Không “giải” được 20 tỷ USD hàng TQ vào Việt Nam thì “nguy”!

“Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn như thế, thậm chí có thể còn tiếp tục vượt con số 20 tỷ USD mà chúng ta nói không thể lượng hóa được thì không thuyết phục…”.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương đã cho biết như vậy tại cuộc hội thảo “Phương pháp đối chiếu và lý giải chênh lệch số liệu trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa” diễn ra ngày 13.8.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thừa nhận, việc “vênh” lớn số liệu xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) ngoài yếu tố thống kê thì hàng gian, hàng lậu từ TQ tràn vào VN không được thống kê là nguyên nhân lớn gây nên chênh số liệu này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay với thống kê của ta và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chưa cho phép lượng hóa điều này.

Không “giải” được 20 tỷ USD hàng TQ vào Việt Nam thì “nguy”! - 1

Ảnh minh họa: Giao thương với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai

Ông Romesh Paul - cố vấn trưởng Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thống kê ASEAN của châu Âu cũng nêu rằng, thương mại giữa TQ và châu âu cũng chênh lệch lớn nhưng lượng hóa nó thì đang là cuộc chiến tiếp tục. “Các nước tham gia thông tin đối chiếu phải chia sẻ thông tin, số liệu chi tiết với nhau, đặc biệt về hải quan. Khi đó sẽ giải thích được nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch. Nếu không thì khả năng phát hiện nguyên nhân chênh lệch khó xảy ra” - ông Paul nói.

“Chênh lệch thương mại châu Âu – Trung Quốc 17 năm trước cũng là 20 tỷ USD nhưng cũng chỉ phát hiện được vì sao chênh lệch 10 tỷ USD thôi, còn 10 tỷ USD nữa thì không lượng hóa được” - ông Paul cho biết thêm.

Ông Phạm Anh Tuấn - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Nếu không lượng hóa được nguyên nhân mà độ vênh số liệu XNK VN-TQ cứ tăng dần lên thì “không ổn”. “Sau mỗi lần chênh lệch số liệu này, Tổng cục Thống kê lại đưa ra những lý giải chung chung như vậy có lẽ không thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền. Chúng ta nói gian lận thương mại với TQ đang rất phổ biến, hàng tạm nhập tái xuất có vấn đề vậy mà bảo “không trả lời được” thì rất nguy” - ông Tuấn nói.

Với chênh lệch con số nhập khẩu lên đến 20 tỷ USD năm 2014, bà Lê Thị Minh Thủy giải thích: Chênh lệch lớn nhất là các nhóm liên quan đến cả tiêu dùng và sản xuất, gia công như dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, xe cộ... Tổng số khoảng 12,5 tỷ USD. Một số nhóm hàng tiêu dùng chênh nhiều là rau quả (1,6 tỷ USD); còn giường, tủ, bàn ghế, đồ gốm sứ, đồ dùng gia đình bằng kim loại... thì chưa lượng ra được.

TQ hiện là bạn hàng lớn nhất của VN, mức nhập siêu từ thị trường này ngày càng lớn, do vậy các bộ ngành đề xuất với Chính phủ giao Bộ Công Thương đề nghị TQ phối hợp hải quan hai nước thực hiện rà soát số liệu để lượng hóa tác động của từng nguyên nhân.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN