Thúy Diễm nặng nợ với bi sắt

Sự kiện: Thúy Diễm

Câu chuyện cô bé bán phá lấu năm nào đem về vô số huy chương quốc tế chẳng còn xa lạ với người hâm mộ nhưng không phải ai cũng rõ cuộc đời truân chuyên của Phan Thị Thúy Diễm, cũng nghèo và buồn như môn thể thao mà cô đã chọn.

Từ việc 28 tuyển thủ bi sắt tham dự SEA Games 27-2013 chỉ kiếm nổi 2 HCB cùng 8 HCĐ, đã có dư luận đặt dấu hỏi vì sao quân đông mà thành tích không cao và cần thay đổi cách đầu tư. Có vẻ nhiều người đã vội quên những HCV châu lục, HCĐ thế giới mà bi sắt mang về cho thể thao nước nhà một thời được tung hô, khen ngợi hết lời.

Mặt khác, khi những bi thủ tài năng giờ đang chịu cảnh hẩm hiu, thiếu vắng sự quan tâm trong tập luyện, thi đấu, thành tích có sa sút hẳn chẳng có gì bất ngờ.

Nhà nghèo, bà Phan Thị Ánh một tay nuôi 4 con nhỏ và 2 trong số đó phải phụ bà bán phá lấu ở cổng Nhà Văn hóa Lao động TP HCM (nay là Cung Văn hóa Lao động TP HCM). Cậu em Phan Thế An thông minh, sáng dạ, được thầy Ba Cơm truyền nghề đánh bi sắt. Thấy cô chị Thúy Diễm có vẻ thích thú trò chơi này, Thế An nhỏ nhẹ thế nào mà thầy Ba đã nhận lời dạy dỗ cho Thúy Diễm khi đó mới 12 tuổi, học chưa hết lớp 3.

Thúy Diễm nặng nợ với bi sắt - 1

Thúy Diễm trên bục nhận HCB châu Á năm 2009 Ảnh: ĐÔNG LINH

Chỉ 8 tháng, cô đã được đứng cặp với thầy đánh đâu thắng đó trước các đôi ở khu vực Cung Văn hóa Lao động. HLV Bùi Công Phú nhìn ra năng khiếu của cô bé nên mời tham gia đội tuyển thành phố lúc bấy giờ. Thêm vài tháng tập luyện bài bản, Thúy Diễm đánh bại nhà vô địch thế giới người Thái Lan Thammakok để đem về HCV châu Á - Thái Bình dương 2002 khi mới 13 tuổi.

Đang trên đà tỏa sáng, nhất là sau ngôi vô địch châu Á 2006, do sức khỏe sa sút, Thúy Diễm xin rời đội tuyển TP HCM. Kể lại chuyện này, Thúy Diễm rơm rớm nước mắt: “Ngày đó Diễm mắc bệnh thật, chỉ xin nghỉ dài hạn để chữa trị và tìm lại cảm xúc với môn bi sắt mà mình đã gắn bó.

Chị Hai Ánh Hồng và em trai Thế An lúc đó còn tập luyện với đội nên dư luận bảo Diễm “bệnh sao” gì đó hoặc tìm cách đầu quân cho đơn vị khác là không đúng. Gia đình, người thân ở đây, tình cảm sâu nặng với thể thao thành phố, dễ gì Diễm bỏ đi!”.

Hẳn Thúy Diễm muốn nhắc lại chuyện một tờ báo đã bỏ công xác minh lý lịch, giúp cô làm lại khai sinh thất lạc từ bé để có hộ chiếu đi thi đấu quốc tế, một doanh nghiệp điện tử hỗ trợ một năm chi phí để cô tiếp tục đi học và sửa lại ngôi nhà ọp ẹp ở quận 2 chăng?

Nghỉ 3 năm, cô quay lại đội tuyển thành phố và tuyển quốc gia, giành HCV SEA Games, HCB Asian Indoor Games, HCB châu Á cùng HCĐ thế giới trong cùng năm 2009 rồi bỏ tiền túi đi Thái Lan để dự giải vô địch châu Á 2011, giành HCB.

Lập gia đình năm 2007 và mãi đến năm 2012 mới dám sinh con đầu lòng; nghỉ hộ sản chỉ 3 tháng rồi làm đơn xin trở lại đội tuyển TP HCM, cô cảm nhận sự lạnh nhạt của bộ môn và ban huấn luyện từ đó.

Giành 4 HCĐ quốc gia 2 năm 2013 và 2014, lấy 2 HCV Đại hội TDTT thành phố 2014 nhưng bất bình trước cách quản lý hời hợt, nặng tính trù dập và yếu chuyên môn của bộ môn bi sắt, cô cùng em trai và 2 đồng đội nộp đơn xin ra tuyển và được duyệt ngay tức thì, bất chấp chỉ còn vài chục ngày trước Đại hội TDTT toàn quốc 2014.

Tự đáy lòng, Thúy Diễm chỉ mong được tiếp tục đóng góp cho bi sắt thành phố và quốc gia, cái nghiệp mà cô đã trót theo đuổi 12 năm nay. Dù vậy, ước mơ ngày càng xa vời với “cô gái vàng” ngày nào… 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Tùng (nld.com.vn)
Thúy Diễm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN