Vì sao ông Tập Cận Bình đồng ý gặp ông Kim Jong-un?

Chuyên gia nhận định cả ông Tập và ông Kim đều có những lý do riêng khi đồng ý gặp nhau ở Bắc Kinh.

Vì sao ông Tập Cận Bình đồng ý gặp ông Kim Jong-un? - 1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) vừa đăng tải bài viết về những lý do thực sự đằng sau cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo đó, tác giả bài viết tin rằng chắc chắn Trung Quốc cần Triều Tiên và Triều Tiên cần Trung Quốc.

“Họ có thể không ưa nhau một cách bản năng nhưng không thể rời nhau trong các xung đột trong khu vực”, theo SCMP.

Mọi thứ đã diễn ra theo cách này kể từ khi quân đội Trung Quốc đổ vào Triều Tiên vài tháng sau khi Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc vào tháng 6.1950, nhằm ngăn chặn người Mỹ ở sông Áp Lục – con sông chảy giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Giờ đây, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, ông Tập Cận Bình đã đón tiếp Kim Jong-un trong chuyến thăm lịch sử, bất chấp những lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Dưới đây là những lý do tại sao hai lãnh đạo quyết định gặp nhau vào thời điểm này, theo phân tích của SCMP.

Vì sao ông Tập Cận Bình đồng ý gặp ông Kim Jong-un? - 2

Ông Kim, ông Tập và hai phu nhân

Thứ nhất, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại khi đưa ra mức thuế mới, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Chưa kể, Mỹ cũng tiến hành loạt cuộc tập trận quân sự gần Trung Quốc.

Không biết đây có phải là điều trùng hợp hay không nhưng ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh ngay sau khi ông Trump công bố chính sách thuế mới.

Thứ hai, ông Tập dường như đang rất quan tâm đến việc tăng cường phòng vệ ở các khu vực biên giới nhạy cảm. Việc quân đội Mỹ kết hợp với Hàn Quốc trong các cuộc tập trận hằng năm là điều đầu tiên khiến Trung Quốc “khó chịu”. Hơn nữa, Trung Quốc cũng luôn phải xem xét động thái của Nhật Bản dưới quyền Thủ tướng Shinzo Abe, người ủng hộ sửa đổi hiến pháp "hòa bình". (Hiến pháp này cấm quân đội Nhật Bản tham gia các cuộc chiến tranh nước ngoài).

Thứ ba, sự lo ngại của Trung Quốc được thể hiện rõ nhất ở vùng Biển Đông – nơi nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.

Như vậy, bằng cách mời ông Kim đến Bắc Kinh, ông Tập rõ ràng muốn đảm bảo mình và lãnh đạo Triều Tiên có cùng “tư tưởng”. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, SCMP nhận định ông Kim chắc hẳn đã tiết lộ về những gì ông định nói khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng tới, và có thể là ông Trump vào tháng sau.

Vì sao ông Tập Cận Bình đồng ý gặp ông Kim Jong-un? - 3

Chuyên gia nhận định cả ông Tập và ông Kim đều có những lý do riêng khi đồng ý gặp nhau ở Bắc Kinh.

Một chi tiết quan trọng là trong cuộc gặp này, ông Kim bày tỏ sự "sẵn sàng" bỏ chương trình hạt nhân. Và sự thật là ông Tập, giống Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ, nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết của "phi hạt nhân hoá".

Vậy tại sao chuyến thăm này lại cần thiết với ông Kim đến vậy?

Theo SCMP, trong chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài kể từ khi nhậm chức, ông Kim cho thấy mình đã có một ưu tiên khác. Ông phải đưa Triều Tiên thoát khỏi tình trạng bị trừng phạt nặng nề bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ông cần sự đồng tình của Trung Quốc.

Sau khi Kim Jong-un cam kết “phi hạt nhân hóa”, đổi lại, ông Tập có thể “tặng quà” cho Triều Tiên bằng các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Hãy tưởng tượng Triều Tiên bị ảnh hưởng thế nào khi Trung Quốc tuân thủ biện pháp trừng phạt, giảm bớt lưu lượng dầu, dừng nhập khẩu than của Triều Tiên...

Gần đây, Trung Quốc có vẻ như đã giảm bớt các hành động thực thi biện pháp trừng phạt, theo SCMP. Và sau chuyến thăm của ông Kim, các quan chức Trung Quốc có thể đột ngột cung cấp viện trợ cho Triều Tiên khi người Mỹ và Hàn Quốc tập trận gần Triều Tiên, và cũng không xa lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un toan tính gì khi nói từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định lập trường từ bỏ vũ khí...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN