Đến lượt nhà máy ximăng đổ nợ
Nhiều nơi vẫn xây dựng nhà máy ximăng dù tình hình tiêu thụ đến nay vẫn không khả quan, trong khi một số nhà máy đã hoạt động lại rơi vào thua lỗ phải cầu cứu Chính phủ trả nợ thay.
Với xấp xỉ 60 dây chuyền sản xuất ximăng lò quay, chưa kể các nhà máy ximăng lò đứng, đến nay VN đã “phổ cập” nhà máy ximăng gần như đạt 100% các tỉnh thành trong cả nước...
Hiện nay nhiều địa phương có từ 2-5 nhà máy ximăng trở lên như Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh. Đặc biệt tại Hà Nam, ở thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) hiện có tới ba dự án nhà máy ximăng.
Nhà máy ximăng Xuân Thành
Dân lo ô nhiễm
Những ngày giữa tháng 6-2012, tại TP Phủ Lý (Hà Nam), từng đoàn xe tải của Tập đoàn Xuân Thành phục vụ việc xây Nhà máy ximăng Xuân Thành (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) thi nhau chạy rầm rầm, tung bụi mịt mù.
Cách trung tâm tỉnh Hà Nam khoảng 7km, men theo con đường bụi nhất, chúng tôi đến được Nhà máy ximăng Xuân Thành có công suất 2,3 triệu tấn/năm. Tại công trường của nhà máy, hàng chục xe tải hạng nặng thi nhau chở nguyên vật liệu vào ra nhộn nhịp suốt cả ngày.
Ông Nguyễn Văn Thu (xã Thanh Nghị) đang làm gần địa điểm thi công, khi được hỏi đã tặc lưỡi “dự án này đã thu hồi hơn 600.000m2 đất của địa phương”. Ông Thu tỏ ra buồn rầu vì... kỷ lục của xã mình: “Chúng tôi mong kỷ lục gì, chứ chả ai nghĩ có một ngày mình được quan tâm vì một thôn mà có tới ba nhà máy ximăng về đóng”.
Mừng vì nhiều con em có việc làm thì ít, theo ông Thu, người dân địa phương lo cho con cháu họ nhiều hơn. Ông Thu không khỏi băn khoăn khi đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu họ dùng công nghệ hiện đại đến đâu, nhưng nhìn qua ba nhà máy ở làng dân chúng tôi cứ băn khoăn vì ngay các thiết bị được nhìn thấy đều không phải mới, chúng tôi rất lo ô nhiễm”.
Nỗi lo ô nhiễm không phải của riêng một số cụ già ở Thanh Nghị. Chỉ cách Nhà máy ximăng Xuân Thành đang thi công khoảng 1km là Nhà máy ximăng Thanh Liêm (công suất 450.000 tấn/năm). Và cách Nhà máy ximăng Thanh Liêm chưa đầy 1km là Nhà máy ximăng Hoàng Long (công suất 350.000 tấn/năm).
Chỉ tay vào cái ống khói của Nhà máy ximăng Hoàng Long cách đó không xa, chị Bùi Thị Nga (xóm 4, thôn Bồng Lạng, Thanh Nghị) bức xúc nói: “Không phải lúc nào cũng đùn khói đục nhè nhẹ lên trời như thế này đâu. Thi thoảng họ lại xả khí thải mịt mù cả làng”.
Theo chị Nga, nhiều người dân tại địa phương này cũng “chả hiểu cán bộ họ học hành, trình độ thế nào mà quy hoạch tới ba nhà máy ximăng vào một thôn đông dân cư. Dân chúng tôi chả mấy ai thích nhà máy, nhưng đã quyết rồi thì phải chịu”.
Nhà máy ximăng Hoàng Long
Ximăng ế ẩm, nhà máy hoạt động cầm chừng
Đối nghịch với hình ảnh các dự án ximăng cứ ngày một dài ra là một thị trường tiêu thụ hết sức ảm đạm trong hai năm gần đây. Ông T., nhà phân phối ximăng của một loạt thương hiệu ximăng tên tuổi khu vực phía Nam, cho biết nếu cách đây hơn hai năm, một ngày đại lý của ông có thể tiêu thụ 3.000-4.000 tấn thì giờ đây “được 500 tấn/ngày là đã mừng”.
Ba kho hàng rộng hàng ngàn mét vuông ông từng thuê rải rác khắp nơi để chứa ximăng lần lượt được trả lại vì giờ đây không cần chỗ để chứa. Trong sổ giao dịch, lượng ximăng được bán ra trong tháng 5-2012 chỉ có 780 tấn, giảm hơn 60% so với cùng kỳ. Và trong tháng 6-2012, nhà phân phối này dự báo lượng ximăng tiêu thụ được có thể giảm khoảng 30% so với tháng 5.
Thừa! Trong năm 2012, theo công suất thiết kế đã được công bố, tổng công suất của các nhà máy sản xuất ximăng của VN lên đến 77 triệu tấn, thừa khoảng 20 triệu tấn so với mức tiêu thụ chỉ vào 45-50 triệu tấn. Nếu so với công suất thực tế chạy máy, từ 60-70% của các doanh nghiệp sản xuất hiện tại, nguồn cung ximăng cũng thừa 6-8 triệu tấn. Theo quy hoạch ximăng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tính từ năm 2012-2015 sẽ có thêm 24 dự án ximăng dự kiến đi vào vận hành, đưa tổng công suất sản xuất đến giai đoạn này lên đến 94,24 triệu tấn! Riêng giai đoạn từ năm 2016-2030 dự kiến có thêm 28 dự án. Nếu các dự án này được chấp thuận, tổng công suất sản xuất ximăng của VN đến năm 2030 sẽ đạt 139,34 triệu tấn, trong khi nhu cầu được đánh giá ở mức 113-115 triệu tấn, vẫn tiếp tục thừa trên 20 triệu tấn! |
“Thị trường bất động đóng băng, các công trình xây dựng ngưng trệ là nguyên nhân chính. Nhưng việc có quá nhiều nhà máy ximăng mọc lên đã làm nguồn cung ximăng thừa mứa, trong khi nhu cầu sử dụng lại không thể tăng kịp cũng làm thị trường này ngày một lún sâu hơn trong bế tắc” - ông T. nói.
Phụ trách marketing của một thương hiệu ximăng cho biết nhà máy chỉ chạy 60% so với công suất thiết kế từ nhiều tháng nay, hiện doanh nghiệp này đang tính tới phương án bảo trì nhà máy sớm hơn dự kiến hai tháng, đồng thời chỉ sản xuất khi có hợp đồng cung ứng ximăng.
“Chứ làm ra rồi để đó vật vờ chờ tiêu thụ, trong khi hàng đống chi phí phải thanh toán chắc chết... sớm hơn” - vị này nói.
Trong cuộc họp với các doanh nghiệp ximăng vào cuối tháng 5-2012, Hiệp hội Ximăng VN (VNCA) cho biết từ đầu năm đến nay phần lớn doanh nghiệp ximăng đều thua lỗ, sản phẩm tồn đọng lớn. Không ít nhà máy đã ngừng một số dây chuyền sản xuất, nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp ximăng là hiện hữu. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch VNCA, tình hình kinh doanh ximăng từ nay đến cuối năm không có gì sáng sủa hơn.
Quy hoạch một đằng, làm một nẻo
Không chỉ các địa phương, nhiều tập đoàn liên quan đến xây dựng đều đã đầu tư hoặc có đăng ký đầu tư vào dự án ximăng. Trong đó, góp mặt nhiều nhất ngoài Tổng công ty Ximăng còn có Tập đoàn Sông Đà (với hai nhà máy ximăng Hạ Long và Đồng Bành đang phải nhờ Bộ Tài chính trả nợ nước ngoài hộ). Đáng lưu ý, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí cũng đầu tư xây dựng nhà máy ximăng...
Điều đáng bàn là hầu hết nhà máy ximăng hiện đang triển khai tại VN đều có công suất thấp, từ chưa đến 1 triệu tấn/năm tới 2,5 triệu tấn/năm. Theo ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng, các dự án công suất thấp này phần nhiều sử dụng công nghệ thấp từ Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy này cũng không cao do tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu, trong khi chi phí than, điện đang tăng giá... nên đối mặt rủi ro.
Cũng theo ông Huynh, ngay từ năm 1997 VN đã làm quy hoạch ngành ximăng và mới nhất là vào năm 2011 có quy hoạch phát triển ngành ximăng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tuy nhiên, dù đã có quy hoạch nhưng khi cần các địa phương và bộ ngành lại đề nghị bổ sung quy hoạch. Vì vậy, số dự án cứ thế tăng lên. Cùng khó khăn kinh tế, mất cân đối cung cầu ngày càng lộ rõ.
Nhà máy ximăng Thanh Liêm đang “cửa đóng then cài”. Đây là một trong ba nhà máy ximăng tại thôn Bồng Lạng Tại Nhà máy ximăng Thanh Liêm (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam), chúng tôi chỉ gặp đúng... một người, đó là bảo vệ tên Nguyễn Văn Đăng. Anh Đăng cho biết nhà máy đã chính thức đóng cửa từ năm ngoái và ông chủ hiện đã... đi đâu mất. Theo anh Đăng, không hiểu nhà máy sử dụng công nghệ gì mà khi ông chủ mất dạng, điện lực gửi văn bản đến đòi tiền điện, người ta mới té ngửa chỉ hai tháng mà số điện nhà máy này ngốn phải trả tới... 11 tỉ đồng, mỗi tháng trên 5 tỉ đồng. Đến nay, ngoài đội ngũ bảo vệ, nhà máy ximăng này còn tạo thêm việc cho khoảng ba cán bộ... ngân hàng, vì nhà máy đóng cửa, để lại một khoản vay không trả được, buộc ngân hàng phải về tiếp quản, cử cán bộ trông coi. |