Thiên tài như Federer cũng phải đợi tuổi

Ana Konjuh, cô bé năm nay chỉ mới 15 tuổi, vừa chinh phục tennis Mỹ bằng chức vô địch giải U18 Orange Bowl, được trông đợi sẽ trở thành một ngôi sao tương lai của quần vợt nữ thế giới.

Trên đường đến với danh hiệu vô địch, Ana Konjuh, người Croatia, đã đánh bại cả số một và số hai của tennis trẻ thế giới và là những người hơn mình vài tuổi, là Andy Towsend (số một, người Mỹ) và Katerina Siniakova (số hai, người Cộng hòa Czech).

Đó là chức vô địch thứ hai liên tiếp của Ana Konjuh, sau khi cô bé đăng quang ở giải Eddie Herr cũng ở nội dung vốn thường chỉ có những tài năng "già nhất" trong lứa tuổi trẻ U18.

Điều đặc biệt, cả Eddie Herr và nhất là Orange Bowl được coi như những giải đấu lớn của tennis trẻ, giá trị như bốn giải Grand Slam cho nội dung trẻ. Trang sử truyền thống của Orange Bowl (Miami, Mỹ) thống kê được nhiều tay vợt từng vô địch sau đó đều là những ngôi sao xuất chúng ở thế hệ của họ, từ Arthur Ashe, Guillermo Vilas (những năm 70) tới Bjorn Borg, Jimmy Connors, Jim Courier, Mats Wilander, Ivan Lendl (những năm 80), từ Boris Becker, Stefan Edberg, Andre Agassi (90) tới Roger Federer, Andy Roddick, Juan Martin Del Potro (những năm 2000). Với tennis nữ, hai trong số năm tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất mọi thời đại là Chris Evert và Steffi Graf cũng đi lên từ đây, rồi những ngôi sao của thế kỷ 21 là Monica Seles và Justine Henin cũng từng bê chiếc cúp là một bát những quả cam vàng (orange bowl).

Cũng phải mất năm năm tennis thế giới mới có một tay vợt nữ vô địch lứa tuổi U18 của Orange Bowl khi chưa đầy 15 tuổi.

Liệu đó có phải là sự báo hiệu cho sự xuất hiện của một thiên tài, một người có thể thống trị tennis nữ thế giới ngay từ trước ngưỡng tuổi đôi mươi? Bởi cũng lại có một thống kê khác, là những nhà vô địch như Chris Evert, Graf hay Seles sau đó đều vô địch Grand Slam và lọt vào top những tay vợt hàng đầu trước khi họ tròn 20 tuổi. Tổng số Grand Slam của những người này (cùng với Tracy Austin, chị em nhà Williams và Martina Hingis) ở độ tuổi ấy lên tới 25 danh hiệu.

Thiên tài như Federer cũng phải đợi tuổi - 1

Ana Konjuh, chưa đầy 15 tuổi, đã có thể hình và sức mạnh của một quý cô

Vua hay nữ hoàng trẻ đều hiếm

Câu trả lời ở đây là rất khó. Sự kiện gần đây nhất với một tay vợt nữ lên ngôi Grand Slam ở tuổi dưới 20 cách nay đã sáu năm. Maria Sharapova vô địch US Open 2006 khi 19 tuổi và trước đó là danh hiệu Wimbledon 2004 ở tuổi 17. Với thế giới tennis của nam, người cuối cùng làm được điều tương tự là Rafael Nadal. Chàng trai trẻ xứ bò tót chinh phục thành công Roland Garros năm 2005 ngay sau khi anh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 19.

Với một cô gái chưa đầy 20 đứng ở vị trí số một thế giới lại càng khó. Kể từ thời của Martina Hingis năm 1999 (19 tuổi) tới nay chưa có ai.

Trong số những tay vợt nam còn thi đấu ngày hôm nay, cũng không có ai đứng ở vị trí số một khi họ dưới 20 tuổi. Thiên tài như Federer cũng phải chờ tới năm anh 22 tuổi. Và tương tự như thế là Nadal, người ở tuổi 22 đã truất ngôi số một của Federer năm 2008 sau hàng loạt những danh hiệu ấn tượng.

Nó trái ngược với một sự trỗi dậy muộn màng của những tay vợt lớn tuổi trong những năm gần đây. Francesca Schiavone, Samantha Stosur, Li Na... đều vô địch Grand Slam lần đầu tiên khi đã ngấp nghé ba mươi tuổi. Ngay cả ở nam, Federer vô địch ở tuổi 31 trong khi hàng loạt tay vợt trẻ khác không thể tạo nên bất ngờ.

Chín sớm chưa chắc tốt

Joe Fernandez, người cách đây hơn 30 năm vô địch Orange Bowl U18 nữ khi mới chỉ 14 tuổi và đứng vị trí thứ tư thế giới khi mới 19 lý giải rằng "tennis hiện đại ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về thể lực. Với riêng tennis nữ, thì kinh nghiệm đóng một vai trò đặc biệt quan trọng".

Mặt khác, Liên đoàn quần vợt nữ thế giới (WTA) đã can thiệp vào dòng chảy của tennis trẻ. WTA quy định một tay vợt nữ 17 tuổi chỉ có thể thi đấu 13 giải cùng với bốn Grand Slam trong năm, 16 tuổi giảm xuống còn 10 giải cộng với Grand Slam, 15 tuổi thì chỉ một số lượng rất hạn chế, và 14 tuổi thì không được "bén mảng" tới các giải của WTA Tour.

Khi các tay vợt trẻ bị hạn chế cơ hội thi đấu đỉnh cao, họ dĩ nhiên không thể chín sớm và cũng khó lòng vươn tới đỉnh cao về danh hiệu cũng như bảng xếp hạng.

Nhưng WTA cũng có lý. Các tay vợt (nhất là nữ) chín sớm thường rụng sớm. Một tâm lý phổ biến chung của các gia đình những tài năng trẻ, là cho họ đốt cháy giai đoạn, bước vào sân chơi chuyên nghiệp càng sớm và nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, để rồi sau đó phải hứng chịu những hậu quả như chấn thương và giã từ sự nghiệp khi chưa tới "băm".

Hingis gác vợt năm cô mới 27 tuổi có thể không vì chấn thương, nhưng cô dương tính với thử cocaine. Jenifer Capriati, người từng vào tới bán kết Grand Slam khi mới hơn 14 tuổi, phải rời xa cuộc chơi vài năm và sau khi trở lại vẫn kịp giành ba Grand Slam, nhưng sau đó cũng bị chấn thương hành hạ. Sanchez Vicario, một tài năng trẻ chín sớm khác gác vợt khi mới 29 tuổi. Henin, một tài năng bẩm sinh, cũng chín sớm rồi chia tay sân đấu lần đầu năm 27 tuổi.

Trở lại với câu chuyện của Ana Konjuh, cô gái mới 15 tuổi nhưng có ngoại hình, sức mạnh và lối đánh như những tay vợt trưởng thành. Konjuh chính là một trong những sản phẩm điển hình của nền tennis Croatia, nơi cho ra lò những tay vợt trẻ nhưng "giờ bay" rất nhiều và có lối đánh thiên về sức mạnh.

Nhưng hy vọng là cô gái này sẽ là một câu chuyện khác, không giống với những tay vợt nam Croatia, như Mario Ancic, một người đã phải chia tay với sự nghiệp vì chấn thương, hay Marin Cilic, một hiện tượng của tennis thế giới cách nay năm năm, nhưng giờ chỉ còn là nỗi thất vọng.

Không chỉ Croatia, tennis thế giới đang mỏi mắt chờ những thiên tài.

Việt Nam cũng từng có nhà vô địch Orange Bowl

Hoàng Thiên từng vô địch Orange Bowl năm 2009 ở nội dung U14. Đó là một thành tích không tưởng của tài năng trẻ của quần vợt Việt Nam. Năm ngoái, Hoàng Thiên vào tới tứ kết của nội dung U16 cũng ở giải đấu này. Đó không phải là thành tích quá tệ, nếu không muốn nói là tốt. Nhưng năm nay, Thiên thất bại ngay từ vòng một ở nội dung U18, một kết quả khá tệ, nhưng không phải bất ngờ nếu nhìn vào phong độ cả năm. Tới tháng 3/2013, Hoàng Thiên sẽ tròn 18 tuổi, và anh sẽ bắt đầu bước vào sự nghiệp chuyên nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn (Thể thao văn hóa)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN