Tiền đầu tư 2018: Đến từ đâu, chảy vào đâu?
Băn khoăn dòng tiền tăng trưởng tín dụng trên 19% được đổ vào đâu? Phải chăng là bất động sản và chứng khoán. Chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng sự tăng trưởng này chỉ là phần ngọn, tiền được trao đổi giữa các đại gia với nhau...
Chia sẻ tại Hội thảo Cơ hội Đầu tư – Kinh doanh 2018 vừa được tổ chức, các chuyên gia đều đồng tình việc VN Index vượt đỉnh hơn 1000 điểm là tín hiệu đáng mừng của thị trường. Điều này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán năm 2018.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng VN Index tăng điểm vượt qua cả dự báo của các chuyên gia trước đây ngoài tín hiệu đáng mừng, cùng với đó những rủi ro đang hiện hữu.
Lo ngại của ông Hiếu bắt nguồn từ việc tiền tăng đột biến trong 1 Quý. "Tiền đó ở đâu? Ta phải nghiên cứu, nhà đầu tư nào bỏ tiền vào, khối ngoại bao nhiêu từ quốc gia nào: Nhật hay Hàn hay Mỹ hay đâu?", ông Hiếu đặt vấn đề.
Tín hiệu thị trường chứng khoán 2018 tốt nhưng vấn tiềm ẩn rủi ro
Dòng tiền đó ra vào như nào, họ đến Việt Nam với mong muốn xây dựng hay trục lợi và khi nào thị trường chênh vênh thì rút. Ông cho rằng cần nghiên cứu sâu về vấn đề này và thật thận trọng.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng chỉ ra vấn đề Việt Nam đang quá lệ thuộc vào dòng vốn ngoại từ xuất siêu và đầu tư FDI. Sự tập trung này theo ông Hiếu tiềm ẩn rủi ro tập trung.
Về yếu tố trong nước, ông Hiếu băn khoăn dòng tiền tăng trưởng tín dụng trên 19% được đổ vào đâu? Phải chăng là bất động sản và chứng khoán. Vị chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng này chỉ là phần ngọn, tiền được trao đổi giữa các đại gia với nhau, không đi vào sản xuất.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng biến động là tất yêu khi năm nay lượng cung vốn ra thị trường lớn bao gồm cả thoái vốn cổ phần hóa và doanh nghiệp phát hành. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài.
"Nhìn vào tận gốc rễ, các nhà đầu tư sẽ thấy việc tăng trưởng có những rủi ro. Nhưng bản chất của thị trường chứng khoán là thị trường đầu tư trung và dài hạn. Nên nếu nhìn vào đây là cơ hội dài hạn thi chúng ta sẽ thành công", ông Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI cho rằng việc tăng điểm của VN Index lên tới 1000 cũng chưa có gì đáng mừng, thị trường từng ghi nhận chỉ số này lên tới 1300 điểm trước đây. Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có khả năng tăng điểm cao hơn.
Việc tăng trưởng của năm 2017 là cả quá trình tích lũy từ giai đoạn thị trường èo uột thời gian trước. Cùng với đó, năm 2017 cũng là năm nhận kết quả từ việc giải quyết nợ xấu từ chỗ từ nhiều năm trước. Theo đó, "những tín hiệu tích cực của thị trường là có nhưng không thể lạc quan quá mức", ông Linh phân tích.
Về thị trường chứng khoán năm 2018, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng vẫn còn nhiều rủi ro. Vị chuyên gia cho rằng lo ngại đầu tiên với thị trường chứng khoán năm 2018 là khả năng Chính phủ sẽ yêu cầu kiểm soát chặt việc cho vay margin. Thời gian qua, cho vay ký quỹ của Việt Nam tăng khá mạnh.
Đặc biệt, TS Cấn Văn Lực lo ngại về tính bền vững của thị trường. Năm 2017, thị trường tăng 48% nhưng ông Lực cho rằng thiếu tính bền vững vì chủ yếu tập trung vào 3 - 4 doanh nghiệp. Tăng trưởng này cũng chỉ tập trung vào mấy tháng cuối cùng trong năm.
Ngoài ra, TS Lực cũng chỉ ra ảnh hưởng của thị trường bởi tâm lý đầu tư "bầy đàn" của người Việt. Khi đó, truyền thông có thể ảnh hưởng tới diễn biến của thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu vẫn chưa phát triển chủ yếu là do doanh nghiệp thiếu minh bạch cũng là một hạn chế. "Chúng ta thiếu thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp, họ không biết về thị trường trái phiếu. Tiếp đó, số lượng những tổ chức chuyên đầu tư vào thị trường trái phiếu còn thiếu và yếu. Các quỹ đầu tư bảo hiểm gần đây mới manh nha đầu tư, và cần phát huy", ông Lực chỉ ra.