Chuyên gia bẻ luận điệu của TQ vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa

Mỹ có lý do để lo ngại về hệ thống tên lửa phòng không do Trung Quốc đặt trái phép tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chuyên gia bẻ luận điệu của TQ vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa - 1

Ảnh chụp vệ tinh tên lửa Trung Quốc đặt trái phép tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang khiến cho khu vực Biển Đông cũng như quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng. Jin Kai, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, hiện là giảng viên đại học Yonsei ở Hàn Quốc, lên tiếng chỉ trích Mỹ phản ứng thái quá. Các lập luận của Jin Kai thiên lệch rõ về phía Trung Quốc, nên việc phản bác hoàn toàn không khó. Bài viết trên tạp chí The Diplomat của tác giả Denny Roy, chuyên gia về các vấn đề an ninh và chính trị châu Á, đã vạch rõ những điểm sai trái trong lập luận của Jin Kai.

Luận điểm đầu tiên cho rằng "Mỹ dường như muốn cố tình nhầm lẫn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để buộc tội Trung Quốc dễ dàng hơn". Minh chứng cho điều này, Jin cho rằng không có quân sự hóa tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vì Trung Quốc chỉ "triển khai các biện pháp phòng thủ hạn chế". Tuy nhiên ngay từ đầu Jin đánh đồng "nước Mỹ" là toàn bộ phát ngôn của truyền thông từ tư nhân tới nhà nước, mà không phải mọi cá nhân nào cũng hiểu rõ về vị trí hai quần đảo trên cũng như các đảo được bồi đắp bất hợp pháp.

Như vậy có thể thấy vấn đề lớn hơn đã bị lờ đi. Việc Trung Quốc xây dựng một số hòn đảo nhân tạo suốt hai năm qua là biểu hiện rõ ràng cho thấy nước này đang có ý định đơn phương áp đặt chương trình hành động trái phép của mình tại khu vực có tranh chấp. Chính quyền nước này cũng tuyên bố từ đầu rằng các hòn đảo sẽ có "khả năng phòng vệ".

Mỹ cùng các quốc gia khác đã chọn cách phản ứng ôn hòa nhất là yêu cầu không được quân sự hóa, và Tập Cận Bình đã đồng ý. Tuy nhiên ngay sau đó Trung Quốc có động thái ngược lại, thiết lập các hệ thống quân sự. Đây là điều khó chấp nhận được trên biển Đông, bất kể là ở quần đảo nào. Hành vi này không là gì khác ngoài một tín hiệu khiêu khích cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố vị thế bằng các hoạt động trái phép, bất kể các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế nghĩ gì.

Chuyên gia bẻ luận điệu của TQ vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa - 2
Tên lửa HQ-9 của Trung Quốc

Chiến lược này khác hoàn toàn với quá trình bao gồm hòa giải và kiểm soát thiệt hại về ngoại giao trong khu vực như trước kia. Các tên lửa được lắp đặt trái phép cho thấy rõ điều đó: Trung Quốc đang chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, phớt lờ phản ứng của Mỹ về tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. 

Thứ 2, Jin cho rằng người Mỹ không công bằng khi chỉ trích Trung Quốc "triển khai khả năng phòng thủ" trên Biển Đông, khi mà Mỹ cũng có nhiều căn cứ quân sự đặt tại nhiều nước châu Á song song với tập trận chung để 'giám sát lãnh thổ của Trung Quốc'.

Ở đây một số vấn đề đã bị đánh tráo. Rõ ràng Trung Quốc không ưa Mỹ với vị trí cường quốc có ảnh hưởng mạnh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, và cho rằng Mỹ đang cản trở một số tham vọng riêng của mình. Trên thực tế, do nguyên nhân lịch sử, Mỹ từ lâu đã trở thành một dạng 'tuần tra viên' trong khu vực với nhiều điều kiện nhất định.

Vài ngày trước, Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng ngang ngược nói rằng việc họ đưa vũ khí ra Biển Đông không khác gì việc Mỹ điều động quân sự để bảo vệ Hawaii. Thư ký Nhà Trắng ngày 25.2 đã bác bỏ điều này, lập luận rằng Hawaii không phải khu vực đang tranh chấp và tuyên bố chủ quyền chồng lấn như Biển Đông.

Chuyên gia bẻ luận điệu của TQ vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa - 3
Thư ký báo chí Nhà Trắng "Hawaii không phải biển Đông"

Hơn nữa, đa số các nước trong khu vực đều tỏ ra khá chào đón sự hiện diện của Mỹ, coi các cam kết chiến lược như một sự bảo đảm, đồng thời coi chính sách đối ngoại hiện tại của Trung Quốc là một điều đáng lo ngại.

Như vậy Jin đã thất bại trong việc chứng minh rằng ngoài Trung Quốc thì tất cả các nước láng giềng cũng bị tổn hại lợi ích. Không những thế, các chính phủ này sẵn sàng để Mỹ thiết lập căn cứ, mua thiết bị quân sự và tập trận chung. Tương tự, vấn đề tranh chấp cũng bị bỏ qua triệt để. Trung Quốc đã chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực. 

Jin cũng không hề trích dẫn Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc từng ký kết, chấp thuận máy bay và tàu của Mỹ có thể tuần tra trong khu vực đặc quyền kinh tế. Thay vào đó, tuyên bố "Việc thiết lập các cơ sở quốc phòng trên biển Đông là cần thiết" của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lại được đem ra làm dẫn chứng, một cách tự phản bác lại lập luận ban đầu khẳng định hoạt động của Trung Quốc không phải là quân sự hóa.

Jin vô lý khi đòi hỏi chấm dứt chỉ trích việc triển khai vũ khí trái phép trên biển Đông trong khi lại yêu cầu Hàn Quốc không khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa trong phạm vi quốc gia nhằm tránh các mối nguy hiểm từ Triều Tiên.

Chuyên gia bẻ luận điệu của TQ vụ đưa tên lửa ra Hoàng Sa - 4
Tàu tuần tra của Mỹ tại biển Đông

Thứ ba, Jin cho rằng coi hệ thống tên lửa là mối đe dọa cho cả máy bay quân sự lẫn dân sự là không có cơ sở. Điều này đúng một phần, vì không có lý do gì mà Trung Quốc khai hỏa vào máy bay chở khách. Nhưng không thể loại trừ khả năng tai nạn do trục trặc kỹ thuật hoặc hiểu lầm. Vụ máy bay MH17 là một ví dụ.

Tiếp theo, Jin cho rằng người Mỹ sử dụng 'tiêu chuẩn kép' khi nói Trung Quốc khiêu khích, nhưng không hề chỉ trích các nước khác trong khu vực như Philippines. Có vẻ như nhà phê bình này không nhận thấy rằng Mỹ có ảnh hưởng tới việc thiết lập tự do hàng hải và hàng không nhiều năm nay.

Quan trọng hơn, các nước khác trong khu vực không hề có ý định trở thành thế lực thống trị châu Á như Trung Quốc với những hành vi thách thức luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng tới trật tự khu vực nhưng lại đòi hỏi được công nhận. Điều này đương nhiên khiến nhiều nước lo ngại.

Lý do cuối cùng Jin đưa ra là Trung Quốc không hề làm ảnh hưởng tự do hàng hải, vì nước này chỉ phản đối hoạt động quân sự của Mỹ. Trên thực tế, việc Trung Quốc hạn chế, hay đánh đuổi các tàu của ngư dân nhiều nước láng giềng nhằm mục đích độc quyền khai thác tài nguyên không hề xa lạ, thậm chí ở trong vùng biển quốc tế.

Tóm lại, Jin dường như đã bỏ qua điều quan trọng nhất đang diễn ra: Trung Quốc đang nóng lòng muốn được quốc tế công nhận quyền sở hữu vùng biển mà nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền. Câu hỏi đặt ra là các nước châu Á- Thái Bình Dương sẽ phản ứng ở mức độ nào sau khi cân nhắc xem lợi ích có bị tổn hại khi Trung Quốc càng ngày càng 'hung hăng'. Nếu họ chấp nhận, thì tự do hàng hải thương mại và quân đội của Mỹ tại đây cũng không còn được bảo đảm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mẫn Di - The Diplomat ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN