Nadal và vũ khí đã mất
Nadal đã đánh mất những gì sau bảy tháng rời xa sân đấu nếu nhìn từ Chile và Brazil - nơi anh đánh dấu sự trở lại.
Thiếu sức mạnh
Điều đầu tiên và mang tính tất yếu đó là thể lực. Ở cuộc chơi chỉ gồm các trận đấu kéo dài ba set, chưa phải là thử thách khắc nghiệt nhất, Nadal cho thấy anh thiếu hẳn sức mạnh.
Nó là sự cản trở rất lớn tới việc anh tăng tốc trong các bước di chuyển khi anh rơi vào những đường bóng đôi công từ phía hai đầu sân. Nói cách khác, Nadal chậm hơn trước rất nhiều.
Những cú thuận tay sở trường của Nadal đã không còn mạnh mẽ như trước
Lối đánh của Nadal trước kia được xây dựng dựa trên cú thuận tay. Anh là một trong những người thực hiện cú né trái (tay) đánh phải (tay) thường xuyên nhất, nếu không muốn nói là nhiều nhất. Nadal khi trở lại vẫn có xu hướng đó (để giành sự chủ động), nhưng do chậm hơn, di chuyển thiếu từ nửa tới một bước chân, anh hiếm khi tung ra được các cú né trái đánh phải chéo sân mẫu mực mà điểm rơi về lý thuyết phải nằm hoặc ở góc vuông trong ô giao bóng, hoặc góc vuông cuối sân. Và dĩ nhiên, các cú đánh kiểu này đi dọc dây lại càng hiếm.
Một trong những điểm quyết định Nadal đã thực hiện không thành công, dẫn tới việc anh thất bại trong trận chung kết trước Horacio Zeballos chính là cú né trái đánh thuận tay chéo sân lại đi ra ngoài (do di chuyển thiếu chân) khi đối thủ của anh cầm giao bóng ở game thứ chín set ba.
Bởi thế, các cú đánh của anh dễ bị phán đoán, đồng thời phơi bày một trong những điểm yếu của cách chơi né trái đánh phải là để lộ ra khoảng sân rộng ở bên phía thuận tay cho đối thủ khai thác.
Nadal vì thế luôn gặp khó khăn khi thiết lập thế tấn công ngay cả khi đang cầm giao bóng, và hiếm khi thành công trong việc chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công.
Cũng do thiếu sức mạnh, các cú đánh của Nadal trở nên ngắn hơn cũng như thiếu độ xoáy cần thiết dù cho anh được quảng cáo là đang sử dụng cây vợt mới có thể tăng thêm 25% topspin so với cây vợt năm 2012.
Bên cạnh trận thua Zeballos, trận đấu Carlos Berlocq và Martin Alund tại tứ kết và bán kết Brazil Open cũng là cuộc đối đầu của Nadal với những tay vợt chơi trái một tay. Nhưng anh hầu như không khai thác được hạn chế của họ để phải kéo dài sang set thứ ba.
Zeballos, Berlocq và Alund thậm chí còn có thể tấn công trở lại và liên tục ghi điểm trực tiếp bằng cú trái rất thoải mái, dù cho cả ba đều chưa từng được thừa nhận như những người chơi trái một tay hàng đầu.
Và nên nhớ, nó được thực hiện trên mặt sân đất nện bóng nảy cao hơn mọi mặt sân khác, cho thấy các cú topspin của Nadal ở thời điểm này là gần như vô hại, bất chấp anh vẫn thực hiện các cú thuận tay với cách kết thúc động tác kinh điển là vòng qua đầu.
Cũng vì thiếu sức mạnh thể hiện trên khía cạnh tốc độ, Nadal ở hai giải đấu trở lại đã bị đối thủ hành hạ bằng các cú bỏ nhỏ, đặc biệt là ở trận đấu với Zeballos ở chung kết Chile Open.
Phản xạ chậm
Nếu như trong trận chung kết Brazil Open, việc Nadal đứng nhìn các cú đánh đổi hướng của Nalbadian có thể được lý giải là do anh chủ động bỏ bóng, thì nhiều tình huống trong cả chặng đường trước đó đã cho thấy phản xạ của anh bị mai một ít nhiều.
Đôi chân vẫn chưa nghe theo cái đầu
Trong game cuối cùng của trận đấu chung kết ở Chile, dù đối phương đã đứng sau vạch cuối sân tới khoảng bốn mét để trả giao bóng, Nadal vẫn không thể xử lý hoàn hảo một cú đánh chưa tới mức cận chân.
Đó không phải là vấn đề của sức bền mà là cảm giác bóng, thói quen phản xạ bị tác động ghê gớm bởi giai đoạn nghỉ kéo dài hơn bảy tháng và giáo án tập luyện chủ yếu trong thời gian gần đây là hồi phục.
Phản xạ trong tennis, theo Paul Roetert và Todd Ellenbecker, đồng tác giả của cuốn "Thể lực Hoàn hảo trong Tennis", chỉ có thể đạt tới trạng thái tốt nhất khi bạn phải ở trong thể trạng sung sức nhất và có được nhịp thi đấu liên tục, đồng thời phần nào đó bị chi phối bởi tâm lý.
Mà nói về tâm lý, đó là một trong những vấn đề của Nadal lúc này. Vừa thi đấu vừa nghĩ tới cái đầu gối đã chi phối tới bước di chuyển của Nadal, và kết cục cuối cùng là chất lượng các cú đánh bị ảnh hưởng. Như chính anh thú nhận, cái đầu gối của Nadal cho tới lúc này vẫn đau.
Những tín hiệu tích cực
Nếu như gần ba năm trước, sau hai tháng rưỡi chữa trị chấn thương, Nadal đã mất tới mười hai giải đấu khi trở lại mới vô địch, thì lần này, anh chỉ cần đến giải đấu thứ hai để lại được "cắn cúp".
Nó là kết quả của sự lựa chọn có tính toán: Thứ nhất là việc chọn giải đấu (cả hai giải đều là ATP 250 điểm); thứ hai là chọn đối thủ (không có ai nằm trong top 10 thế giới tham dự); và thứ ba là chọn mặt sân (đều là sân đất nện sở trường).
Nhưng bất chấp sự tính toán nói trên, việc Nadal trở lại mà không bị tái phát chấn thương đã là một thành công. Và chức vô địch vẫn luôn là chức vô địch, nhất là khi kết quả cho thấy anh cải thiện được khả năng thi đấu qua từng giải.
Dẫu sao vô địch cũng là tín hiệu tích cực
Trận chung kết với Nalbadian ở Brazil Open ít nhất cũng đã tái lập được một thói quen, thắng gọn trong hai set trước các đối thủ kém về đẳng cấp.
Cần đặt chấn thương của Nadal trong bối cảnh của các tay vợt khác để thấy những thử thách là rất lớn và thành tựu của Nadal là phi thường. Davydenko sau chấn thương do quá tải từ mùa 2009 đã không thể tìm lại được phong độ đỉnh cao. Del Potro trẻ trung hơn cũng mất khoảng một năm để leo trở lại top 10 thế giới sau tám tháng rời xa sân đấu.
Câu hỏi lúc này là khi nào Nadal lấy lại được phong độ thực sự của mình đã dễ hình dung hơn rất nhiều so với cách nay hơn nửa tháng.
Trong một tháng nữa, anh sẽ vẫn dễ bị bắt nạt nếu bước ra sân cứng ở đẳng cấp Masters 1000, và câu chuyện của cuối năm 2009, đầu năm 2010 là thua 11 trong số 13 trận đấu với các tay vợt top 10 sẽ được lặp lại.
Khi mùa đất nện thực sự bắt đầu từ giữa tháng Tư (Monte Carlo khai mạc ngày 14/4) có lẽ cũng chỉ là một giải đấu nằm trong tiến trình hồi phục của anh.
Và như vậy, Roland Garros 2013 có thể vẫn là quá sớm để nói tới chuyện Nadal chinh phục tiếp giấc mơ Grand Slam.
Thông thường, các tay vợt chỉ cần khoảng hai tuần để chuẩn bị thể lực cho một giải Grand Sam kéo dài trong hai tuần. Nhưng đó là điều chỉ xảy ra với những ai đã tích lũy thể lực trong cả chặng đường dài liên tục trước đó (ngắn nhất cũng phải bắt đầu từ giai đoạn giữa hai mùa giải). Nadal cần nhiều hơn thế trong bối cảnh Djokovic vẫn sừng sững như một tượng đài, Murray trở nên hoàn thiện hơn và Federer vẫn chưa từ bỏ thói quen phải vào tới ít nhất là tứ kết các giải Grand Slam.
Khi Nadal không thể bảo vệ được điểm số ở các giải đất nện tiền Roland Garros, anh sẽ không thể trở lại top 4, thậm chí có thể bị bật ra khỏi top 8 (số 8 Tsonga hiện kém anh 2240 điểm). Những thách thức từ việc bốc thăm, phân nhánh tới đây đương nhiên cũng sẽ lớn hơn.
Tới đây, chúng ta hãy kết thúc bằng câu chuyện của những con số: Chưa bao giờ Nadal vô địch Grand Slam khi anh đứng ngoài top 4. Lần đầu tiên anh nếm mùi vinh quang ở Roland Garros 2005 là khi anh cũng đã xếp hạt giống số 4 rồi.
Hơn tám năm qua, chỉ có duy nhất Del Potro là người vô địch Grand Slam khi không có mặt trong top 4 thế giới (số 6 lúc đó).
Các fan của Nadal sẽ phải kiên nhẫn, như chính tích cách (và là phẩm chất) của thần tượng của họ vậy!