Vàng sẽ lao dốc về mốc 1.400USD/oz?

Sau ít ngày nhích nhẹ, giá vàng miếng trong nước hôm qua (27.6) đã giảm mạnh, dù trước đó có nhiều dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này.

Nới rộng chênh lệch giá

Cụ thể giá vàng SJC chốt ngày 27.6 ở mức 41,54 - 41,69 triệu đồng/lượng, giảm đồng loạt 140 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và chiều bán so với chốt ngày hôm trước. Dù ít có biến động trong nhiều ngày gần đây, giá vàng Rồng Thăng Long ngày 27.6 cũng giảm 50 nghìn đồng mỗi lượng xuống còn 40,3 - 40,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng trong nước chưa giảm tương ứng so với mức giảm của giá vàng thế giới trong cùng ngày. Tính đến 10h sáng, giá vàng thế giới đã giảm tới 320 nghìn đồng mỗi lượng so với giá bán vào 15h chiều ngày 26.6. Vào thời điểm này, giá vàng thế giới đạt mức giao dịch 1.573,01 - 1.586,51USD/oz, quy đổi tương đương 39,66 triệu đồng/lượng. Đến chiều cùng ngày, giá vàng thế giới tiếp tục giảm còn 1.567,19 - 1.567,69USD/oz, quy đổi tương đương 39,51 triệu đồng/lượng và giảm tiếp 150 nghìn đồng mỗi lượng so với giá bán sáng cùng ngày. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới vào chiều 27.6 tiếp tục được nới rộng lên mức 2,18 triệu đồng mỗi lượng sau khi giảm xuống mức 1,86 triệu đồng/lượng vào ngày hôm trước.

Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trừơng vàng Bảo Tín Minh Châu, nguyên nhân của việc vàng giảm giá là do sức mua trên thị trường nói chung ở mức bình thường, nhà đầu tư tỏ ra dè dặt. Hơn nữa thanh khoản không mạnh vì kinh tế thế giới có dấu hiệu bộc lộ thiểu phát, khủng hoảng tài chính tại EU và cả tại Mỹ vẫn đang giằng co, kéo dài, chưa được ngăn chặn triệt để. Các đánh giá cho thấy, một khi cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu không sớm tìm được lối thoát sẽ có sức ảnh hưởng tới thị trường thế giới lớn hơn những gì người ta tưởng tượng và khi ấy chắc chắn nhà đầu tư sẽ tìm đến đồng USD để trú ẩn. Tuy nhiên, hoạt động mua vàng tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Ukraina diễn ra từ tháng 5 đến nay khá sôi động và việc IMF khởi động mua vàng từ ngày 26.6 đã và đang hỗ trợ giá vàng cầm cự, không giảm sút nhiều nhưng cũng chưa tăng mạnh.

Vàng sẽ lao dốc về mốc 1.400USD/oz? - 1

Vàng sẽ về mốc 1.400USD/oz?

Trước đó, một số nhận định về diễn biến giá vàng trong tuần đến ngày 29.6 cho rằng, nếu chọc thủng mức hỗ trợ 1.520USD/oz, vàng sẽ đối diện áp lực bán tháo mạnh và có thể rớt xuống 1.400USD. Thực tế trong tuần đến ngày 22.6, thị trường chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh vì những lo lắng về thể trạng kinh tế toàn cầu và giảm phát. Một tính toán cho thấy, trong tuần đến ngày 22.6, giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex giảm 3,76% xuống còn 1.566,9USD/oz. Tuy nhiên khảo sát của Kitco với 33 nhà phân tích, thương nhân và nhà quản lý quỹ về xu hướng tuần đến ngày 29.6 cho thấy, trong 28 người phản hồi có 12 người vẫn dự báo giá tăng, 9 nhận định cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 7 người đưa ra ý kiến trung lập hoặc dự đoán thị trường đi ngang.

Trong lúc giá vàng liên tục biến động, tỉ giá VND/USD dường như ít có biến động trong ngày 27.6. Trong đó giá USD tự do tại Hà Nội sáng 27.6, theo khảo sát của một tổ chức đầu tư, tiếp tục phổ biến ở mức 20.920 - 20.940VND/USD, không có thay đổi so với ngày hôm trước. Còn tại các ngân hàng thương mại, giá USD niêm yết cũng không có thay đổi. Vietcombank tiếp tục duy trì niêm yết tỉ giá mua bán ở mức 20.860 - 20.920VND/USD. Eximbank giữ giá mua USD ở mức 20.850VND/USD của ngày hôm qua nhưng nâng giá mua ngoại tệ này thêm 10 đồng, lên 20.910VND/USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN