Hàng ngàn DN “ốm yếu” sẽ được “cứu” nhờ sửa luật thuế?

Những sửa đổi kịp thời sắc lệnh thuế sẽ “cứu” được lực lượng doanh nghiệp ốm yếu đã cố gắng vượt qua khủng hoảng.

Bên hàng lang Quốc hội, ĐB Phan Văn Quý đã có một số trao đổi với báo chí về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế mà Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 15/11.

Hiện nay các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng sạch cho rằng chưa nhận được sự hỗ trợ về chính sách, nhất là về thuế tương xứng. Ông đồng tình với quan điểm này hay không?

Đúng vậy. Chúng ta phải cố gắng khai thác triệt để những tiềm năng như nhân lực, thiên nhiên, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Hàng ngàn DN “ốm yếu” sẽ được “cứu” nhờ sửa luật thuế? - 1

ĐBQH Phan Văn Quý (Nghệ An) đánh giá cao những thay đổi trong dự án luật thuế sửa đổi, bổ sung một số điều các luật thuế

Theo tôi, đổi mới việc làm cần phải ngay vì nó tạo ra lực lượng lao động dồi dào, người nghèo có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, tự nhiên đời sống khá hơn, xã hội đỡ phức tạp hơn. Trước đây, tâm lý của các phụ huynh đều muốn con học cao như đại học, cao đẳng nhưng nay đã khác. Nhiều gia đình, nhất là khu vực nông thôn đã lựa chọn những trường học nghề để khi ra trường có việc làm ngay.

Nhiều tập đoàn lớn cũng đặt vấn đề, “đặt hàng” từ các trường dạy nghề, thậm chí có những doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng nhà máy gần ngay trường dạy nghề để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ với trình độ chuyên nghiệp, mức lương cũng được nâng cao.

Cho nên, nếu doanh nghiệp đầu tư vào các trường dạy nghề cũng cần được miễn, giảm thuế.

Hơn nữa, cần phải khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng sạch, bền vững, như năng lượng gió… Nếu không khuyến khích đầu tư, chúng ta vừa chẳng thu được gì vừa không thu hút được đầu tư tạo ra nguồn điện năng sạch cho đất nước.

Nhưng chắc chắn dù ít dù nhiều, việc sửa đổi các sắc thuế cũng sẽ phần nào hỗ trợ doanh nghiệp đang “ốm yếu” hiện nay, thưa ông?

Đúng vậy, với các doanh nghiệp đã bị giải thể thì đành chịu, nhưng doanh nghiệp nào đang ốm yếu, dự luật này sẽ cứu vớt được và với sự hỗ trợ này, doanh nghiệp có thể khỏe lên và phát triển.

Tôi cũng tin, dự luật này là một đòn bẩy, khuyến khích lực lượng đầu tư vào một số lĩnh vực chúng ta đang cần như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, nông thôn… Dù đang bị cạnh tranh gay gắt nhưng với những quy định mới tôi tin rằng sẽ tác động tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có thể kéo được các nhà đầu tư lớn, với những dự án từ 20.000 tỷ đồng trở lên.

Dù thế thì nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên giảm nợ thuế, còn xóa thì phải cân nhắc. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi đồng ý, chỉ nên giảm nợ thuế, còn xóa thì phải cân nhắc. Bất cứ việc gì áp dụng rộng rãi cũng đều có thể có khe hở, dẫn đến nhà nước có thể thất thu.

Vấn đề ưu đãi cho một số dự án mà vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến với thời hạn 30 năm là quá dài. Vì một đời công nghệ không đến 30 năm, chỉ khoảng 10 năm là phải nghĩ tới thay đổi công nghệ rồi, còn tới 30 năm thì công nghệ đó đã lạc hậu. Nếu không thận trọng, thu ngân sách bằng gì?.

Ví như cần phải làm rõ một đời công nghệ là bao nhiêu năm thì chỉ ưu đãi thời gian đó thôi, nếu doanh nghiệp thay đổi công nghệ tiên tiến thì lại ưu đãi tiếp. Có như thế, mới khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ tiến tiến, tăng hiệu quả sản xuất và nhà nước cũng tăng thu ngân sách.

Bên cạnh đó là thời điểm xóa nợ thuế từ 1/7/2013 trở về trước. Một người có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác nhau theo hình thức cổ phần. Nên nói doanh nghiệp này phá sản, nhưng có thể doanh nhân đó còn có cổ phần ở những doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, như với bất động sản, khi thị trường đóng băng tạm thời không bán được. Nhưng “cơm không ăn, gạo còn đó”, sau này thị trường ấm lên, bán thu lãi lớn bỏ túi, mà nợ thuế thì đã được xóa thì như thế nào? Cho nên, phải hết sức thận trọng, nếu không có thể tạo tiền lệ hoặc không công bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN