Bán hàng trên mạng: Đóng thuế ra sao?
Từ năm 2015, cá nhân bán hàng (qua Facebook, bán trực tuyến...) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm mới chịu thuế thu nhập cá nhân.
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 47/2014 quản lý website thương mại điện tử (TMĐT). Nhiều cá nhân đang bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, trên các website khác... lo ngại rằng mình phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế, bất kể bán hàng thường xuyên chuyên nghiệp hay chỉ lâu lâu “bắn” lên vài món thanh lý đồ trong nhà.
Tính thuế tùy doanh số
Chị Trần Thị Hoàng Oanh, chủ một cửa hàng quần áo trẻ em, có đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Chị có đăng ký tài khoản trên một số mạng xã hội và website khác để đưa hình ảnh sản phẩm, giá cả, địa chỉ, số điện thoại... Ai muốn mua thì gọi điện thoại cho chị hoặc đến sạp chợ để mua. Chị băn khoăn: “Tôi có phải đóng thêm loại thuế... TMĐT không vậy?”.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết website mua bán hàng hay mạng xã hội như Facebook, twitter... chỉ là phương tiện để kinh doanh. Cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) dù dùng hay không dùng Facebook để quảng bá bán hàng… thì cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN... theo quy định riêng về thuế.
Ông phân tích, DN đăng ký kinh doanh dưới dạng DN. Hộ cá thể hoặc cá nhân thì đăng ký kinh doanh với quận/huyện. Những người buôn bán dạo, hàng rong, lâu lâu mới bán một vài món hàng (không thường xuyên) thì không cần đăng ký. Những người kinh doanh thường xuyên khác thì phải đăng ký, phải khai thuế. Nếu không đăng ký mà bị phát hiện thì cá nhân có thể bị xử phạt hành chính, bị áp doanh số để buộc nộp thuế.
Ông cũng cho biết từ năm 2015, cá nhân bán hàng (qua Facebook, bán trực tuyến...) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì mới chịu thuế thu nhập cá nhân. Bán hàng thu nhập không đến 100 triệu đồng/năm thì dù có rao bán trên một chục website đi nữa cũng không chịu thuế này!
Cá nhân đã đăng ký kinh doanh sẽ chịu thuế môn bài từ 50.000 đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm tùy vào mức thu nhập. Ngoài ra hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì cá nhân cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Tùy vào doanh số mà người kinh doanh chịu thuế hoặc không. Ảnh: TÚ UYÊN
“Lên sàn” không cần thủ tục
Sở Công Thương TP.HCM khẳng định theo Thông tư 47/2014 thì DN chủ mạng xã hội, chủ sàn TMĐT, chủ website đấu giá trực tuyến; chủ website khuyến mãi trực tuyến (gọi nôm na là sàn giao dịch) phải đăng ký với Bộ Công Thương. Còn cá nhân, hộ kinh doanh lên các sàn này để bán hàng thì không phải đăng ký thủ tục gì về TMĐT.
Một chuyên gia về TMĐT cho rằng việc quản lý các mạng xã hội trong việc kinh doanh buôn bán là không cần thiết và thực sự cũng không quản được! “Mục tiêu của quản lý TMĐT là để bảo vệ và thúc đẩy việc đặt hàng, mua hàng, thanh toán bằng các phương thức điện tử. Trong khi với mạng xã hội thì người có tài khoản chủ yếu dùng nó để quảng bá, rao hàng chứ không có các chức năng giỏ hàng (tựa như đi siêu thị, khách hàng có thể chọn mặt hàng mà mình thích đưa vào giỏ hàng, sản phẩm không thích thì loại bỏ), đặt hàng, thanh toán tiền qua website này” - chuyên gia này nói.
Cá nhân lên sàn cần làm gì? - Cung cấp thông tin như tên, địa chỉ, mã số thuế cá nhân, số điện thoại... - Thông tin chính xác, trung thực về hàng hóa, dịch vụ. - Nộp thuế theo quy định về thuế. (Theo Nghị định 52/2013 về TMĐT) Không đăng ký, phạt 40-60 triệu đồng Đến ngày 20-1-2015, khi Thông tư số 47 có hiệu lực, các mạng xã hội có cung cấp dịch vụ TMĐT mà không đăng ký với Bộ Công Thương sẽ bị xử phạt. Chủ mạng xã hội nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thông qua văn phòng đại diện hoặc mạng xã hội có tên miền “.vn” phải đăng ký. Đại diện Cục TMĐT và Công nghệ thông tin Hiện tại có gần 4.700 website TMĐT bán hàng đã làm thủ tục thông báo; 335 website dịch vụ TMĐT đã đăng ký như enbac.com, muachung.vn, nganluong.vn, 5giay.vn, ebay.vn, zalora.vn... (Theo Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT) |