Tỷ giá vẫn ổn định những tháng cuối năm

Đó là nhận định của ông Đinh Đức Quang, Giám đốc kinh doanh tiền tệ Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam).

Có nhận định cho rằng, tỷ giá cuối năm nay sẽ có những biến động mạnh do áp lực hạ lãi suất, nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào dịp cuối năm… Quan điểm của ông ra sao?

Theo quan sát thị trường, chúng tôi thực sự tin tưởng rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm, dựa vào các cơ sở sau đây:

Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu dự báo sẽ vẫn ở mức ổn định, vừa phải do nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn ở mức thấp. Những khó khăn về kinh tế vĩ mô vẫn còn đó, khiến thu nhập của đại bộ phận người dân ở mức khiêm tốn và chi tiêu hộ gia đình sẽ chỉ tập trung vào các nhu cầu thiết yếu về lương thực - thực phẩm, hàng gia dụng, học hành, y tế hơn là các nhu cầu hàng hóa chưa thật cấp thiết như nội thất, điện máy, mỹ phẩm, hàng thời trang nhập khẩu, xe máy, xe ôtô… Các nhu cầu nhập khẩu vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị từ các công ty cũng chưa thể tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chú trọng phát triển các thị trường xuất khẩu mà hàng hóa tập trung vào các mặt hàng dầu thô, nông lâm thủy hải sản, gia công chế biến sản phẩm may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử… vốn là các nhu cầu thiết yếu ở các nước khác. Do vậy, chúng tôi dự báo, mức nhập siêu trong 4 tháng cuối năm vào khoảng 500 - 700 triệu USD, nhập siêu cả năm ở mức tối đa là 3 tỷ USD.

Thứ hai, những hoạt động dễ gây biến động mạnh trên thị trường ngoại hối trong những năm vừa qua (như đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán và trái phiếu của các NĐT nước ngoài, hoạt động đầu cơ vàng trong bộ phận dân cư, hoạt động đầu cơ ngoại tệ trên thị trường không chính thức) đã giảm mạnh trong thời gian qua. Thậm chí, một số hoạt động đã chấm dứt nhờ vào các quy định, chính sách kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thứ ba, chúng tôi dự báo các nguồn vốn giải ngân FDI, FII, M&A và kiều hối vẫn là nguồn bổ sung nguồn cung ngoại tệ đáng kể, giúp bù đắp phần nhập siêu.

Thứ tư, chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa USD và VND vẫn rất đáng kể và chúng tôi tin rằng NHNN và các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục duy trì các chính sách liên quan để người dân và DN an tâm nắm giữ tiền đồng, giảm thiểu tối đa tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Thứ năm, NHNN đang có trong tay quỹ dự trữ ngoại hối lớn hơn nhiều so với những năm trước, giúp NHNN có thể can thiệp khi thị trường có biến động mạnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực sự ấn tượng về chính sách quản lý ngoại hối của NHNN trong thời gian vừa qua. Theo thông tin có được, NHNN đã có riêng một bộ phận luôn cập nhật tình hình biến động từng phút trên thị trường ngoại hối trong nước, từ đó, có những chính sách can thiệp mạnh mẽ, kịp thời.

Dựa vào những cơ sở như trên, chúng tôi dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ chỉ có thể tăng nhẹ trong những tháng cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng lên để phục vụ những ngày nghỉ lễ lớn của đất nước. Mức tỷ giá USD/VND dự báo cho 3 tháng cuối năm là khoảng 21.100 - 21.300. Với mức tỷ giá này, tiền đồng chỉ mất giá 1,5% so với USD cho cả năm 2012.

Nhưng, thị trường vẫn luôn xuất hiện những biến động bất ngờ khó dự đoán?

Đúng vậy. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động, Chính phủ đang thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống DN nhà nước, tỷ giá càng khó lường. Một bộ phận người dân, DN có thể sẽ bị các sự kiện mới, các biến đổi hoặc thậm chí chỉ là các tin đồn làm hoang mang, dẫn đến các động thái phòng thủ như rút tiền tiết kiệm, chuyển đổi VND sang USD tiền mặt trên thị trường không chính thức, mua vàng giá cao, chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới, DN mua ngoại tệ trả nợ vay ngoại tệ sớm, DN xuất khẩu găm giữ ngoại tệ chờ giá cao, DN nhập khẩu thanh toán hàng nhập sớm…

Để tránh những thiệt hại, mất mát do những biến động trên, ông có khuyến nghị gì dành cho người dân và DN?

Trước tiên, cần theo dõi sát tình hình thị trường và tin tưởng các chính sách điều hành tiền tệ của NHNN và Chính phủ. Bất kỳ quyết định nào của các cơ quan quản lý đều nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân và DN, không để bất kỳ tình hình lộn xộn nào diễn ra, vốn là cơ hội để các nhóm đầu cơ trục lợi.

Đồng thời, các DN có thể xem xét sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá được các ngân hàng cung cấp với chi phí hợp lý. Ví dụ, hiện tại, nhà nhập khẩu chỉ cần trả chi phí khoảng 1,5% để bảo hiểm tỷ giá cho các lô hàng nhập khẩu cần thanh toán vào cuối năm.

Bên cạnh đó, ngoài USD là ngoại tệ chính được sử dụng trong các hợp đồng ngoại thương, EUR và JPY là hai ngoại tệ khác khá phổ biến. Theo dự báo của chúng tôi, hai loại tiền tệ này có khả năng lên giá khoảng 5% so với USD trong những tháng cuối năm do Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định triển khai gói nới lỏng định lượng tiền tệ thứ ba từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Và do đó, việc các DN có những rủi ro liên quan đến các loại ngoại tệ này có thể tham gia bảo hiểm rủi ro tỷ giá ngay từ bây giờ với chi phí rất thấp do chênh lệch lãi suất giữa USD và các ngoại tệ này rất nhỏ. Ngoài ra, các DN cũng có thể xem xét tham gia các sản phẩm quyền chọn ngoại hối giữa các ngoại tệ với nhau, vốn đang được NHNN cho phép và các sản phẩm này hiện rất đa dạng về mặt sản phẩm, với những lợi ích vượt trội so với các sản phẩm bảo hiểm rủi ro truyến thống.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Dung (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN