ĐBSCL – Giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi

Với những thông tin thiết thực, gần gũi với hoạt động chăn nuôi chuỗi sự kiện: “Thúc đẩy tín dụng đầu tư cho các giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi” tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Dự án Lcasp đã được các trang trại nhiệt tình đón nhận. Trong đó, trên 30% các hộ, trang trại chăn nuôi tham gia sự kiện đã tiến hành các thủ tục vay vốn để đầu tư xử lý triệt để, toàn diện chất thải chăn nuôi.

ĐBSCL – Giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi - 1

Sự kiện truyền thông “Thúc đẩy tín dụng đầu tư cho các giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi” của Dự án Lcasp được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang

Trang trại chăn nuôi hào hứng với giải pháp xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi của Lcasp

Tại Sự kiện truyền thông “Thúc đẩy tín dụng đầu tư cho các giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi” Dự án Lcasp  đã giới thiệu đến các hộ, trang trại chăn nuôi mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện quy mô trang trại với những giải pháp mới có ưu điểm vượt trội về xử lý môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao:

ĐBSCL – Giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi - 2

Tính toán hiệu quả đầu tư ở một trang trại chăn nuôi lợn thịt điển hình ở Bắc Giang cho thấy: Chi phí đầu tư một hệ thống tách chất thải để thu hồi chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ là khoảng 400 triệu, hệ thống phát điện khí sinh học 377 triệu đồng và 65,8 triệu đồng cho hệ thống bể xử lý nước thải sau bioga và bơm tưới tiết kiệm cho cây trồng. Tuy nhiên, chi phí thu lại từ đầu tư đã được các chuyên gia tính toán cụ thể bao gồm lợi nhuận từ bán nguyên liệu phân hữu cơ tối thiểu là 118 triệu đồng/năm cho chủ trang trại có quy mô khoảng 2.000 lợn thịt; 180 triệu đồng/năm (tương đương 15 triệu đồng/tháng) từ tiết kiệm tiền điện lưới và 20 triệu đồng/năm tiết kiệm từ giảm sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng, chưa kể hàng trăm ngày công lao động. Điều kiện để áp dụng các công nghệ trên là: (i) Công nghệ máy tách phân phải áp dụng với trang trại tối thiểu 2.000 heo hoặc trang trại bò có lượng chất thải tương đương; (ii) Công nghệ máy phát điện phải áp dụng cho các trang trại có nhu cầu sử dụng điện tối thiểu 30 triệu đồng/ tháng; (iii) Công nghệ sử dụng nước thải sau bioga để tưới cho cây trồng phải áp dụng ở những trang trại có diện tích trồng trọt lân cận đủ lớn. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, nếu đầu tư theo mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của dự án LCASP thì tỷ suất lợi nhuận tối thiểu là 20% một năm. Tùy theo điều kiện cụ thể, chủ trang trại có thể áp dụng 1, 2 hoặc cả 3 công nghệ nói trên để có được hiệu quả xử lý môi trường bền vững.

Anh Trương Công Việt, xã Thành Nhật, huyện Tôi Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang: “Hôm nay tham gia sự kiện tôi đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực của cán bộ và chuyên gia của Lcasp về các giải pháp xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi. Tôi thấy xử lý chất thải theo giải pháp của Dự án vừa tiết kiệm được chi phí điện, gas vừa giảm ô nhiễm môi trường. Các giải pháp này mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân. Nếu làm được như mô hình LCASP để xử lý chất thải chăn nuôi với hệ thống máy tách ép, máy phát điện... thì tôi phải nhờ đến tín dụng.”

Nguồn vốn tín dụng đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi

Mặc dù các công nghệ do dự án giới thiệu có tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng vẫn không thể so sánh với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào chăn nuôi và các ngành sản xuất khác. Chính vì vậy, Dự án LCASP cũng đã bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường.

Đại diện Agribank Gò Công Tây cho biết:

“Agribank là một ngân hàng được chỉ định cho vay Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp. Đối với quy định của Agribank Việt Nam thì chúng tôi được cho vay đối với các mức vay như sau: các khoản vay quy mô nhỏ thì mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng, thời hạn 5 năm; các khoản vay quy mô vừa thì mức cho vay tối đa là 1,7 tỷ đồng, thời hạn 10 năm; các khoản vay quy mô lớn thì mức vay tối đa là 3,74 tỷ đồng, thời hạn 10 năm. Về thủ tục vay vốn đối với ngân hàng hiện nay thì nhìn chung là đơn giản”

Ô nhiễm môi trường được giải quyết, người chăn nuôi được sử dụng nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí phân bón, thu lãi từ tiền bán phân hữu cơ... đó là tất cả những lợi ích mà mô hình LCASP đem lại. Và cũng theo tính toán từ các chuyên gia của Dự án, các trang trại chăn nuôi mới thành lập nếu phải đi vay vốn lên đến 100% giá trị đầu tư vào mô hình LCASP và mức lãi suất ưu đãi là 6,8-7,0%/năm thì thời gian hoàn vốn đầu tư chỉ khoảng 02-03 năm.

Thông tin liên hệ để được hỗ trợ:

DỰ ÁN "HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP CÁC BON THẤP"

Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà Liên Cơ 02, Số 16 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 024.37920062 – 0913247782

Fax: 024.37920060 - Email: nguyenthe.hinh@gmail.com

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN