Thưởng Tết: Hết thời "mang bao đi đựng"?

Theo cách nói vui của nhiều người, vào dịp Tết, nhân viên ngân hàng phải “mang bao đi đựng tiền thưởng”. Tuy nhiên, những “người trong cuộc” cho rằng đó là thông tin “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.

Mức tiền thưởng Tết càng ngày càng suy giảm, đặc biệt là năm nay, bởi ngoài việc làm ăn ngày càng xuống dốc, các NH còn phải lo trích lập quỹ Dự phòng rủi ro trước khi thưởng Tết cho nhân viên.

Tụt dốc không phanh

Thời điểm này, các NH vẫn đang “kín như bưng” chuyện thưởng Tết 2013. Nhân viên chỉ biết đoán già đoán non, nhưng dự đoán chung của họ là “thê thảm”.

Chị T, nguyên nhân viên NH TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) cho biết, trước kia, khi Habubank chưa sáp nhập cùng NH TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), từ lãnh đạo đến nhân viên đều được nhận mức thưởng Tết chung là 3 tháng lương trong nhiều năm. Nhưng năm nay do đã sáp nhập, cơ chế thưởng Tết có thể chỉ còn 1 tháng lương (tùy ở mỗi vị trí, lương cơ bản tháng của mỗi người khác nhau). Theo lời chị Thảo, từ khi sáp nhập, mặc dù những nhân viên cũ của Habubank không bị mất việc hay điều chỉnh lương nhưng tiền thưởng các ngày lễ, tết đã giảm đi rất nhiều và Tết này không ngoại lệ.

Thưởng Tết: Hết thời "mang bao đi đựng"? - 1

Tiền thưởng Tết của các NH ngày càng "tụt dốc" (Ảnh minh họa)

Anh H, nhân viên tín dụng NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, Tết 2011, anh được nhận 3 tháng lương. Đến năm 2012, do NH siết chặt việc tăng trưởng tín dụng nên phần lớn nhân viên tín dụng phải kiêm thêm mảng phát hành thẻ. Thưởng Tết năm đó căn cứ trên lượng thẻ mà nhân viên tiếp cận với khách hàng nên đã mất tết. Năm nay, tuy chưa nghe thông tin lương, thưởng cuối năm nhưng tình hình “không thể khá hơn”, anh Tú đoán.

Ông Nguyễn Trí Hiếu -thành viên HĐQT NH TMCP An Bình (ABbank) cho biết, 3 năm qua, thưởng Tết của NH này cũng trong xu hướng đi xuống như các NH khác. Tuy không nói cụ thể về mức thưởng Tết Quý Tỵ năm nay, nhưng ông Hiếu cho biết: “sẽ thấp hơn năm ngoái” do làm ăn không hiệu quả.

Không quá bi đát như những NH khác, nhưng chị G, nhân viên phòng giao dịch thuộc “ông lớn” NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hải Phòng cho biết: nhiều đơn vị không đủ chỉ tiêu cũng không có thưởng Tết trong năm nay.

Theo lời chị G, mặt bằng thưởng Tết của Agribank trong các năm hầu như không biến động dù làm ăn có lãi hay không. Theo đó, NH này thường chỉ thưởng cho nhân viên 1 tháng lương (khoảng 5-6 triệu đồng) nên cũng không “háo hức” như các đồng nghiệp khác.

NH Á Châu (ACB) luôn được xếp vào nhóm NH có mức thưởng “khủng” qua nhiều năm, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo NH này, mức thưởng Tết năm nay sẽ không còn đáng mơ ước như mọi năm.

Nếu như năm ngoái, ACB có mức thưởng Tết đáng mơ ước, từ 10-18 tháng lương, thì đến thời điểm này vẫn không có động tĩnh gì. Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại cho biết, kế hoạch lợi nhuận đặt ra từ đầu năm không đạt được, do đó thưởng tết của NH sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Toại cho biết đến nay lãnh đạo NH này vẫn chưa bàn gì về thưởng tết mà dồn sức cho đại hội cổ đông bất thường sắp tới. Nhưng tinh thần là sẽ không thưởng Tết dương lịch mà để dành cho kỳ thưởng Tết âm lịch.

Nhiều NH khác cũng không còn hào hứng nói về thưởng tết như những năm trước. Theo lời đại diện NH Phương Đông (OCB), năm nay, NH sẽ chỉ thưởng Tết cho những nhân viên làm tốt, hoàn thành chỉ tiêu.

Không phải là “khoai bở”

Ngành NH vẫn được coi là một trong những ngành “hot”, nhưng những “người trong cuộc” thì không nghĩ vậy.

Chị Ngân Hà, nhân viên tín dụng một NHTM trên địa bàn Hà Nội cho biết, tuy mặt bằng chung ngành NH lương có cao hơn các ngành khác, nhưng áp lực rất lớn.

“DN vay tiền làm ăn tốt, trả gốc và lãi đúng hẹn thì không sao. DN mà chây ì trả nợ thì trách nhiệm của mỗi nhân viên cấp tín dụng rất lớn. Cái giá đó có xứng không?”, chị Hà nói.

Thưởng Tết: Hết thời "mang bao đi đựng"? - 2

Làm trong ngành NH có nhiều rủi ro không phải ai cũng biết (Ảnh minh họa)

Anh Khắc Sơn, nhân viên phòng Khách hàng DN của một NHTM nói: “Người trong muốn ra, người ngoài muốn vào, bởi vị trí nào cũng khổ, mỗi vị trí có cái khổ riêng của nó”.

Theo chia sẻ của anh Sơn, nhân viên NH thuộc bộ phận công nghệ (IT), việc làm thâu đêm suốt sáng là chuyện bình thưởng vào những dịp cuối năm, những dịp đổi hệ thống công nghệ, phát triển sản phẩm, ...

Ở bộ phận tín dụng, việc lo đủ doanh số, chỉ tiêu vô cùng vất vả và áp lực. Nhân viên ở bộ phận này chẳng khác người đi buôn. “Đánh võng mặt đường và buôn nước bọt để kiếm khách hàng cũng chẳng sướng hơn ai”, anh Sơn nói.

Ví dụ thêm về cái giá của việc gắn mác NH, ở bộ phận “gọi điện thoại” (Teller), “nhân viên thường phải đến sớm trước giờ làm việc để phục vụ những KH khó tính trước. Về muộn là chuyện bình thường. Nghe khách hàng càu nhàu, mắng nhiếc trong ngày cũng là cơm bữa...”, anh Sơn cho biết.

Theo công bố của lãnh đạo cấp cao của NH X, mức thưởng Tết của nhân viên duy trì ở mức từ 10-18 tháng lương tùy vị trí. Thế nhưng, các nhân viên cho rằng, một số lãnh đạo đã nói “quá” và cố tình nói “tránh”.

Theo phân tích của một số nhân viên NH này, thực chất, các lãnh đạo nói được thưởng Tết 18 tháng lương là điều không tưởng. Có chăng, cách tính của các NH này là: thu nhập trung bình năm đó của mỗi nhân viên là 18 tháng lương. Sau khi trừ đi 12 tháng, cộng với tháng lương thứ 13 chi trả cho cán bộ, nhân viên theo quy định, thì mức thưởng của NH đó dành cho nhân viên vào khoảng 5 tháng lương. Tuy nhiên, số tiền này đã được các NH chi trả theo từng tháng, từng quý nên số thực lĩnh thưởng Tết không đáng bao nhiêu.

“Các sếp nói kiểu lập lờ, không đúng cũng không sai nên không thể bắt bẻ được nhưng thực tế thì nếu tính riêng thưởng Tết không đáng bao nhiêu”, nhân viên NH X nói.

Theo các chuyên gia trong ngành tài chính-ngân hàng, trong lĩnh vực kinh doanh NH, rủi ro có thể xảy ra ở nhiều nghiệp vụ và công đoạn. Mức độ phong phú của dịch vụ NH mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng, đồng thời cũng là cơ hội phát sinh nhiều rủi ro hơn cho đội ngũ nhân sự.

Những năm trước, NH là ngành có thưởng tết cao nhất nhưng năm nay tình hình trái ngược hẳn do kinh doanh không hiệu quả. Nhiều NH thay vì bàn chuyện thưởng tết, lúc này đang lo trích lập đủ dự phòng rủi ro. Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu rõ quan điểm, sẽ dứt khoát nghiêm cấm các NH chia thưởng, tăng lương nếu như không trích lập đủ dự phòng rủi ro và phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu.

Trong văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc đã cho biết, theo sổ sách báo cáo thì có những NH báo lãi, nhưng thực tế qua thanh tra, sau khi bắt buộc trích lập dự phòng rủi ro thì lại lỗ, thậm chí có NH còn mất cả vốn điều lệ.

Theo một số chuyên gia tài chính NH, mức thưởng năm nay và năm tới của ngành NH chắc chắn không còn “đáng mơ ước” như những năm trước và không loại trừ nhiều NH cắt hẳn khoản thưởng bởi vì làm ăn thua lỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Thưởng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN