TQ đang thâu tóm các công ty Mỹ với tốc độ chóng mặt
Các công ty Trung Quốc đang có xu hướng mua lại những doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả của Mỹ, với số lượng kỷ lục, khiến các nhà lập pháp Mỹ “phát hoảng”.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách thu mua và sáp nhập với nhiều công ty Mỹ. Nguồn: Reuters
Những trường hợp điển hình phải kể đến như công ty General Electric được bán lại cho doanh nghiệp Haier ở Thanh Đảo hay hợp đồng phá kỷ lục giữa ChemChina và tập đoàn Syngenta, Thụy Sỹ, trị giá tới 48 tỷ USD.
Gần đây, một nhánh của tập đoàn HNA Trung Quốc đã mua lại nhà phân phối công nghệ Ingram Micro với giá 6 tỷ USD. Và vụ việc gây tranh cãi nhất cho đến nay có lẽ là giữa tập đoàn đầu tư Chongqing Casin của Trung Quốc muốn mua lại Sàn chứng khoán Chicago, Mỹ.
“Đổ xô” mua bán
Theo Dealogic, tính đến nay, đã có khoảng 102 hợp đồng múa bán, sáp nhập của các công ty Trung Quốc được thông báo trong năm nay, với tổng giá trị lên đến 81,6 tỷ USD. Con số này đã gia tăng so với 72 hợp đồng trị giá 11 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lý do là bởi sự tăng trưởng kinh tế chậm ở Trung Quốc cũng như giá thành rẻ ở nước ngoài do thị trường chứng khoán tụt dốc thời gian gần đây. Vikas Seth, trưởng nhóm thị trường đang nổi thuộc phòng ngân hàng đầu tư và thị trường vốn của Credit Suisse, cho Business Insider biết: “Với nền kinh tế đang phát triển chậm lại, các tập đoàn Trung Quốc đang nhanh chóng tìm kiếm một nguồn lực ngoại lai mới để bổ sung cho sự tăng trưởng của họ”.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 đạt mức thấp nhất trong 25 năm qua. Mới đây, hãng luật O'Melveny & Myers đã tiến hành khảo sát các khách hàng ở đại lục và cho ra kết quả rằng tiềm năng phát triển kinh tế ở Mỹ là nhân tố chính khiến đây trở thành một địa điểm đầu tư đầy thu hút.
Gần một nửa người tham gia trả lời khảo sát đồng ý rằng Mỹ là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất nhưng 47% lại cảm thấy các quy định và điều luật của Mỹ là rào cản chính, và họ hoàn toàn đúng về điều này.
Những trở ngại chính
45 thành viên Quốc hội Mỹ tuần này đã ký một lá thư gửi tới Ủy ban Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính Mỹ (CFIUS), yêu cầu cơ quan này tiến hành một “cuộc điều tra chặt chẽ và toàn diện” về hợp đồng thu mua Sàn chứng khóa Chicago.
Bức thư viết: “Hợp đồng này là lần đầu tiên một công ty, có thể là công ty nhà nước của Trung Quốc, tiến hành thu mua và thâm nhập trực tiếp vào thị trường vốn chủ sở hữu 22 nghìn tỷ USD của Mỹ. Trong khi vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của chính quyền vào vụ mua bán trên nhưng công ty Trung Quốc này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, và điều đó chắc chắn cần đến những mối quan hệ mật thiết với chính phủ”.
Chính phủ Trung Quốc cũng ủng hộ xu thế đầu tư nước ngoài của các công ty trong nước. Nguồn: Reuters
CFIUS dự định xem xét lại giao dịch trên vì các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Mới đây Bộ Tài chính Mỹ đã ngừng hợp đồng mua bán trị giá 3,3 tỷ USD của một công ty Philippines nhưng ký do không được công bố.
Anne Salladin, công ty luật Stroock & Stroock, nhận xét: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu CFIUS không xem xét lại giao dịch này”.
Cũng trong tuần này, công ty Fairchild Semiconductor ở California đã từ chối lời đề nghị hợp tác với doanh nghiệp Resources and Hua Capital do nhà nước Trung Quốc “chống lưng”. Công ty Trung Quốc đã đưa ra mức giá 2,6 tỷ USD nhưng Fairchild thẳng thừng từ chối vì lo ngại về quy định luật pháp của chính phủ Mỹ và cuối cùng đã chấp nhận hợp tác với một công ty đồng hương khác dù mức giá đưa ra thấp hơn.
Mặc dù không phải tất cả các công ty Trung Quốc có ý định Mỹ tiến đều do nhà nước sở hữu nhưng không thể phủ nhận rằng họ cần phải có được sự ủng hộ hoàn toàn của chính phủ nước này trong công đoạn đóng giao dịch. Đó là bởi vì các doanh nghiệp trên cần có đủ ngoại hối để trả cho các công ty nước ngoài, đây là vấn đề mà chính phủ Bắc Kinh kiểm soát rất chặt chẽ.
Với những xu hướng hiện hữu gần đây, có thể thấy chính phủ Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ việc mua bán có yếu tố nước ngoài này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…