Ứng dụng những tiến bộ công nghệ để “lên đời” cho cá tra
Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1,8 tỷ USD, cá tra được mệnh danh là “con cá vàng tỷ đô” của đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, phần lớn giá trị thu được là nhờ xuất thô. Tuy nhiên, đã có những doanh nghiệp (DN) tiên phong như Tập đoàn Sao Mai trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao giá trị cho cá tra.
Tỷ lệ xuất thô còn cao
Giống như nhiều nông sản khác, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là xuất thô sau quá trình sơ chế tại nhà máy. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), chỉ có chưa đến 5% trong tổng sản phẩm cá tra là mặt hàng giá trị gia tăng như dầu cá, bột cá và collagen.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VN Pangasius cho biết: có rất ít DN chịu đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ cá tra và xuất khẩu thô phổ biến vì sản phẩm cá tra fillet thì dễ làm, dễ bán và có thể bán với khối lượng lớn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) từng khuyến cáo, giá cá tra xuất khẩu phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi. Nhưng do giành giật khách hàng, nhiều DN đã chào giá chỉ 1,8 - 2,3 USD/kg với sản phẩm chủ yếu là fillet đông lạnh. Các DN xuất khẩu cạnh tranh bằng cách hạ chất lượng sản phẩm khiến nhà nhập khẩu lấy cơ hội này để ép giá DN Việt Nam; Các DN lại ép vùng nguyên liệu và trong đó có cả bà con nông dân.
Đầu tư hàm lượng khoa học công nghệ cao!
Trong tái cơ cấu ngành hàng thủy sản, đây là thời điểm cần thiết để đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và ai thực hiện trước sẽ giành được cơ hội lớn. Đi theo xu thế này, một số DN bước đầu đã tạo ra sản phẩm giá trị cao như dầu ăn, collagen, gelatin.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết: “Hiện nay chúng ta đang rất lãng phí, làm ra hạt lúa chủ yếu để lấy gạo mà quên mất giá trị từ phụ phẩm như trấu, cám, rơm, rạ. Tương tự, làm ra con cá tra chỉ lấy 30% thịt phi lê xuất khẩu, phần còn lại cho là thứ phế phẩm để làm thức ăn gia súc; Phần dầu cá bổ dưỡng thì được bán ra nước ngoài với giá thấp tẹt, không tương xứng với giá trị thật của nó”.
Vì vậy, khi tiếp cận với đề tài khoa học của Viện dinh dưỡng Quốc Gia (Bộ Y tế) về những lợi ích tuyệt vời từ mỡ cá tra, ông Thuấn đã quyết tâm làm cho bằng được dự án tinh luyện mỡ cá tra thành dầu ăn để giải đáp cho những trăn trở của mình.
Năm 2010, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang còn nhiều ẩn trắc nhưng Tập đoàn Sao Mai đã khởi công xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá công suất 200 tấn nguyên liệu /ngày với tổng mức đầu tư trên 500 tỉ đồng. Giữa năm 2013, nhà máy đi vào sản xuất thử nghiệm và đầu tháng 10/2014, sản phẩm dầu ăn làm từ dầu cá tinh luyện nhãn hiệu Ranee chính thức có mặt trên thị trường.
Ông Thuấn cho biết, với công nghệ tinh luyện hiện đại hàng đầu thế giới nhập khẩu từ Châu Âu, dầu cá cao cấp Ranee có nhiều tính năng ưu việt và chứa các dưỡng chất tự nhiên quí như các a xít béo không no Omega 3, 6, 9, EPA, DHA, vitamin A, E, khoáng vi lượng canxi rất thiết yếu đối với sức khỏe con người. Mặt khác, do cá tra được nuôi theo một quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nên dầu cá cao cấp Ranee cũng là sản phẩm song sinh được "hưởng lây " về mức độ ATVSTP và được Viện dinh dưỡng quốc gia khuyên dùng. Mặc dù mới xuất hiện trên thị trường nhưng dầu cá cao cấp Ranee đã được người tiêu dùng đón nhận một cách thân thiện, hứa hẹn trong tương lai không xa, dầu cá cao cấp Ranee là sản phẩm không thể thiếu trong bếp ăn của mọi gia đình.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám sau khi thăm nhà máy tinh luyện dầu cá cao cấp Ranee đã đánh giá cao những bước đi “trúng” và tiên phong của Tập đoàn Sao Mai. Thứ trưởng Tám cho rằng, Tập đoàn Sao Mai là một trong những đơn vị đóng góp lớn trong việc nâng cao chuỗi giá trị cho con cá tra, khẳng định đây là một hướng đi đột phá mà cả ngành nông nghiệp cần phải suy ngẫm trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất.