Tín dụng ngoài luồng "phình" tới 50 tỷ USD (!?)
Nhà băng siết chặt thủ tục vay, khách vay mất niềm tin ở kênh cho vay chính thức... đã đẩy các hình thức cho vay ngoài luồng chiếm tới 30% tổng tín dụng thực tế, ước tính lên tới 50 tỷ USD.
Con số được TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo do Ban Kinh tế TƯ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng 14/10 đã khiến không ít giới chuyên gia phải giật mình.
Theo TS. Võ Trí Thành, dùng từ ngân hàng ngầm sẽ không thật sự chính xác mà nên gọi đó là “ngân hàng bóng – ngân hàng ẩn” (shadow banking), là những khoản vay ngoài hệ thống ngân hàng. Tín dụng đen là một phần trong khái niệm ngân hàng "ngầm", tín dụng phi chính thức. Hệ thống ngân hàng ngầm tồn tại song song với hệ thống ngân hàng truyền thống và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Điều kiện vay thắt chặt, hết tài sản thế chấp buộc người dân phải tìm đến tín dụng đen lãi suất cắt cổ. Ảnh minh họa từ internet.
Ngân hàng "ngầm" là một phân khúc thị trường có thành phần tham gia hoạt động giống như ngân hàng, trừ việc không nhận tiền gửi. Các thành phần này không bị quản lý như các ngân hàng, và trong nhiều trường hợp hoàn toàn không bị quản lý.
Con số từ Hội đồng Ổn định tài chính cho biết, ngân hàng ngầm chiếm tới 25-30% toàn hệ thống tài chính và khoảng một nửa quy mô của các tài sản ngân hàng. Tại châu Âu, khoảng 22% các khoản nợ ngắn hạn phát hành bởi Chính phủ và doanh nghiệp, 38% nợ của hệ thống ngân hàng được nắm giữ bởi các quỹ thị trường tiền tệ.
Còn ở Việt Nam hiện không có một thống kê chính thức về các khoản vay ở lĩnh vực này nhưng theo ước tính cho vay ngoài hệ thống hay còn gọi là tín dụng đen hiện đang bằng khoảng 30% tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp.
Thời gian gần đây, tỷ lệ này có thể giảm do là thị trường khó khăn hơn, người dân học được nhiều bài học hơn từ những vụ đổ vỡ tín dụng đen. Thêm nữa, tín dụng đen chủ yếu "nằm" trong bất động sản, trong khi thị trường này vẫn chưa ấm lên nếu không nói là còn nhiều phân khúc đóng băng.
Đánh giá về hệ lụy của tín dụng đen, ông Thành nói, phần huy động này (đặt trong khái niệm ngân hàng ngầm) có những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Tác động dễ thấy nhất là việc khiến các cơ quan điều hành không kiểm soát được nguồn cung tiền, cung tín dụng một cách đầy đủ. Hơn nữa, giống như câu chuyện đô la hóa, nếu tín dụng đổ vỡ thì không đơn thuần là câu chuyện kinh tế, mà nó còn là vấn đề lòng tin, quan hệ xã hội. "Đổ vỡ xảy ra thì ảnh hưởng của nó tới xã hội là rất tiêu cực" – Phó Viện trưởng CIEM lo ngại.
Nhìn nhận tỷ lệ tín dụng đen chiếm tới 30% là quá cao, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn, thị trường ngân hàng ngầm sẽ gây bất ổn định xã hội và cũng chứng tỏ người dân đang mất niềm tin. "Khi niềm tin của người dân bị giảm sút vào thị trường chính thống chính là cơ hội để tín dụng đen nở rộ . Vấn đề là phải chấn chỉnh thị trường chính thống để tạo lập lại niềm tin cho người dân, chứ không thể bằng biện pháp hành chính để giải quyết được"- ông phân tích.
Song trao đổi với Infonet, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khá bất ngờ trước con số 30%. Ông ước tính, với tỷ lệ 30% tín dụng đen tương đương khoảng 50 tỷ USD. “Con số này quá lớn, tín dụng đen ngoài hệ thống là cao, nhưng tôi cho rằng không tới mức vậy” – ông bình luận.
Giám đốc VEPR cũng cho rằng, cần phải phân biệt rõ tín dụng đen và tín dụng ngoài luồng, tín dụng không chính thức. Thực tế, tín dụng đen là những khoản vay với lãi suất cắt cổ.
Soi vào những vụ vỡ hụi, vỡ nợ thời gian gần đây ở Lạng Sơn, Điện Biên, hay gần nhất là tại Quảng Ngãi, người dân bị siết nợ khi đang nhận tiền đền bù thủy điện ... đang gây hệ lụy ghê gớm cho người dân.
Chỉ với một tờ giấy vay nợ sơ sài, người ta có thể cho vay nhau tới hàng tỷ đồng thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói là đằng sau những tờ giấy vay nợ này là những thỏa thuận ngầm theo nguyên tắc của tín dụng đen. Mức lãi vay được thỏa thuận thường cao hàng chục lần so mức vay của ngân hàng.
“Loại tín dụng này nở rộ tín dụng đen không nằm ở niềm tin suy giảm của người đi vay đối với hệ thống ngân hàng, mà cái chính là khó vay, thủ tục rườm ra và chủ yếu do bên đi vay không có tài sản thế chấp (sau khi đã thế chấp hết tài sản để vay ngân hàng) mới tìm đến tín dụng đen”- Giám đốc VEPR bình luận.
Tuy nhiên, theo ông về trung hạn và dài hạn cần có giải pháp chính thức hóa các nguồn tín dụng đen này.