Hải sản giá rẻ: Vừa ăn vừa… run
Hiện nay trên vỉa hè, các khu chợ lớn của Hà Nội đều có bày bán các loại hải sản giá rẻ, và để che mắt khách hàng, người bán thường “gắn mác” xịn cho những loại hải sản này: cua Cà Mau, mực Quảng Ninh,… khiến nhiều bà nội trợ lắc đầu “Ăn hải sản bây giờ cứ vừa ăn vừa…run”.
Giá nào cũng…run
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về các loại hải sản giá rẻ mập mờ về nguồn gốc bán tại vỉa hè, hoặc các khu chợ tại nhiều thành phố lớn. Điều này khiến nhiều bà nội trợ hoang mang.
Chị Thảo (Cầu Giấy, HN) cho biết: “Tháng trước tôi cũng một lần mua cua biển bán ở trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu. Thấy họ bán có 30.000-50.000 đồng/con tùy kích cỡ, lại thấy rất nhiều người mua nên tôi cũng mua về ăn thử. Sau đó thấy nói cua biển đó có nguồn gốc từ Cà Mau, nên tôi thường xuyên mua hơn. Chất lượng cua không thể nói là ngon, nhưng vì đang bầu bí, muốn ăn nhiều hải sản để bổ sung dinh dưỡng, giá loại cua này lại siêu rẻ nên mua về ăn. Mấy hôm nay lại thấy báo đài nói loại cua đó chưa xác định đươc nguồn gốc nên thấy lo lo. Không biết loại cua đó có gì không tốt hay không…”.
Đồng quan điển với chị Thảo, chị Hạnh (Thụy Khuê, HN) cũng bày tỏ: “Hải sản mua ở vỉa hè hay ở chợ thì người mua cũng đâu biết được nguồn gốc chính xác của nó, người bán nói sao mình biết vậy. Nếu mấy tiểu thương trong chợ có mua lại loại cua “Cà Mau” rởm này về rồi bán lại để lấy giá chênh lệch thì mình cũng không biết. Nói chung, bây giờ ăn hải sản dù vỉa hè hay ngoài chợ thì đều….run”.
Nguồn gốc của các loại hải sản bán ngoài chợ đều do người bán "vẽ" ra khiến nhiều bà nội trợ vừa ăn vừa... run.
Theo khảo sát của PV, tại nhiều khu chợ lớn trên địa bàn HN: Nghĩa Tân, Long Biên, Ngọc Lâm,… đều có bán hải sản, nhưng nguồn gốc của các loại hải sản này thì chỉ có… người bán là rõ nhất.
Một tiểu thương tại chợ Ngọc Lâm (Long Biên,HN) cho biết, mùa hè, các loại hải sản: Cua, mực, ghẹ,… bán rất chạy hàng. Những người thu nhập khá thì ăn loại tươi sống, người thu nhập trung bình thì hay mua loại hải sản ướp lạnh,…
“Thậm chí loại hải sản ướp lạnh: Tôm, mực,… còn mua nhanh bán đắt hơn những loại tươi sống, vì giá loại này rẻ chỉ bằng 2/3, thậm chí 1 nửa so với loại tươi sống”, tiểu thương này nói.
Tuy nhiều bà nội trợ “cảm thấy rất quan ngại” về vấn đề nguồn gốc, xuất xứ rồi chất lượng của các loại hải sản giá rẻ, nhưng nhiều người vẫn nói một đằng… làm mốt nẻo với tâm lí “hàng nào cũng tránh thì chỉ có nước… treo niêu”.
Chị Hiếu (Long Biên, HN) cho biết: “Nhà tôi ai cũng thích ăn hải sản, nhất là mùa hè. Thu nhập thì cũng chỉ bình bình nên chỉ dám mua loại hải sản giá rẻ (hải sản ướp lạnh-PV) về ăn. Chịu khó chọn thì cũng được những con thịt vẫn còn chắc. Giờ chẳng riêng gì hải sản, các loại thủy sản, thực phẩm,… thứ gì cũng thấy cảnh báo có chất nguy hại, ăn cái gì cũng lo, chả nhẽ lại nhịn?”.
Người tiêu dùng nên tỉnh táo khi mua hải sản, nên chọn nơi có nguồn gốc, xuất xứ tin cậy, hàng rõ nguồn, tươi sống, đảm bảo hợp vệ sinh, sạch sẽ.
Nên tránh xa các loại hải sản đã chết
Theo các bác sĩ tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, những loại hải sản đã chết (không còn tươi, hải sản đông lạnh, hải sản khô) thường chứa histamine khi các vi khuẩn tấn công thịt hải sản.
Trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn đặc biệt có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến, ở hải sản đã chết (không còn tươi, hải sản đông lạnh, hải sản khô) vi khuẩn này tăng hoạt động, sản sinh ra một chất có tên là histamin, nói cách khác thịt hải sản bị biến chất do vi khuẩn thành một chất độc.
Khi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thì lượng histamin cũng tăng lên và tích luỹ trong thịt hải sản. Chất này không bị phân huỷ khi chúng ta đun nấu bằng mọi cách. Khi hải sản có nhiều histamin được ăn vào, chất này được hấp thu nhanh vào trong máu và gây các biểu hiện dị ứng (bản chất không phải là dị ứng mà là ngộ độc).
Biểu hiện ngộ độc là đỏ da, ngứa chủ yếu phần nửa trên của cơ thể, bao gồm đầu mặt cổ, ngực và tay; có thể có khó thở và tụt huyết áp, nôn, đau bụng. Nếu xét nghiệm mẫu hải sản đã ăn sẽ thấy lượng histamin trong đó rất cao.
Do đó người dân nếu muốn mua cua ghẹ vỉa hè cần chọn kỹ, kéo dễ mua phải con đã chết từ lâu, thịt bở và không còn độ ngọt, thậm chí mở ra bên trong đã có giòi.
Khi bóp vào yếm cua ghẹ, nếu thấy yếm không chắc, thì đó là ghẹ đã bị ướp đá từ lâu, thịt đã bị óp hết, không nên mua.
Người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo khi mua hải sản, nên chọn nơi có nguồn gốc, xuất xứ tin cậy, hàng rõ nguồn, tươi sống, đảm bảo hợp vệ sinh, sạch sẽ.