Cấm kinh doanh rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Liệu Việt Nam có khả thi?

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế chuyển dịch từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Các cửa hàng truyền thống đang dần được thay bằng các website thương mại điện tử. Thế nhưng tại Việt Nam hoạt động kinh doanh rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet vẫn đang nằm trong số những hoạt động bị “nghiêm cấm” bởi Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Xu thế thương mại điện tử trong ngành đồ uống có cồn

Hiện nay phần lớn các quốc gia phát triển trên thế giới đều cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet. Từ những nước có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn rất cao như các nước trong khối liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung quốc cho đến những nước đạo hồi có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn rất thấp như Malaysia, Indonesia hay những nước có thị trường rượu, bia rất nhỏ như Campuchia hay Singapore đều đang cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet mà không biết nồng độ cồn trong sản phẩm.

Một trong những lý do chính mà chính phủ các nước này cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet là do những lợi ích thiết thực mà thương mại điện tử có thể mang lại trong việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có cồn. Cụ thể là, thương mại điện tử giúp ngăn chặn những đối tượng chưa đủ tuổi sử dụng đồ uống có cồn, vì việc mua hàng trên Internet đòi hỏi người mua phải thanh toán bằng thẻ tín dụng mà những đối tượng chưa đủ tuổi không thể đáp ứng được. Ngoài ra, thương mại điện tử còn giúp cho việc nâng cao tính minh bạch và thu thuế, khi các giao dịch đều được thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản. Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là việc cho phép các nhà sản xuất và kinh doanh rượu hợp pháp được bán hàng của họ trên Internet sẽ giúp đẩy lùi và ngăn chặn các loại rượu nhập lậu, rượu giả, rượu bất hợp pháp đang bán tràn lan trên Internet.

Cho phép nhưng có kiểm soát

Singapore là một trong những nước ở châu Á cho phép bán rượu trên Internet. Tuy nhiên, cả người bán và người mua đều phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về giấy phép, nội dung, độ tuổi người mua và người nhận hàng,… Ví dụ, theo Luật Kiểm soát (Cung cấp và Tiêu thụ) Rượu của Singapore được ban hành năm 2015, chỉ những người trong độ tuổi uống rượu hợp pháp (tức 18 tuổi trở lên) mới được phép truy cập vào các trang web để mua đồ uống có cồn. Các website đều phải có các công cụ để xác minh độ tuổi người mua. Người giao hàng cũng sẽ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của người nhận hàng.

Tại Nhật Bản, tất cả các loại đồ uống có cồn đều được bán trên Internet, miễn là bên bán đáp ứng được các điều kiện về thuế và giấy phép theo qui định pháp luật về kinh doanh rượu và về tiếp thị có trách nhiệm theo Bộ Quy tắc Tự quản của các nhà sản xuất đồ uống có cồn và các hiệp hội thương mại như hiệp hội bán lẻ.

Tại Trung Quốc, thương mại điện tử đang nhanh chóng nổi lên như một kênh phân phối thay thế cho các cửa hàng truyền thống. Người tiêu dùng thích mua trên Internet hơn vì họ có thể yên tâm mua từ chính website của nhà sản xuất hay các đại lý chính thức. Các nền tảng trực tuyến cũng cung cấp nhiều thông tin về sản phẩm hơn cho người tiêu dùng trước khi mua. Ví dụ, khi mua rượu vang, người tiêu dùng có thể truy cập được các thông tin về các giống nho, độ chín, lịch sử phát triển của nhà sản xuất cũng như quy trình sản xuất để đưa ra quyết định.

Cấm kinh doanh rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Liệu Việt Nam có khả thi? - 1

Anh và Pháp là hai quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn cao tại châu Âu. Cả hai nước này đều cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet. Ở Pháp, tỉ lệ doanh số bán đồ uống có cồn trực tuyến chiếm khoảng 9% doanh số bán đồ uống có cồn không tiêu thụ tại chỗ. Còn tại Anh, đồ uống có cồn được mua trên một số siêu thị trực tuyến và website của nhà bán lẻ rượu vang chuyên nghiệp được cấp phép như Majestic và The Wine Society. Các trang thương mại điện tử của Anh đều có quy định giới hạn độ tuổi của người mua và yêu cầu phải có chữ ký của người mua hàng khi hàng được giao đến. Cụ thể, Amazon tại Anh Quốc đã áp dụng một chương trình có tên gọi là 'Thử thách 25 giây” cho hoạt động phân phối rượu, theo đó người đưa hàng phải dành ít nhất 25 giây để kiểm tra thẻ căn cước hay giấy tờ có hình ảnh của người nhận hàng để chứng minh rằng họ trên 18 tuổi. 

Bên cạnh những biện pháp kiểm tra độ tuổi của người mua hàng, các trang thương mại điện tử có bán rượu, bia cũng phải cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, nồng độ cồn, chủng loại, nhà nhập khẩu hoặc phân phối được cấp phép, và những thông tin chỉ dẫn hướng dẫn sử dụng rượu một cách có trách nhiệm nhằm giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp cho Chính phủ theo dõi và thu thuế tốt hơn vì dữ liệu các giao dịch thường được lưu lại và thanh toán thường được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế chuyển dịch từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả ngành công nghiệp đồ uống có cồn. Các cửa hàng truyền thống đang dần được thay bằng các website thương mại điện tử. Thế nhưng tại Việt Nam hoạt động kinh doanh rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet vẫn đang nằm trong số những hoạt động bị “nghiêm cấm” bởi Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia ngày 16/1/2018 tại hội trường Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn về tính thiếu khả thi của quy định cấm bán rượu, bia trên Internet. Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, đoàn đại biểu Cần Thơ cho rằng quy định không được bán rượu, bia trên mạng internet là không hợp lý, khó khả thi trong thời đại 4.0 thương mại điện tử phát triển mạnh. Theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền, từ một khía cạnh nào đó, việc bán rượu bia trên mạng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm bắt được chất lượng thật của rượu bia, cũng như địa chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra. Tiếp theo đó, đại biểu Hà Thị Lan từ đoàn đại biểu Bắc Giang bày tỏ: “…tôi cũng không đồng tình với quy định này và đề nghị nên cân nhắc bởi vì quy định này không phù hợp với trào lưu phát triển của thương mại điện tử. Hơn nữa, tính khả thi của quy định này là không cao. Đề nghị thay vì cấm thì nên bổ sung quy định về các điều kiện chặt chẽ, kèm theo việc bán rượu, bia trên internet như thế nào để phù hợp hơn

Trên thực tế, quy định cấm bán rượu từ 15 độ cồn trở lên đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ- CP về sản xuất và kinh doanh rượu, tuy nhiên người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua rượu trên Internet khi hành vi bán mặt hàng này vẫn còn nhan nhản trên các trang web, các trang mạng xã hội trong thời gian qua. Tất cả những trang web, mạng xã hội này đều không phải đại diện hợp pháp của các công ty kinh doanh rượu bia, và đang vượt ra ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Đồng thời, cũng do hoạt động kinh doanh này là không hợp pháp, không ít người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm rượu giả, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu hoặc có chất lượng kém có thể gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.  Vì vậy, quy định cấm bán rượu, bia trên Internet thực chất chỉ cấm được những đối tượng kinh doanh hợp pháp, trong khi lại tạo điều kiện cho những đối tượng kinh doanh bất hợp pháp phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN