Vượt Covid-19, dòng tiền “ngoại” vẫn chảy không ngừng vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khi kinh tế thế giới và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang suy giảm thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực. Trong bối cảnh dịch Covid-19, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đang mở ra bước ngoặt mới cho Việt Nam.

Dòng tiền ùn ùn đổ vào Việt Nam

Theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist (2020), Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19, các chỉ số tài chính ổn định. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập lại cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Điều này được minh chứng bởi việc trong năm 2020 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD. Tuy con số này có giảm 25% so với năm 2019 nhưng xét trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang điêu đứng vì Covid-19, doanh nghiệp lớn nhỏ chịu thiệt hại nặng nề thì con số này thực sự rất ấn tượng.

Vượt Covid-19, dòng tiền “ngoại” vẫn chảy không ngừng vào Việt Nam - 1

Trên thực tế, cho tới thời điểm này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận đây là thời điểm và cơ hội hiếm hoi để gửi gắm dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, với kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm.

Đơn cử như vào thời điểm tháng 9/2020, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cho hay sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đại diện Samsung khẳng định, việc dịch chuyển một phần nhà máy tivi sang Việt Nam sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh - Mỹ tổ chức trong năm 2020, Tập đoàn Intel Việt Nam thông tin đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1 tỷ USD và tạo ra hơn 5.000 việc làm sau gần 15 năm có mặt tại nước ta. Cùng với đó, Google, HP và Dell đều đã di dời nhà máy sản xuất laptop sang Đài Loan (Trung Quốc) hay đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hay như LG của Hàn Quốc cũng chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh của mình sang Hải Phòng.

Những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI giúp Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Apple, Foxconn, Luxshare... hứa hẹn tăng cường đầu tư

Thực tế ngoài nguồn nhân lực dồi dào, môi trường ổn định và an toàn biến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới.

Có thể thấy, qua những làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020, Việt Nam ngày càng có nhiều kinh nghiệm chống dịch, vẫn ổn định chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tốt, thời gian để khoanh vùng, dập dịch đợt sau ngắn hơn đợt trước, quy mô lây nhiễm nhỏ hơn, tác động tới mọi mặt kinh tế - xã hội ít hơn.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin, thông qua một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ này tổ chức gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.

Đã có nhiều tập đoàn lớn như: Apple, Foxconn, Luxshare... triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới tỷ USD. Theo đó, những dự án hút dòng vốn ngoại gần đây tập trung nhiều vào các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến. Với những kết quả trên, các chuyên gia cho rằng tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện) như mục tiêu đã đề ra.

Trên thực tế, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, cũng khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đón các “ông lớn” như doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, Apple đang chuẩn bị thực hiện nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam thì “ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, nước ta cần quan tâm đến những đòi hỏi của các nhà đầu tư EU và Mỹ như: công khai, minh bạch, ổn định; thực thi pháp luật nghiêm minh; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền, sáng chế, phát minh; chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả; thủ tục hành chính đơn giản. Những vấn đề đó đã và đang được Chính phủ chỉ đạo để tạo bước đột phá trong việc thu hút FDI từ các cường quốc công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi định hướng FDI mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Trần Quốc Phương cho biết, năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình. Đặc biệt, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA và CPTPP, UKVFTA, Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 7/2: Tuần tồi tệ nhất trong 2 tháng, dự báo bất ngờ tuần tới

Dù giá vàng tăng đột biến trong 2 phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung tuần qua vàng vẫn giảm thê thảm. Liệu trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Vy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN