"Sóng" thừa tiền "nhấn chìm" lãi suất tiết kiệm
Giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng đang bắt đầu "gợn sóng” khi một số nhà băng lần lượt công bố giảm lãi suất đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn.
Giảm lãi suất khá âm thầm, từ ngày 18/2/2014 biểu lãi suất của BIDV đã giảm 0,3% ở kỳ hạn gửi 2 tháng, từ 6,8% giảm xuống còn 6,5%/năm; mức tiền gửi 3 tháng giảm về còn 6,75%/năm.
Tương tự, tại HDBank, lãi suất kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng đã giảm từ 0,1 – 0,3%/năm, kỳ hạn gửi 1 tháng lĩnh cuối kỳ giảm về còn 6.8%/năm; tiền gửi 2 tháng là 6,9%/năm và các kỳ hạn gửi 3-5 tháng đều ở mức 7%/năm…
Thừa tiền, ngân hàng giảm lãi suất để đẩy vốn ra nền kinh tế
Trong khi các nhà băng khác đều giảm lãi suất ở kỳ hạn gửi ngắn thì TPBank lại chỉ giảm duy nhất ở kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, từ 9%/năm xuống còn 8,3%/năm. Riêng với các khoản tiền gửi lớn từ 100 tỷ đồng trở lên, mức lãi gửi 9%/năm vẫn được nhà băng này giữ nguyên. Hiện lãi suất tiền gửi 1 tháng và 2 tháng tại TPBank là 6,8%/năm; 3 tháng là 7%/năm và 6 tháng là 7,6%/năm.
Chia sẻ với PV Infonet sáng 22/2, Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại TP.Hồ Chí Minh trong nhóm ngân hàng giảm lãi suất lần này nhận định, sở dĩ các nhà băng giảm lãi suất trong thời điểm hiện tại do do thanh khoản đang khá tốt, cần nguồn huy động ở kỳ hạn dài nên giảm lãi suất để cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi.
“Chủ trương của ngân hàng là giảm và đưa ra mức dao động, còn cụ thể mức giảm bao nhiêu phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, giá vốn tại mỗi chi nhánh mà giám đốc chi nhánh sẽ quyết định” – ông nói.
Mỗi lần lãi suất giảm câu hỏi vẫn luôn được đặt ra, là lãi suất cho vay có giảm theo và DN có hấp thụ được vốn?
Trả lời câu hỏi này của PV Infonet, đại diện HDBank cho rằng, chuyện thừa tiền cũng là một nguyên nhân dẫn tới chuyện nhà băng tính toán giảm lãi suất.
“Cần giảm lãi suất đầu vào để tạo điều kiện cho lãi suất cho vay, bởi hiện lãi suất huy động vẫn đang “nhỉnh” hơn lãi vay ra, ở mức 7-10%. Giảm lãi suất huy động cũng là một bước để đẩy tín dụng ra mạnh hơn thời gian tới, nhưng DN có hấp thụ được hay không lại không phụ thuộc hoàn toàn vào việc DN có kế hoạch kinh doanh tốt, khả năng trả được nợ và có ý định vay vốn hay không”- vị đại diện bình luận.
Thực tế, chuyện các các nhà băng đồng loạt giảm lãi suất sau khi thông điệp “bật đèn xanh” của Ngân hàng Nhà nước, rằng lãi suất sẽ giảm thêm 1-2% trong năm nay. “Việc các ngân hàng có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro với từng khách hàng. Nếu điều kiện tài chính thuận lợi các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất có thể giảm thêm” – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói.
Quan sát của Infonet cho thấy, lượng tiền “đổ” vào hệ thống ngân hàng sau dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, điều này trái ngược hẳn so với mọi năm. Tiền vào nhiều nhưng tín dụng đầu ra lại đang bị “bóp nghẹt”, thậm chí tăng âm trong tháng 1/2014 với mức giảm 1,21%.
Mức tăng trưởng tín dụng âm trong tháng đầu năm, trong khi ngân hàng lại thừa tiền, khiến nhà điều hành phải tính tới chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ. Bởi theo phân tích của các chuyên gia tài chính, tín dụng tăng thấp hoặc âm” sẽ khiến ảnh hưởng tới sức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khiến quá trình phục hồi nền kinh tế bị chậm lại.
“Nới lỏng hơn chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất đầu vào trong bối cảnh vốn đầu ra gặp khó là điều tất yếu. Nếu ngân hàng huy động nhiều mà không cho vay ra được sẽ bị lỗ, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng”- TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Cùng với đó, trong thời gian này các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán… vẫn khá “bấp bênh” nên gửi tiền tiết kiệm vào két của ngân hàng vẫn là an toàn hơn cả. Thừa nhận chuyện dư thừa tiền trong ngân hàng khiến khối lãnh đạo “đau đầu”, buộc tạm thời ngân hàng phải dùng khoản tiền thừa để mua trái phiếu Chính phủ dù mức lãi suất trái phiếu đang thấp, không mấy hấp dẫn.
“Ngân hàng không thể để dòng tiền “chết” trong hệ thống nên buộc phải dùng mua trái phiếu”- ông nói.