng đường kim mũi chỉ không sắc sảo chút nào.
Một số người kinh doanh quần áo xuất khẩu cho biết áo thun nữ hiệu Mango, Forever 21 nhưng thực chất được các cơ sở trong nước mua nguyên liệu, rồi thiết kế mẫu mã. Ngoài ra, các cơ sở còn copy mẫu của hàng xuất khẩu đi Mỹ, Hàn Quốc, Canada với các nhãn hiệu Place, Old Navy, Gap baby dành cho trẻ em…
Người tiêu dùng khó phân biệt được hàng Việt Nam xuất khẩu chính hiệu hay hàng nhái, hàng giả. (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HTD
Chủ yếu là hàng nhái
Chị Trần T.H.O, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo xuất khẩu lâu năm ở quận 3, tiết lộ những năm trước, khi các công ty nước ngoài đặt hàng cho các công ty Việt Nam gia công, lúc đó hàng xuất khẩu bị tuồn bán ra ngoài mới tràn lan. Vài năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, các công ty phá sản nên việc tuồn hàng ra ngoài rất hiếm. Thế nên quần áo với mác xuất khẩu hiện tại ngoài thị trường chủ yếu là hàng Campuchia nhập về hoặc là hàng nhái kiểu dáng của hàng xuất khẩu.
Theo chị O., cửa hàng chị từng nhận được lời chào hàng áo khoác hiệu Puma. Áo trị giá khoảng 50 USD/cái nhưng nhân viên tuồn ra bán với giá chỉ 70.000-80.000 đồng/cái. Số lượng vài chục cái. Chị mua và bán ra thị trường chỉ hơn 100.000 đồng/cái.
Thắc mắc sao chị không bán với giá vài trăm ngàn đồng một cái, chị O. giải thích tâm lý người mua thích mác hàng xuất khẩu song chỉ chấp nhận mức giá rẻ. Mà bán với giá như vậy cũng đã có lời rồi. Cũng chính vì người tiêu dùng thích xài hàng xuất khẩu nhưng chỉ chấp nhận giá rẻ nên thị trường mới đầy áo quần nhái hàng xuất khẩu với giá rẻ.
Đại diện Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định cho biết các đơn hàng xuất khẩu được kiểm soát rất kỹ, không có lượng vải dôi ra nhiều để có thể sản xuất ăn theo mẫu mã của đơn hàng rồi bán ra thị trường. Chỉ có trường hợp bù hao. Ví dụ như đơn hàng 15.000 chiếc thì sản xuất thêm 1% nữa để bù hao những cái bị lỗi.
Bên cạnh đó trong hợp đồng cũng có một số điều khoản như không được chuyển mẫu mã cho bên thứ ba. Hàng có lỗi sau sáu tháng đến một năm mới được đưa ra thị trường nhưng phải cắt nhãn mác. Một số doanh nghiệp trong ngành may mặc cho rằng đa số là các cơ sở nhỏ, lẻ copy chỉnh sửa lại một chút từ những mẫu hàng xuất khẩu chính hiệu để thành mẫu mã của cơ sở họ. Với các thương hiệu nổi tiếng thì họ có thể mua mác để gắn vào. Cũng có trường hợp họ nhập hàng Trung Quốc về và gắn nhãn mác lên sản phẩm. Để phân biệt hàng Trung Quốc, hàng xuất khẩu chính hiệu, hay hàng các cơ sở nhỏ, lẻ của Việt Nam nhái hàng xuất khẩu đối với người tiêu dùng là rất khó. Chỉ có người chuyên buôn bán mới nhận biết được.
Giày dép nhái hàng xuất khẩu cũng tràn lan Các doanh nghiệp Việt Nam gia công giày cho các thương hiệu như Nike, Buberry… Nếu có lỗi thì sản phẩm đó được cắt bỏ không được bán. Cũng có trường hợp đơn vị gia công được khách hàng tặng mẫu nhưng số lượng không nhiều. Hiện hiệp hội cũng chưa nắm được các sản phẩm bày bán ở cửa hàng xuất khẩu là hàng nhái, hàng Trung Quốc, hay hàng do các công ty Việt Nam tuồn bán ra ngoài. Các đối tác cho biết hàng nhái, hàng giả nhiều nên chúng tôi đang lo ngại họ sẽ cắt đơn hàng. Hiệp hội đang nhờ cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để đấu tranh chống lại vấn nạn này. Ông NGUYỄN VĂN KHÁNH, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM Hiện nay các cửa hàng trưng biển hiệu hàng xuất khẩu thì 90% quần áo ở đó là hàng lậu, hàng nhái. Còn hàng xuất khẩu chính hiệu loại B (không đạt chất lượng, tỉ lệ bị lỗi 2%-3%) có bán ở nội địa nhưng không nhiều. Hàng xuất khẩu theo nguyên tắc là không cho bán, không cho sử dụng (cả hàng loại B) ít nhất là hai năm sau xuất đi. Nếu bán ra thị trường phải cắt nhãn mác, đóng mộc hàng lỗi ở bên trong sản phẩm. Thị trường vẫn có sản phẩm của Trung Quốc nhưng nếu để là hàng Trung Quốc thì người tiêu dùng không mua nên họ gắn mác made in Việt Nam. Hiệp hội hay doanh nghiệp có phát hiện, biết có hiện tượng như vậy nhưng chưa có thống kê là chiếm tỉ lệ bao nhiêu vì không ai làm, không có lực lượng để làm… Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM |