Thể thao VN: Đấu ít, “đá” nhiều

Ngành thể thao đang tất bật hoàn thành “Đề án đào tạo VĐV thể thao thành tích cao cho Á vận hội 2019”, với tham vọng đưa thể thao Việt Nam - với vị thế chủ nhà năm 2019 - vào tốp 10 nền thể thao châu lục.

Nhưng vấn đề lúc này không chỉ nằm ở chuyện đưa ra một chiến lược phát triển đúng đắn để 6 năm nữa chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc thể thao châu Á, mà lại nằm ở chuyện nội bộ quá nhiều môn có vấn đề!

Bóng bàn và điền kinh là 2 môn gây ra nhiều tai tiếng cho ngành thể thao thời gian qua, đều là 2 môn có những bước lùi về mặt thành tích. Một phần nguyên nhân từ mâu thuẫn nội bộ giữa những cá nhân lẽ ra phải là những người tiên phong giúp điền kinh, bóng bàn phát triển.

Ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, khẳng định sẽ “rà soát lại tất cả các môn có vấn đề để sắp xếp lại nhân sự từ VĐV, HLV đến trưởng bộ môn”. Một ông tổng thư ký liên đoàn năng lực yếu, kém ngoại ngữ nhưng luôn giành suất dẫn đoàn đi nước ngoài cũng như đăng ký thi đấu các giải lớn rồi lại bỏ, gây lãng phí bao tiền của của ngành nhưng vẫn yên vị. Một ông trưởng bộ môn giỏi chuyên môn nhưng luôn gây khó dễ cho liên đoàn và làm ngược lại chỉ đạo của cấp trên nhưng chỉ vì giỏi chuyên môn nên không ai đụng vào. Thực tế nhân sự ngành thể thao vẫn tồn tại những nghịch lý như vậy.

Thể thao VN: Đấu ít, “đá” nhiều - 1

Bao giờ thể thao Việt Nam mới thực sự "cất cánh"?

Ông Dương Đức Thủy, Trưởng Bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục TDTT, từng phản đối quyết liệt chuyến tập huấn ở Đức của Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng giai đoạn giữa năm 2011. Ông cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến chấn thương của Hương, làm VĐV này mất 2 HCV SEA Games cũng như không có cơ hội đạt chuẩn B Olympic. Chính vì cho rằng liên đoàn có nhiều kế hoạch sai lầm nên ông Thủy đã không thực hiện nhiều kế hoạch của liên đoàn. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng mâu thuẫn của điền kinh là mâu thuẫn giữa cá nhân ông Thủy với tổng thư ký liên đoàn, ông Hoàng Mạnh Cường, “sếp” của ông Thủy. Ông Cường hiện còn giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao.

Những môn thành tích đi xuống đã đành, ngay cả những môn đang trên đà thăng tiến như bơi lội cũng có chuyện mâu thuẫn. Trường hợp Hoàng Quý Phước được đưa đi tập huấn ở Mỹ dẫn đến địa phương Đà Nẵng và Hiệp hội Thể thao dưới nước bất đồng trong việc cử người đi theo huấn luyện Phước là ví dụ tiêu biểu. Mọi chuyện tưởng chừng giải quyết êm xuôi khi hiệp hội để HLV của Phước sang Mỹ nhưng thành tích của Phước khi tập huấn lại đi xuống khiến VĐV này không đạt điều kiện dự Olympic London 2012.

Tổng cục TDTT đau đầu do nhiều môn ít được đi thi đấu vì thiếu kinh phí nhưng hiện tượng “gà nhà đá nhau” lại nổi lên, kìm hãm sự phát triển. Từ đó, VĐV chính là những người chịu thiệt thòi nhất.

Chừng nào ngành thể thao còn nặng gánh với ông “liên đoàn” và ông “bộ môn” như bây giờ thì đợi đến ngày các môn thể thao cất cánh nhờ xã hội hóa chắc còn rất lâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN