Thanh khoản của hệ thống NH vẫn bấp bênh

Mặc dù đã được cải thiện đáng kể so với năm ngoái, song thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro lớn do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng.

Điều này một lần nữa được khẳng định trong một đánh giá mới đây của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN): Hiện có khoảng 50 tổ chức tín dụng thường xuyên có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động. Điều này đang ảnh hưởng đáng kể đến tính ổn đinh và nhiệm vụ cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện tỷ lệ cho vay trên huy động của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam nói chung luôn ở mức trên 90%. Đặc biệt tỷ lệ này đối với ngoại tệ luôn còn ở mức trên 100%, thậm chí lên tới 130%.

Trước đó, Thống đốc NHNN VN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, mặc dù tỷ lệ cho vay và huy động đã được cải thiện so với năm 2011, nhưng vẫn ở mức cao, dao động từ 93 - 96%. Hệ quả đã và đang gây áp lực lên thanh khoản của các Ngân hàng thương mại (NHTM).

Thanh khoản của hệ thống NH vẫn bấp bênh - 1

Hiện có khoảng 50 tổ chức tín dụng thường xuyên có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động (Ảnh minh họa)

Theo Thống đốc NHNN VN, thanh khoản hệ thống ngân hàng đến nay đã được cải thiện, theo đó lãi suất cũng được giảm theo. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho biết, thanh khoản của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của hệ thống Ngân hàng Nhà nước nói riêng còn hết sức mỏng và bấp bênh.

Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng cao hơn 100%. Đến nay, tỷ lệ này dao động từ 93 - 96%. Trên thị trường quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 60 - 70%, còn 30 - 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng.

Cũng theo một số chuyên gia tài chính, tỷ lệ sử dụng vốn cao và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong các năm trước đây đã khiến các ngân hàng luôn gặp khó khăn về thanh khoản và buộc phải đẩy cao lãi suất huy động.

Nói về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay, do các ngân hàng sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả, việc cho vay nhiều khi không đúng tiêu chuẩn, cho vay một cách quá rộng rãi. Điều này sẽ làm thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều rủi ro.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam vẫn mang tính mong manh. Điều này thể hiện qua việc kỳ hạn huy động giữa tiền gửi với tiền vay không phù hợp. Hầu hết các khoản vay của ngân hàng Việt Nam là ngắn hạn nhưng nhu cầu cho vay vào nền kinh tế thường là trung và dài hạn. Trong cơ cấu hoạt động của các ngân hàng , cơ cấu về tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đây là điều làm cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng sụt giảm.

Hiện tại nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng đang được cải thiện nên áp lực thanh khoản theo đó cũng vơi bớt. Tuy nhiên, nếu việc huy động trên thị trường gặp khó khăn, việc tiếp cận vốn vốn trên thị trường liên ngân hàng không thuận lợi thì áp lực sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, việc mất cân đối kỳ hạn giữa huy động ngắn, cho vay dài cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản của các ngân hàng thiếu tính bền vững.

Theo các chuyên gia, việc tập trung quá nhiều vào tín dụng là yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng VN. Điều này đã ảnh hưởng khống nhỏ đến tiến trình xử lý nợ xấu cũng như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng VN. Chừng nào, thanh khoản của các ngân hàng chưa vững thì chừng đó, việc thực hiện mục tiêu hạ lãi suất, giảm nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN