Cầm chắc 200 triệu đồng/năm từ 5 sào măng tây xanh
Anh Phạm Xuân Cảnh, thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) là trong những nông dân đầu tiên ở đất Cảng mạnh dạn đầu tư trồng măng tây. Hai năm nay, bình quân mỗi năm anh Cảnh lãi ròng 200 triệu đồng từ 5 sào “rau xanh cao cấp” này.
Rau cao cấp giàu dinh dưỡng
Mặc dù gắn bó với công tác Đoàn, phong trào thanh niên, nhưng anh Cảnh vẫn trăn trở với việc trồng cây gì để làm giàu, tìm mô hình làm giàu từ nông nghiệp. Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh biết đến cây măng tây-một loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, giúp phòng nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Năm 2015, anh Cảnh đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa được 5 sào ruộng để trồng thử 2.000 gốc măng tây.
Anh Phạm Xuân Cảnh chăm sóc ruộng măng tây xanh của gia đình. Bình quân mỗi ngày, anh thu hái 15kg măng tây, giá bán 80.000 đồng/kg. Ảnh: Ngân Phạm.
Trao đổi với Nhà nông/Danviet, anh Cảnh cho biết, đất quê màu mỡ, chỉ cần biết tính toán trồng cây gì để làm giàu là cuộc sống sẽ khấm khá. Anh đã sang tận Hải Dương để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo thêm nhiều tài liệu, các kênh thông tin để ứng dụng tiến bộ KHKT vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây măng tây.
Do là hộ đầu tiên ở Tiên Lãng trồng măng tây nên ban đầu vợ chồng anh đã gặp không ít khó khăn. Nhưng anh Cảnh đã miệt mài ngày đêm lao động, nghiên cứu đất đai, cây giống. Đất và cây đã không phụ công người, sau hơn 6 tháng trồng, lứa măng đầu tiên đã cho thu hoạch.
Anh Cảnh cho biết, măng tây xanh chỉ phải trồng 1 lần nhưng cho khai thác trong vòng từ 8-10 năm. Ảnh: Ngân Phạm.
“Ban đầu trồng, tôi rất lo lắng. Tiền đầu tư ngót nghét 100 triệu đồng. Tôi mất ăn, mất ngủ mấy tháng trời chờ cây lớn từng ngày. Đến khi lứa măng đầu tiên được thu hoạch, bán được giá tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Cảnh thổ lộ.
Nói về đặc tính của cây măng tây, anh Cảnh cho hay, cây có khả năng chống chịu với mưa bão tốt. Tuy nhiên, khâu chăm sóc cũng đòi hỏi rất công phu. Phải thường xuyên cắt tỉa những cành lá già, dọn cỏ, hạn chế phân vô cơ, chủ yếu dùng phân hữu cơ và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật. |
Những cây măng tây nào mắc bệnh thì phải cắt bỏ chứ không được phun thuốc. “Ngoài trồng măng tây, gia đình còn trang trại gà với gần 2.000 con nên tôi thường tận dụng nguồn phân gà để bón cho măng tây. Phân gà sau khi được ủ cùng trấu sẽ được bón ra ruộng. Thường thì một tháng sẽ bón phân 3 lần để đảm bảo măng tây luôn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, măng tây là giống cây ưa sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì cây sẽ chết. Vì vậy, tôi đã đầu tư lắp thêm hệ thống nước sạch tưới tiêu tự động”, anh Cảnh chia sẻ.
Đến gốc cũng bán được tiền
Theo anh Cảnh, mới nghe nhiều người cho măng tây là cây trồng "sang chảnh", nhưng thực ra nếu hợp đất, hợp thời tiết thì cây rất dễ tính. Cây măng tây chỉ cần đầu tư trồng 1 lần là có thể thu hoạch sản phẩm liên tục từ 8 – 10 năm. Măng tây cho thu hoạch quanh năm, giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa. Để đảm bảo năng suất cao, mỗi ngày thu hoạch măng 1 lần và hái liền trong khoảng 3 tháng. Sau đó, người trồng nghỉ hái từ 25 – 30 ngày để dưỡng cây.
Măng tây xanh vừa là thực phẩm cao cấp giàu chất dinh dưỡng, vừa là loại cây trồng có nhiều dược tính phòng, chữa bệnh. Ảnh: Ngân Phạm.
Do là loại cây ưa sáng nên vào mùa hè măng tây thường cho năng suất cao hơn. Đặc biệt, măng tây phải được thu hoạch vào ban đêm bởi khi đó, thân cây mới trắng, giữ được nhiều chất dinh dưỡng bên trong. Dù mới bén duyên với mảnh đất Tiên Lãng gần 2 năm, nhưng cây măng tây xanh đã chứng tỏ sự phù hợp với chất đất nơi đây. Hiện tại, với 5 sào măng tây, mỗi ngày anh Cảnh thu được khoảng 15 kg măng. Với giá bán ra thị trường trung bình 80.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Anh Cảnh cho Nhà nông/Danviet biết, trồng măng tây xanh đến nay chưa lo ế bởi cứ thu hoạch ngày nào là bán hết ngay ngày đấy. “Các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi để săn đón. Thậm chí, có người thân muốn mua cũng phải đặt trước 2 – 3 ngày. Ngay cả gốc măng tây, sau khi thu hoạch và bị loại ra cũng có người đến mua về để chữa bệnh. Măng tây có tác dụng chữa các bệnh có liên quan đến dạ dày, tim mạch, phòng ngừa bệnh ung thư, tốt cho đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch…Và đặc biệt măng tây còn có tác dụng rất tốt trong việc chữa căn bệnh hiếm muộn”- anh Cảnh nói...
Hiện nay không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình , anh Cảnh còn khuyến khích thanh niên trong và ngoài xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng măng tây và đảm bảo cả đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của họ. |