Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa: Phép thử đối với Mỹ

Việc Bắc Kinh đưa trái phép tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể là một phép thử đối với nhuệ khí của Mỹ trong chính sách can thiệp ở khu vực Biển Đông, theo nhận định của Euan Graham, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Lowy (Úc).

Động thái điều động bệ phóng tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thể hiện tham vọng của Trung Quốc mở rộng phạm vi kiểm soát trái phép khu vực, đồng thời là phép thăm dò phản ứng của Mỹ.

Theo hình ảnh vệ tinh dân sự của Fox News đã được các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận, hiện trên bờ biển đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa có các bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) HQ-9.

Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa: Phép thử đối với Mỹ - 1

Các bệ phóng tên lửa xuất hiện trên đảo Phú Lâm hôm 14.2, theo Fox News

HQ-9 là hệ thống phòng thủ trên không di động do Trung Quốc sản xuất, có thể sánh với hệ thống tương tự S-300 của Nga, với tầm bắn lên đến 2000m.

Chưa rõ đây chỉ là lệnh điều động tạm thời hay sẽ mở đường cho những đợt điều chuyển vũ khí tiếp theo từ phía Trung Quốc. Nếu toan tính đưa thêm trang thiết bị quân sự ra các đảo chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng.

Giả sử HQ-9 đi vào hoạt động, tầm hoạt động của nó sẽ vươn ra toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, lẫn các tuyến đường phía nam đến đảo Hải Nam, nơi đặt căn cứ của hải quân Trung Quốc.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm. Như vậy, từ góc độ quân sự có thể thấy nước này chọn đảo Phú Lâm làm căn cứ phòng thủ trái phép trên không, từ đó mở rộng hoạt động ra Biển Đông.

Động thái này đánh dấu một bước mới trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời cũng để thử nghiệm phản ứng của các đối thủ trước tình hình Biển Đông.

Nếu chiến lược dài hạn của Trung Quốc là đạt được kiểm soát quân sự tại khu vực Biển Đông, thì việc điều động tên lửa lần này mang mục đích ngăn chặn Mỹ hoạt động bay gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Cuối tháng 1.2016, Mỹ đã điều tàu khu trục áp sát quần đảo Hoàng Sa, rất gần với đảo Phú Lâm. Động thái này của Hải quân Mỹ gây ngạc nhiên cho các bên, đồng thời sẽ khó tái diễn dù bằng đường không hay đường thủy.

Trong tình hình hòa bình hiện nay, các lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ không tiếp cận máy bay Mỹ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc điều thêm hệ thống tên lửa ra Hoàng Sa sẽ khiến Mỹ phải cân nhắc nếu muốn tiến hành các hoạt động bay ở khu vực này.

Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa: Phép thử đối với Mỹ - 2

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ tháng 9.2015

Tháng 9.2015, trong một phát biểu tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một cam kết mơ hồ rằng nước này không có ý định quân sự hóa ở Biển Đông. Điều này hóa ra ông Tập ám chỉ quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo ông Euan Graham, chính vì lời phát biểu này mà Trung Quốc có vẻ tự tin hơn khi tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch quân sự hóa với hệ thống phòng thủ trên không tại quần đảo Hoàng Sa. Động thái này cũng có thể là để thăm dò phản ứng quốc tế nhằm tiến tới quân sự hóa các cơ sở nhân tạo xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa, hoặc thậm chí là tuyên bố thành lập một Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Khi Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc hội kiến với người đồng cấp Mỹ, ông này bỏ ngỏ thông tin liên quan đến ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa, cho biết kế hoạch phòng thủ của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào “mức độ đe dọa mà nước này phải đối mặt”.

Đây có thể là bước tiến quân sự tiếp theo của Trung Quốc mà phía Hải quân Mỹ đã dự tính.

Đầu tuần này, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, đã cảnh báo việc Trung Quốc cho phép các máy bay phản lực chiến đấu bay từ các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa sẽ gây mất ổn định an ninh khu vực, đồng thời can thiệp vào hoạt động bay của Mỹ trong không phận quốc tế ở Biển Đông.

Xét trong bối cảnh chính trị, động thái này diễn ra trùng thời điểm các nhà lãnh đạo ASEAN họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Obama tại California (Mỹ). Sự xuất hiện của hệ thống tên lửa HQ-9 có thể được lí giải là lời cảnh báo lãnh đạo các nước Đông Nam Á không nên dựa vào Mỹ trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Đồng thời, động thái này cũng là phép thử đối với Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khi bà có cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm nay.

Tháng 10.2015, bà Bishop phát biểu rằng Mỹ và Úc sẽ yêu cầu Trung Quốc thực thi đúng cam kết trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình liên quan vấn đề quân sự hóa quần đảo Trường Sa.

Phép thử phản ứng của các bên từ Trung Quốc xem ra đã diễn ra sớm hơn dự kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Hoàng Long - The Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN