Vốn ODA được giao 60.000 tỉ đồng, mới tiêu được hơn 6.000 tỉ

Sự kiện: Kinh Doanh

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tính tới ngày 31-8 vừa qua chỉ mới giải ngân được 6.480 tỉ đồng (đạt 10,7%) trong tổng số kế hoạch vốn do Quốc hội giao là 60.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2019 là 161.286,316 tỉ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến 31-8 chỉ mới giải ngân được 6.480 tỉ đồng (đạt 10,7%) trong tổng số kế hoạch vốn do Quốc hội giao là 60.000 tỉ đồng.

Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỉ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. Đáng chú ý, có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân. Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân rất thấp, như Bộ Y tế chỉ đạt 4,8%, tỉnh Quảng Ninh đạt 0,5%, Quảng Nam 2,3% và Hưng Yên (8,3%).

Giải ngôn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài rất chậm - Ảnh minh họa

Giải ngôn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài rất chậm - Ảnh minh họa

Câu chuyện chậm giải vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài không chỉ xảy ra từ năm nay, bởi trong giai đoạn 2016-2018, tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài rất chậm. Trong 3 năm này, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137,1 ngàn tỉ đồng, đạt 74,53% dự toán Quốc hội giao.

Đây là vấn đề "đau đầu" được lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần họp tháo gỡ, nhưng đến nay sự chuyển biến vẫn đang rất chậm.

Đánh giá về nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong hội nghị vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng do vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu và phân bổ vốn chưa sát với thực tế.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài cũng dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. "Tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng, chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi"- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương khắc phục hạn chế trong những tháng đầu năm, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng đảm bảo nguồn thanh toán cho các dự án; rút ngắn thời gian kiểm soát chi, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ theo quy định; thống nhất số liệu thống kê về giải ngân nguồn vốn nước ngoài.

Nhu cầu vốn cấp bách, giải ngân vốn ODA vẫn chậm liền 3 năm

Số liệu giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán; Bộ trưởng Bộ Tài chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN