Lạ mà hay: Dùng đất sét làm tổ cho lươn đẻ, lời 100 triệu đồng/lứa

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thực tế, đến nay cơ sở nuôi lươn của anh Nguyễn Thanh Phương, ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) có trên 4.000 con lươn giống sinh sản, cho thu nhập cao. Anh Phương có cách làm lạ mà hay là dùng đất sét làm tổ cho lươn đẻ, thu con giống, ươm nhân tạo trong bể xi măng giúp giảm được công ấp trứng lươn.

Cơ sở sản xuất lươn giống của anh Phương có thể nói là mô hình mới nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Anh Phương kể, để có được cơ sở nuôi lươn sinh sản nhân tạo như ngày hôm nay, anh đã dành gần như tất cả thời gian cho con lươn.

Được sự ủng hộ của người thân, năm 2015 anh Phương đến huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh tìm mua lươn giống về nuôi. Do chưa nắm được yêu cầu kỹ thuật về chọn giống nên lươn phát triển không đều, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp, dẫn đến lỗ vốn. Anh Phương nghiệm ra, mua lươn giống tự nhiên mà không kỹ lưỡng thì lươn rất khó thích nghi với môi trường nuôi bể.

Lạ mà hay: Dùng đất sét làm tổ cho lươn đẻ, lời 100 triệu đồng/lứa - 1

Anh Nguyễn Thanh Phương đã xây dựng được 10 ao nuôi lươn giống nhân tạo diện tích hơn 200m2.

Từ đó, anh Phương chuyển hướng nghiên cứu, làm bể nhân tạo sản xuất lươn giống và tìm mua được 5.000 con lươn giống tốt về thả nuôi. Sau hơn 10 tháng nuôi, anh Phương tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh để làm giống. Sau 6 tháng nuôi, lươn bố mẹ đã bắt đầu đẻ trứng trong bể nhân tạo. Trứng sau khi đẻ anh Phương vớt ra cho ấp nở. Lươn con được ương dưỡng tại đây khoảng 20 ngày rồi mới cho ra nuôi tiếp ở bể xi măng.

Từ thành công ban đầu, anh Phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình cho lươn đẻ. Qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi chu kỳ sinh sản của lươn tự nhiên, anh Phương tiến hành thiết kế bể nuôi bằng bạt (kích thước 2m x 10m), sử dụng đất sét để làm tổ đẻ cho lươn bố mẹ. Khi lươn đẻ trứng xong, anh cho trứng nở tự nhiên tại tổ, sau đó mới thu lươn giống. “Với phương pháp cho đẻ tự nhiên và thu con giống đưa vào ương nhân tạo, con giống thu được khỏe hơn, ương nuôi nhanh lớn và đặc biệt là giảm được công ấp trứng”, anh Phương cho biết.

Lươn con thu được anh cho ương tại bể xi măng, thức ăn chủ yếu là trùng chỉ, sau 20 ngày tập cho lươn ăn thức ăn cám viên. Sau đó anh Phương nuôi tiếp 2 tháng, khi lươn đạt kích cỡ 500 con/kg là xuất bán. Bằng phương pháp này, mỗi tháng anh Phương cung cấp ra thị trường từ 20.000 con đến 25.000 con giống, với giá bán 5.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 100 triệu đồng/lứa. 

“Hiện khoảng 70% lươn giống được bán cho người chăn nuôi ở các tỉnh như Nam Định, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Số còn lại bán cho bà con nuôi trong tỉnh. Hy vọng với những thành công ban đầu sẽ tạo động lực cho tôi mở rộng  quy mô sản xuất lươn giống”, anh Phương cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Hoàng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN