Nhà băng tái diễn "đi đêm" hút vốn

Một số nhà băng nhỏ vẫn "chèo kéo" khách bằng cách đẩy mức lãi suất huy động lên cao hơn 0,3-1% so với mức trần huy động là 7%/năm.

Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7%/năm, còn các kỳ hạn dài trên 6 tháng được thả nổi theo chính sách của NHNN. Song, ghi nhận của Infonet tại không ít nhà băng, nhân viên vẫn chèo kéo khách hàng gửi tiền với mức lãi suất cao hơn 0,3-1% so với quy định cho các khoản tiền lớn với kỳ hạn 1 - 3 tháng.

Nhà băng tái diễn "đi đêm" hút vốn - 1

Tại một số ngân hàng nhỏ người gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi suất thực cao hơn bảng niêm yết

Vẫn quen giao dịch tại chi nhánh một NHTMCP nhỏ vừa cơ cấu lại trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), chị Hà khá bất ngờ khi được nhân viên giao dịch tại đây rỉ tai, "chị có khoản nào không qua gửi bên em đi, ngân hàng đang có chính sách thưởng thêm lãi suất cho khách hàng thân thiết đấy chị ạ". Lãi suất cộng thêm sẽ tỷ lệ với số tiền khách hàng gửi. Vừa tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ, chị Hà liền tới gửi ngay và được hưởng mức lãi 7,3%/năm cho hạn mức gửi 50 triệu đồng, kỳ hạn gửi 3 tháng. So với biểu lãi suất niêm yết là 7%/năm kỳ hạn 3 tháng, mức lãi chị Hà được hưởng cao hơn 0,3%. Khoản lãi suất cộng thêm này được nhân viên giao dịch đánh dấu bằng dấu hiệu riêng và khách hàng nhận luôn khoản lãi bằng tiền mặt khi mở sổ, còn trên sổ tiết kiệm vẫn thể hiện khách chỉ nhận lãi suất 7%/năm.

Không chỉ "hút" khách hàng gửi tiền tại quầy, gửi tiết kiệm online của nhà băng này người gửi cũng nhận được lãi suất "thưởng". Mở sổ tiết kiệm điện tử 30 triệu đồng với hạn mức gửi 1 tháng, anh Trường khá ngạc nhiên khi thấy tin nhắn trả về thông báo mức lãi suất 6,95%/năm, trong khi bảng lãi suất tiền gửi tiết kiệm online của nhà băng này chỉ 6,8%/năm ở cùng kỳ hạn. Như vậy, so với bảng lãi suất niêm yết, anh Trường được ngân hàng tự động "tặng" thêm 0,15% lãi suất tiền gửi.

Tuy "nạn" cộng thêm lãi suất để giữ chân khách hàng vẫn tái diễn, nhưng ghi nhận của Infonet thì hiện tượng này chỉ diễn ra ở một số nhà băng nhỏ, nhà băng vừa cơ cấu hoặc sáp nhập. Còn tại một số nhà băng lớn chính sách trần lãi suất vẫn được tuân thủ khá nghiêm ngặt.

Tới gửi hơn 600 triệu đồng tại Sở Giao dịch một ngân hàng lớn nằm trên đường Ngô Quyền (Hà Nội) sáng 30/10 nhưng chị Liên (Lê Thánh Tông – Hà Nội) khá thất vọng khi được nhân viên giao dịch tại đây cho biết, hiện nhà băng đã "khóa" chính sách cộng thưởng thêm lãi suất cho khách hàng.

"Giờ có gửi 1 tỷ hay thậm chí 10 tỷ đi chăng nữa thì ngân hàng cũng không thể cộng thêm do chính sách chung toàn hệ thống đã siết chặt lại, chị thông cảm"- nhân viên giao dịch số 18 cho biết.

Tần ngần, chị L.P quyết định không gửi mà đem sang gửi tại một nhà băng nhỏ hơn cách đó vài dãy phố với mức lãi 9,8%/năm.

"Tôi thấy bảng niêm yết của nhà băng này là 9,5%/năm , nhưng khi đem tiền qua gửi thì nhân viên tại đây tự động điền thêm 0,3% lãi suất nữa mà không cần khách hàng phải hỏi. Họ còn cho biết, nếu số tiền gửi lớn hơn mức lãi cộng thưởng sẽ cao hơn" – chị P. nói.

Chỉ ra ba nguyên do khiến một số nhà băng vẫn chưa thoát khỏi "đi đêm" lãi suất, theo TS. Cao Sĩ Kiêm

Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn một ngân hàng nói ông không tin thị trường vẫn còn hiện tượng lách lãi suất như cách đây 1-2 năm.

"Mối bận tâm của chúng tôi bây giờ không phải huy động mà lại là làm sao thu hồi được nợ càng nhanh càng tốt. Đầu năm 2014 Thông tư 02 về phân loại tiêu chuẩn nợ sẽ có hiệu lực, nhiều khoản nợ nếu không thu nhanh sẽ chuyển sang nợ xấu".

- nguyên Thống đốc NHNN, thứ nhất là một số ngân hàng nhỏ khả năng thanh khoản thấp nên đã đẩy lãi suất lên cao bằng nhiều cách họ phải tìm cách để thu tiền về và cho vay ra bình thường để giữ khách hàng.

Thứ hai là thị trường vẫn còn một số ngân hàng yếu, nợ xấu, nợ mất vốn cao, buộc phải tăng lãi suất huy động để bù đắp và để đảm bảo thanh khoản cuối năm.

Thứ 3 sở dĩ việc "đi đêm" lãi suất chỉ có ở một số nhà băng nhỏ mà không phải "trải" trên toàn hệ thống như trước, là bởi một số nhà băng "mới" sau sáp nhập hoặc cơ cấu lại, dòng tiền chưa dồi dào nên áp dụng lãi suất cao để "kéo" khách hàng. Ông cũng không loại trừ khả năng, các nhà băng nhỏ phải tung "chiêu" này để giữ chân khách hàng quen thuộc, tránh tình trạng mất vốn.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia thẳng thắn, điều này chứng tỏ thanh khoản ngân hàng không còn là mối lo, nhưng thanh khoản cả nền kinh tế lại đang gặp vấn đề. "Đáng lý khi lãi suất giảm thì tiền phải "chảy" ra ngoài nhiều hơn, đằng này lại có nhà băng vẫn đang "gom" tiền vào, dòng tiền đang "tắc" đâu đó bởi lực cầu sụt giảm ghê gớm"- TS. Nghĩa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Lam (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN