Ngành giấy lên tiếng: cần xây dựng lộ trình trước khi ban hành hoặc thay đổi chính sách

Siết nhập phế liệu đang là một trong những chỉ đạo gắt gao của Chính phủ, đây đồng thời cũng là chủ đề nhận được quan tâm của nhiều chuyên gia trong hội thảo “Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam".

Hội thảo diễn ra vào ngày 16/10 tại Hà Nội, đồng tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA).

Ngộ nhận về ngành giấy?

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 05/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Bộ Tài nguyên môi trường đã và đang có kế hoạch đề xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg theo hướng siết chặt nhập khẩu phế liệu. Trong đó, có đề xuất loại mã HS 4707900: Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại (gọi tắt là giấy hỗn hợp) ra khỏi danh mục cho phép nhập khẩu. Dự thảo sửa đổi này sẽ là một thách thức rất lớn đối với hàng loạt doanh nghiệp trong ngành sản xuất giấy, từ nội đến FDI (doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chia sẻ nỗi bức xúc về quy định thắt chặt khác như kiểm định hàng hóa tại cảng, thời gian cấp phép nhập khẩu kéo dài…

Ngành giấy lên tiếng: cần xây dựng lộ trình trước khi ban hành hoặc thay đổi chính sách - 1

Do hiểu biết về vai trò của ngành giấy còn hạn chế, trong thời gian qua, các văn bản, giấy tờ, nhận xét về ngành giấy bằng những quan điểm chưa khách quan, phiến diện

Tại hội thảo, Ông Nguyễn Văn Hiện, Tổng GĐ Giấy Việt Trì bức xúc, không thể vì “một con sâu làm rầu nồi canh” mà đánh đồng và siết nhập khẩu làm ảnh hưởng đến toàn ngành, đồng thời kỳ vọng lãnh đạo Hiệp hội giấy cần có tiếng nói hơn trước những Nghị định, chính sách liên quan đến ngành.

Sở dĩ giấy phế liệu bị đưa vào danh sách trên chủ yếu vì quan ngại các ảnh hưởng môi trường sẽ phát sinh trong quá trình tái chế. Về vấn đề này, một số chuyên gia cấp cao trong ngành lại thể hiện quan điểm ngược lại. Ông cho rằng, ngành giấy thực ra là ngành công nghiệp xanh khi nguyên liệu được tái tạo, sản phẩm sau khi sử dụng được tái chế 100%.

Cần đề xuất lộ trình rõ ràng trước khi ban hành/thay đổi chính sách

Tạm ngừng nhập khẩu hay siết nhập khẩu vô hình chung sẽ tăng chi phí đầu vào của nhà máy, chi phí kiểm soát tuân thủ, thời gian thực hiện (trường hợp tạm ngừng)… Để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, trao đổi cởi mở, thực hiện tham vấn rộng rãi sẽ giúp tìm ra giải pháp phù hợp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ, một chính sách tốt cần cân nhắc nhiều yếu tố, bên cạnh lợi ích của người tiêu dùng, môi trường, cũng không thể bỏ qua yếu tố cốt lõi là nền tảng của doanh nghiệp, lợi ích của ngành giấy.

Ngành giấy lên tiếng: cần xây dựng lộ trình trước khi ban hành hoặc thay đổi chính sách - 2

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu tại Việt Nam để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế

Tại hội thảo, một số hướng giải quyết cũng đã được các chuyên gia thảo luận tích cực. Cụ thể, tiêu chí về bảo vệ môi trường có thể tham khảo các nước phát triển, như Mỹ quy định trong nhập khẩu phế liệu giấy hỗn hợp (Mixed Paper - MP): Tạp chất bị cấm (Prohibitive Materials) không được quá 2%; Tạp chất khác (Outthrows): không được quá 3%.

Liên quan đến vấn đề pháp chế, ông Thưởng đề xuất, Chính phủ có thể cân nhắc sửa đổi hạng mục hạn chế đối tượng nhập khẩu trong Nghị định 38, cần đánh giá mục đích thương nhân nhập khẩu ủy thác, nếu chủ yếu nhắm vào sản xuất giấy thì không nên hạn chế mà ngược lại phải tạo thuận lợi cho thương mại phát triển. Đồng thời, nên cân nhắc hạn chế số lượng nhập khẩu theo nguyên tắc lượng nhập khẩu cần căn cứ vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Không chỉ tiếng nói từ chuyên gia, các doanh nghiệp ngành giấy cũng chia sẻ về án phạt trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm để tránh tái diễn tình huống “con sâu làm rầu nồi canh”. Đại diện cho các doanh nghiệp FDI trong ngành giấy, ông Patrick Chung, Giám đốc của Lee&Man, trình bày: “Khi cơ quan nhà nước phát hiện một công ty nào đó không tuân thủ điều này (quy định về bảo vệ môi trường) thì phải áp dụng một hình phạt nặng. Chúng ta phải xử lý triệt để những trường hợp này, nếu không con sâu sẽ làm rầu nồi canh và tất cả những người khác ở đây (hội thảo) sẽ bị ảnh hưởng.”

Về phía sản xuất của doanh nghiệp, các chuyên gia cũng nêu lên ý kiến trong phiên thảo luận: Nếu xét trong quá trình sản xuất, không riêng gì giấy tái chế hỗn hợp mà dù nguyên liệu là bột gỗ nguyên sinh thì cũng cần trải qua quá trình xử lý có khoa học. Vì thế, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất phải có trách nhiệm giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, tuân thủ quy định xử lý chất thải, nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của nhà nước.

Được gì, mất gì khi siết nhập khẩu giấy phế liệu?

Về giá trị kinh tế, giấy bao bì có đóng góp rất lớn vào GDP. Ở các nước phát triển như ở Mỹ, bao bì luôn nằm trong tốp 10 ngành đem lại GDP lớn nhất. Giấy bao bì 100% tái chế từ giấy phế liệu, đến 2025, nhu cầu này tại Việt Nam lên đến 10 triệu tấn. Về khía cạnh tổn thất kinh tế, đơn cử như nếu bỏ giấy hỗn hợp (là một loại của giấy phế liệu) ra khỏi danh mục thì thiệt hại cho doanh nghiệp ngay thời điểm hiện tại rơi vào khoảng 37 triệu USD/năm.

Ngành giấy lên tiếng: cần xây dựng lộ trình trước khi ban hành hoặc thay đổi chính sách - 3

Việc sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội như giảm khai thác tài nguyên, giảm đi việc chặt phá rừng

Chia sẻ về tình hình giấy phế liệu, ông Sơn cho biết: “Tỉ lệ sử dụng tái chế trong giấy bao bì là 98% và việc xuất khẩu đi Trung Quốc sẽ thấp hơn kì vọng, nhập khẩu bao bì sẽ giảm dần do ngành giấy Việt Nam có thể tự sản xuất. Tỉ lệ tiêu hao nguyên liệu trong tái chế giấy thông thường từ mức 25-30%. Tỉ lệ thu gom chúng tôi dự kiến năm 2019 là 38, 39%, đến năm 2025 là 45%. Đây là nỗ lực lớn và nếu chính phủ hỗ trợ kịp thời vào thời điểm này thì cũng phải sau năm 2025 thì chúng ta mới có thể đẩy được cao hơn nữa tỉ lệ thu gom.”

Ông Tuấn chia sẻ thêm, cơ quan nhà nước cần thận trọng trước các thay đổi chính sách liên quan đến ngành giấy, vì không chỉ ảnh hưởng doanh nghiệp, người lao động, mà còn liên đới đến tính ổn định, tin cậy của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương An ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN