Giấc mơ, lợi nhuận và tiêu dùng thông thái

Mấy ngày nay, câu chuyện về chất lượng hàng tiêu dùng lại nóng lên trên các phương tiện truyền thông rồi len lỏi vào từng ngõ xóm. Vào cả cuộc họp tổ dân phố mặc dù nó được tổ chức để bàn những việc khác.

Người ta tranh luận đến đỏ cả mặt về việc đội mũ bảo hiểm (MBH) giả, kém chất lượng thì sẽ bị phạt. Có ý kiến cho rằng phạt kiểu này chẳng khác gì “giận cá chém thớt”. Nên xử phạt nặng những người sản xuất, kinh doanh MBH rởm trước khi xử phạt người dùng.

Trên thực tế, nhiều người không tiếc tiền để mua MBH tốt nhưng vẫn ăn phải “quả đắng” vì bị lừa.

Đã đành là luật thì phải tuân thủ, nhưng phạt xong người dân biết trông cậy vào đâu để mua được chiếc mũ bảo hiểm đúng với quy định, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận có đến 75% MBH trên thị trường là giả và kém chất lượng. Quả thật làm “người tiêu dùng thông thái” chưa bao giờ khó như bây giờ.

Không riêng gì về MBH, người tiêu dùng kêu trời vì giá sữa luôn trong tình trạng chờ tăng với hàng loạt các lý do như: Chi phí quảng cáo (ước khoảng 30% so với doanh thu), đổi bao bì… Giá đắt mà được sữa tốt thì thôi đành, nhưng đây lại kém cả về chất lượng. Đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện nay việc quản lý giữa giá và chất lượng đang gặp những trục trặc không đáng có. Về chất lượng, Bộ Y tế là cơ quan được Chính phủ giao kiểm soát hàm lượng dinh dưỡng, công thức sữa… Dựa trên phê duyệt công bố chất lượng của Bộ Y tế, Bộ Tài chính mới quy định giá. Như vậy, giữa giá và chất lượng thực của sữa rất khó để kiểm soát nếu liên bộ không thống nhất.

Đây mới chỉ là hai trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, mặt hàng tiêu dùng có mặt trên thị trường đang có vấn đề về chất lượng. Câu chuyện đặt ra ở đây là người tiêu dùng đang cần một lời giải đáp thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý chứ không phải tất cả “trăm tơ đổ đầu tằm” như hiện nay. Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, doanh nghiệp có quyền công bố chất lượng hàng hóa do mình sản xuất hoặc phân phối. Vấn đề là việc công bố đó phải phản ánh đúng thực tế chất lượng hàng hóa. Nhưng có lẽ, đây chỉ là mơ ước của các nhà quản lý. Còn hiện tại với doanh nghiệp, lợi nhuận vẫn là tiêu chí hàng đầu.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Điển (Báo Công thương)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN