Vàng nữ trang hết hoang mang lại bát nháo
Việc siết chặt chất lượng vàng nữ trang theo Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ tưởng sớm dẹp loạn được thị trường song thực tế mua bán ở các trung tâm kinh doanh vàng lớn vẫn tiếp tục bát nháo.
Mua bằng lòng tin?
Mặc dù Thông tư 22/2013 (TT22) của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ đã có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên, sau hơn 02 tháng triển khai theo báo cáo của Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) thì có đến 80% trong số 3.000 DN vàng trên địa bàn TP.HCM không biết hoặc không nắm được nội dung của TT 22. Do vậy, chất lượng vàng nữ trang vẫn bát nháo.
Dù hai năm trở lại đây thị trường vàng có trầm lắng hơn nhưng nhu cầu mua vàng trang sức vẫn luôn có
Dù hai năm trở lại đây thị trường vàng có trầm lắng hơn nhưng nhu cầu mua vàng trang sức vẫn luôn có. Không chỉ vàng nữ trang được sản xuất trong nước mà hiện nay các mặt hàng vàng trang sức rất đa dạng về nguồn gốc: Ý, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia… đang được các cửa hàng vàng bày bán rất nhiều với mẫu mã tinh xảo.
Thị trường vàng tại TP.HCM nổi tiếng với khu vực cửa hàng vàng tại Chợ Bến Thành quận 1 và chợ An Đông quận 5… Tuy nhiên, “nếu khách hàng mua không cẩn thận thì có thể gặp phải hàng chợ tại đây”, một chuyên gia về vàng cho biết.
Tại Trung tâm vàng bạc đá quý Bến Thành với hàng chục tiệm vàng nhưng giá cả niêm yết ở đây lại không đồng nhất. Tiệm vàng Vân Nga niêm yết giá vàng 18K (7,5 tuổi) giá mua-bán là 22 triệu đồng-29 triệu đồng/lượng. Còn tiệm vàng Tuấn Loan lại niêm yết mức giá mua-bán thấp hơn rất nhiều 20,5 triệu đồng-25,6 triệu đồng/lượng. Khi hỏi chủ tiệm vàng ở đây thì họ cho biết giá niêm yết tùy cửa hàng.
Giá cả chênh lệch như vậy khiến nhiều khách hàng băn khoăn về chất lượng thì được chủ tiệm vàng Tuấn Loan khẳng định "vàng đủ tuổi, có giấy biên nhận khi mua vàng và nếu không đủ tuổi thì sẽ “một đền mười”".
Hiện vàng trang sức trắng với nhiều mẫu mã tinh xảo từ nhiều nguồn gốc cũng được nhiều người ưa dùng. Chủ tiệm vàng Tuấn Loan cho biết thêm, mua vàng trắng của Ý giá 1 triệu đồng/gram thì khi bán lại khách bán tại đâu cũng được nhưng bị mất giá 30%. Chẳng hạn, với chiếc nhẫn gắn đá trắng, 2,35 gram vàng trắng thì giá tương đương là 2,35 triệu đồng. Còn với vàng trắng Ý của tiệm vàng Vân Nga bán theo món, giá một chiếc nhẫn được hét tới 15 triệu đồng.
Từ trước đến nay, vàng trang sức được bán ra gần như không ghi tỉ lệ vàng trên mỗi sản phẩm. Khách hàng mua theo chữ tín của từng thương hiệu. Nhiều sản phẩm không đủ tuổi vàng.
Chẳng hạn, một chiếc dây chuyền vàng tây nếu tiệm vàng nói là 14K thì có khi đo hàm lượng vàng nguyên chất chính xác có trong đó chỉ 9-10K. Chưa kể tiền công và đá gắn trên sản phẩm có khi được tính tới tiền triệu.
Nên kiểm định vàng trước khi mua
Để lựa chọn được một sản phẩm vàng đúng tuổi không phải là điều đơn giản đối với khách hàng. “Có khi ngay cả người bán hàng lâu năm cũng chẳng thể biết được vàng đó đủ tuổi hay không, chỉ có chỉ tiệm vàng mới biết được vàng đó bao nhiêu tuổi”, chuyên gia về vàng trên tiết lộ.
Còn một thợ kim hoàn hơn 20 năm trong nghề cho biết, khó có thể nhận biết được tuổi vàng thông qua mắt thường bởi với công nghệ xi mạ hiện nay, vàng kém tuổi hay vàng đủ tuổi nhìn màu sắc sẽ gần giống nhau.
Chị Phan Thanh Tâm, một khách hàng mua vàng băn khoăn tại sao cùng một tuổi vàng 7,5 tuổi mà hai chiếc nhẫn vàng có mầu khác nhau là vàng xanh và vàng đỏ? Chuyên gia về vàng trên cho biết, không thể nhìn vào màu sắc hay sắc độ của vàng mà phán là vàng đó đủ tuổi hay không. Vì với thành phần kim loại được pha vào vàng là kim loại gì thì vàng 7,5 tuổi đó sẽ có màu của kim loại pha đó. Do vậy, màu sắc của vàng có màu vàng chanh, vàng đỏ, vàng xám, vàng tím. Để an toàn khách hàng có thể kiểm định vàng tại một số cửa hàng vàng lớn.
Vàng trắng Ý thì chịu không thể kiểm tra chất lượng được, chỉ có mua bằng lòng tin. Còn đối với vàng trang sức trong nước thì theo chuyên gia về vàng cho biết: “Một kinh nghiệm mua vàng của người Hà Nội là sau khi mua xong họ đem đến trung tâm kiểm định và lấy giấy kiểm định vàng rồi mới quay trở lại trả tiền cho tiệm vàng. Còn nếu muốn yên tâm hơn nữa thì người dân nên mua vàng nữ trang ở những cửa hàng vàng của các công ty lớn”.
Thông tư 22/2013 mới quy định: “Vàng trang sức phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Trên sản phẩm phải đóng dấu mã kí hiệu, hàm lượng vàng, không dùng các chất độc hại mới được lưu thông ra thị trường”.
DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ không đáp ứng tiêu chuẩn TT22 có thể bị tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ 01-06 tháng và sẽ bị phạt đến 05 lần tổng giá trị sản phẩm vi phạm về chất lượng hàng hóa… hoặc bị phạt cao nhất lên tới 02 tỷ đồng nếu vi phạm về đo lường…
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công bố nào về việc phạt DN vàng vi phạm các quy định trên.