DN xăng dầu vẫn lãi đậm: Kỳ vọng giá giảm tiếp
Kể từ lần giảm giá xăng dầu hôm 6.1 đến nay, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước theo tính toán sơ bộ đang có lãi gần 1.000 đồng/lít xăng.
Với việc giảm giá mạnh này, cộng thêm các loại thuế và phí, giá cơ sở của xăng A92 trong nước đang ở mức khoảng 17.000 đồng/lít.
Giá này đang thấp hơn so với mức giá bán lẻ hiện hành trên thị trường là gần 600 đồng/lít. Và nếu cộng thêm lãi định mức kinh doanh xăng dầu 300 đồng/lít thì các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang lãi tới gần 1.000 đồng/lít xăng.
Kể từ lần giảm giá xăng dầu hôm 6.1 đến nay, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước theo tính toán sơ bộ đang có lãi gần 1.000 đồng/lít xăng.
Giá trong nước đang giảm hạn chế
Người tiêu dùng đang kỳ vọng, giá xăng dầu bán lẻ sẽ tiếp tục giảm chỉ trong vài ngày tới. Theo quy định sau 15 ngày, tức khoảng 21.1, giá xăng dầu trong nước sẽ đến kỳ điều chỉnh giá.
Trước đó, ngày 6.1, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm. Theo đó, giá xăng RON A92 giảm 310 đồng/lít, từ mức 17.880 đồng/lít hạ xuống còn 17.570 đồng/lít. Dầu diezen cũng sẽ giảm từ mức 16.990 đồng/lít xuống chỉ còn 16.630 đồng/lít. Dầu hoả giảm 290 đồng/lít, giá bán lẻ sẽ chỉ còn 17.110 đồng/lít và dầu madut giảm 200 đồng/kg, giá bán lẻ còn 12.930 đồng/kg.
Trong phiên giao dịch hôm nay 15.1, giá dầu tại thị trường châu Á tiếp tục giảm xuống mức thấp của 6 năm qua, sau khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhấn mạnh sẽ duy trì sản lượng cho dù nguồn cung dôi dư.
Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao (WTI) tháng 2.2015 giảm 58 xu xuống 45,31 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 54 xu xuống 46,05 USD/thùng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước gần đây có xu hướng giảm hạn chế, trong khi thuế xăng dầu lại được tận thu nhiều hơn, cho thấy lợi ích của người dân và nền kinh tế chưa được đánh giá đúng.
“Tôi thấy các ý kiến đều lo ngại giá dầu giảm sẽ làm giảm thu ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là chưa thỏa đáng. Lợi ích của việc giảm giá dầu đối với đời sống người dân, doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế là vô cùng lớn nhưng chúng ta chưa có chiến lược nào tận dụng điều này”-ông Doanh bày tỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu chiếm 14,6% chi phí trung gian của nền kinh tế, và tương đương 8,8% tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế. Và theo tính toán sơ lược nhất của ngành thống kê thì tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế bằng 165% GDP. Nếu giá xăng dầu chỉ cần giảm 20%, thì GDP sẽ có các kịch bản tăng 1,8-2,2% trong khi giá dầu đã giảm tới gần 40%. Do vậy, trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn, việc giá dầu thế giới giảm là dịp may hiếm có để tạo đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.
Cũng bày tỏ quan điểm điều hành giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong lần điều hành giá xăng dầu vài ngày tới đây nên giảm giá sâu cho người tiêu dùng và dừng việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên kịch trần.
“Thuế xăng dầu tăng lên chỉ đem lại nguồn thu hạn chế cho ngân sách nhưng giá xăng dầu giảm sâu sẽ đem lại lợi ích tổng thể cho nền kinh tế từ đó các nguồn thu sẽ bao phủ hơn rất nhiều”- ông Long quả quyết.
Mới đây, Việt Nam đã nâng thuế nhập khẩu xăng dầu lên tới 35%. Ông Võ Trí Thành-Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, không nên lạm dụng tăng thuế nữa.
Theo ông Thành, lần điều hành tới nếu tăng thuế sẽ giảm các tác động tích cực của giá dầu giảm tới nền kinh tế. Việc giá dầu giảm đối với Việt Nam, ông Thành khẳng định tác động là tích cực do đầu vào giảm, góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi. "Đóng góp tích cực còn phụ thuộc vào mức giảm chi phí vận tải và các hàng hóa khác hiện nay, mà mức giảm này chưa tương xứng với mức giảm của giá dầu" - ông Thành cho biết.
Ông Thành cho hay, trên thực tế, tăng thuế xăng dầu đang là cách được sử dụng, nhưng rõ ràng không nên lạm dụng tới đây nữa. Điều cơ bản là kinh tế phục hồi rõ nét và qua đó, để tăng được nguồn thu ngân sách” – ông Thành nhận định.