Daikiosan mang dòng nước lành đến trẻ em nghèo vùng biên giới

Quanh năm sống lênh đênh trên những bè nổi giữa lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ, những đứa trẻ nơi đây chẳng biết đến nước sạch là gì…

Những đứa trẻ “3 không” lênh đênh giữa lòng hồ thuỷ điện

“Xóm Việt kiều”, cái tên nghe hào nhoáng là thế nhưng là tên gọi của một làng chài nghèo ở khu vực hồ thuỷ điện Thác Mơ thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Người dân ở trong xóm hầu hết là người Việt từng sinh sống tại khu vực Biển Hồ (Campuchia), mưu sinh bằng nghề chài lưới, làm thuê làm mướn.... cuộc sống quá đỗi khó khăn khiến họ không đủ tiền mua nổi miếng đất cắm dùi.

Sự khắc nghiệt nơi đất khách đã thôi thúc họ trở về đất Việt để tìm kế mưu sinh. Các gia đình sống tạm bợ trên những chiếc bè giữa lòng hồ thuỷ điện, đa số người dân ở nơi đây đều không có quốc tịch, hộ tịch nên con cháu họ cũng chịu chung số phận.

Bọn trẻ sinh ra và lớn lên giữa mênh mông sóng nước, không nhà cửa, không hộ khẩu và cũng không có cả giấy tờ tuỳ thân. Thời gian trước, con nít ở xóm Việt kiều phần lớn không được đến trường mà phải mưu sinh phụ giúp bố mẹ. Cuộc đời của các em không có quá khứ và cũng không thấy tương lai.

Những năm gần đây địa phương đã có nhiều phương án để hỗ trợ người dân sống tạm ở vùng thuỷ điện, mà quan trọng nhất là vận động người dân đưa con đến trường. Cô Phương (giáo viên cụm trường tiểu học Nguyễn Huệ, huyện Bù Gia Mập) chia sẻ: “Chuyện làm giấy tờ cho các em nhỏ thật sự còn nhiều khó khăn, tuy nhiên các em rất cần được đến trường để học chữ, học làm người. Vì vậy nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các em được đến lớp như bao đứa trẻ khác”.

Daikiosan mang dòng nước lành đến trẻ em nghèo vùng biên giới - 1

Thầy cô giáo ở cụm trường tiểu học Nguyễn Huệ luôn trăn trở cho tương lai học trò của mình.

Sự học của các em nhỏ đôi khi cũng bấp bênh theo con nước. Vào mùa nước nổi, người dân bám trụ ở hồ để kiếm sống, còn những lúc khô hạn thì dọn đi nơi khác tìm công việc mưu sinh. Sau vài ba tháng họ lại kéo nhau về, cứ như vậy việc học tập của tụi nhỏ cũng đôi lần gián đoạn. Dẫu vậy các thầy cô ở nơi đây chưa bao giờ ngừng cố gắng, để đem lại một tương lai tốt lành cho lũ trẻ.

Một trong những quan tâm lớn nhất của thầy cô đó chính là sức khoẻ của học trò. Sống trên bè nổi giữa hồ, điều kiện khó khăn đã hình thành một thói quen khó bỏ của các em nhỏ ở đây: uống “nước sống”! Nước từ ao hồ, nước vòi không qua xử lý đều được các em hồn nhiên tu ừng ực mỗi ngày.

Daikiosan mang dòng nước lành đến trẻ em nghèo vùng biên giới - 2

Nước sạch cho học trò là niềm mơ ước của các trường tiểu học tại huyện Bù Gia Mập.

Nước sạch cũng là cả một vấn đề lớn tại khu vực này vì nguồn nước xung quanh nhiễm phèn nặng. Để uống nước đảm bảo hơn chút, các em phải đóng 5.000 mua nước mỗi ngày. Số tiền không nhiều nhặn gì với người khác nhưng với các em nhỏ nơi đây, đó là con số phải suy nghĩ. Những nỗi niềm cứ canh cánh trong lòng các thầy cô vùng biên giới, về một nguồn nước sạch cho học trò…

Chở dòng nước lành lên miền biên giới

Thông qua sự trợ giúp của sơ Cao Thị Thanh Thúy (công tác tại Bệnh viện Nhân Ái, Bình Phước), người thường xuyên hỗ trợ các trường tiểu học tại đây, dự án Ngày Nước Tái Sinh của Tập đoàn Đại Việt đã mang hệ thống lọc nước đến với nơi cần nước sạch nhất.

Chuyến xe tiếp dòng nước lành, khơi xanh cuộc sống của Daikiosan đã lắp máy lọc nước sạch tại cụm trường tiểu học Nguyễn Huệ, tiểu học Sơn Trung và tiểu học Bù Kroi trên địa bàn huyện. Cụm trường học này cũng là nơi đã cưu mang cho các em nhỏ làng chài, các em dân tộc Stieng có gia cảnh khó khăn trong vùng.

Daikiosan mang dòng nước lành đến trẻ em nghèo vùng biên giới - 3

Từ nay các em sẽ được uống nước sạch mỗi ngày.

Cô Phương mừng rỡ tâm sự: “Cả trường ai nấy đều phấn khởi khi nhận máy lọc nước. Từ nay các em học sinh không còn phải đóng tiền để mua nước sạch nữa rồi. Được xếp hàng uống nước sạch tại vòi nên tụi nó khoái lắm, xưa giờ bọn nhóc có biết nước lọc, nước tinh khiết là gì đâu! Những chiếc máy lọc nước này đã giúp thầy cô đỡ lo nhiều lắm…”

Cô Phương cho biết, việc sử dụng nước sạch từ những chiếc máy hiện đại còn khá xa lạ với các em, vì vậy thời gian đầu thầy cô sẽ dành thời gian để hướng dẫn cũng như tập thói quen cho các em uống nước sạch mỗi ngày. Từ từ, rồi thói quen uống nước từ ao hồ của tụi nhỏ sẽ không còn nữa, hy vọng là như thế…

Daikiosan mang dòng nước lành đến trẻ em nghèo vùng biên giới - 4

Có nước sạch là khởi đầu cho những điều tốt đẹp sắp đến!

Dòng nước ngọt lành không chỉ làm dịu cơn khát cho những ngôi trường vùng biên giới, mà còn tưới mát những hạt mầm yêu thương trong tâm hồn trẻ nhỏ. Để các em tin vào những điều tốt lành trong cuộc sống, tin vào một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón.

Ông Ngô Xuân Mạnh (TGĐ Đại Việt) chia sẻ, ông cũng là một đứa trẻ sinh ra ở nông thôn trong một gia đình nghèo, cuộc sống cơ cực cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cuộc đời may mắn cho ông vào nghiệp kinh doanh và có được ngày hôm nay nên ông nguyện làm tất cả những gì có thể để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho những đứa trẻ vùng sâu vùng xa. Không chỉ dừng lại ở trường học, dự án Ngày Nước Tái Sinh sẽ mang nước sạch đến bến xe, bệnh viện và những khu vực khó khăn trong năm 2019.

Daikiosan mang dòng nước lành đến trẻ em nghèo vùng biên giới - 5

Ngày Nước Tái Sinh với thông điệp: "Khi nguồn nước được tái tạo là lúc cuộc sống được tái sinh" là chương trình phi lợi nhuận được tài trợ bởi Tập đoàn Đại Việt, máy lọc nước Daikiosan nhằm mang lại nguồn nước sạch, an toàn cho sức khoẻ người dân Việt Nam, đặc biệt là những khu vực, địa phương còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN