Người Việt vẫn ngại thanh toán qua mạng

Công nghệ và xu hướng thanh toán điện tử đang bùng nổ nhưng hầu hết người Việt vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt.

Khảo sát gần đây của Bộ Công Thương cho thấy thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến và tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm tới 64%. Chị Nguyễn Phương Anh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết khoảng 2 năm trở lại đây, rất nhiều dịch vụ được gia đình chị thanh toán qua mạng như điện, nước, điện thoại… Song,  khi mua sắm trực tiếp bên ngoài, chị lại rất ít khi cà thẻ ATM vì nhiều lý do.

Bùng nổ ứng dụng thanh toán điện tử

Theo nhiều ngân hàng (NH), với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các dịch vụ điện tử và dịch vụ NH hiện đại sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Thống kê đến năm 2015 trên toàn cầu cho thấy lượng người dùng Mobile Banking đã vượt mốc 1,8 tỉ, hơn cả người dùng máy tính để bàn. Đồng thời, có tới 34% giao dịch bán lẻ được thực hiện từ điện thoại di động; trong đó, ở một số thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Anh, con số này lên tới trên 45%.

Tại Việt Nam, với dân số 92 triệu người, có đến 55% người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) và truy cập mạng bình quân 2 giờ/ngày. Mua sắm trực tuyến chiếm tỉ lệ 58% và ước tính trong năm nay, doanh số thanh toán thương mại điện tử có thể đạt mốc 4 tỉ USD.

Người Việt vẫn ngại thanh toán qua mạng - 1

Người tiêu dùng thanh toán vé máy bay qua mạng. Ảnh: Tấn Thạnh

Mới đây, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động. Trong đó, 95% sử dụng smartphone cho việc nghiên cứu sản phẩm dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng và khoảng 60% từng mua hàng trực tuyến qua smartphone.

“Mua hàng trực tuyến hoặc trên các thiết bị di động thông minh đang nổi lên như một xu hướng tiêu dùng mới đối với người trẻ trong nước. Việt Nam cũng thuộc khu vực có mức độ tăng trưởng về smartphone cao nhất toàn cầu. Vì thế, xu hướng này được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới khi đem lại trải nghiệm mua sắm hiện đại, cá tính và tiện lợi cho khách hàng” - ông Tuấn Anh nhìn nhận.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán NH cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng không bằng tiền mặt góp phần phát triển các dịch vụ thanh toán trên di động. Theo số liệu của NH Nhà nước, đến nay, cả nước có hơn 200.000 POS (máy cà thẻ), tăng khoảng 18% so với cuối năm ngoái; khoảng 45 NH cung cấp dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và 25 NH ứng dụng Mobile Banking. Các NH cũng liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng thanh toán qua thẻ, ứng dụng di động… nhằm kích thích thanh toán không dùng tiền mặt.

Con đường vẫn “gập ghềnh”

Dù vậy, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của người Việt vẫn là yếu tố cản trở lớn nhất, khiến con đường phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn còn “gập ghềnh”.

Theo Hội Thẻ NH Việt Nam, 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch trên các máy ATM. Trong đó, doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 58%, chuyển khoản gần 14%, trong khi chủ thẻ dùng thẻ thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ chỉ 1,07%. “Sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng, cảm giác sợ bị lừa hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng và đặc biệt khi thanh toán trực tuyến khiến hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại” - bà Loan nhận xét.

Dù số lượng máy cà thẻ ở Việt Nam đã xấp xỉ 200.000 POS nhưng chỉ tập trung tại các đô thị lớn. Ở một số cửa hàng, trung tâm thương mại, có nơi lắp đặt 3-4 máy POS nhưng chủ cửa hàng chỉ dùng một cái do các NH cạnh tranh nhau. Chưa kể, mạng lưới ATM/POS chưa bao phủ đa dạng các ngành hàng, chủ yếu tập trung ở trung tâm thương mại, khách sạn, du lịch… để phục vụ khách nước ngoài. Trong lúc đó, các loại hình bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, cửa tiệm nhỏ… rất ít khi được các NH để mắt tới.

Một yếu tố khác là phí giao dịch thẻ tại POS. Dù NH thương mại đang áp dụng mức phí chiết khấu đối với các đơn vị chấp nhận thẻ từ 0%-0,5% giá trị giao dịch với thẻ ATM, từ 1,5%-2% với thẻ quốc tế nhưng thực tế, một số điểm bán lẻ vẫn thu phí cà thẻ với khách hàng, gây tâm lý ngại thanh toán bằng thẻ và không khuyến khích dịch vụ phát triển. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng còn “động viên” khách trả tiền mặt để tránh phí cà thẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Tuyên truyền để người dân hiểu và quen

Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán, giúp GDP tăng khoảng 1%. Tại Việt Nam, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại; mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến cũng được đề ra từ lâu nhưng thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi.

Chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn. Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thế giới nhìn vào sẽ đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính:

Khuyến khích dùng hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính có trách nhiệm cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử. Đầu tiên, nên chuyển cơ chế, hạ mức được phép khấu trừ chi phí của doanh nghiệp khi thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng như hiện nay xuống 5 triệu đồng. Đây sẽ là công cụ mạnh nhất thúc đẩy thanh toán điện tử bởi về công nghệ, hạ tầng thanh toán của Việt Nam đã cho phép điều này. Bên cạnh đó, cần có chính sách hướng đến hóa đơn điện tử, bởi đây là tiền đề bắt buộc để phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam. Nếu khuyến khích được các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử cũng là cách để thực hiện việc hoàn thuế nhanh nhất thay vì gặp phải những tồn tại như hiện nay.

Ngành tài chính còn là một trong những khách hàng tiềm năng của thanh toán điện tử tại Việt Nam. Năm 2015, tổng số tiền nộp thuế khoảng 45 tỉ USD, trong đó trên 90% là thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thực tế, thanh toán thuế điện tử mới chỉ chiếm khoảng 30%. Đó là những khách hàng rất tiềm năng đối với thanh toán điện tử, với trên 500.000 doanh nghiệp; 1,3 triệu hộ kinh doanh nộp thuế thường xuyên; hơn 100.000 người không kinh doanh nhưng nộp thuế thường xuyên; 4,7 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân và trên dưới 10 triệu hộ phải thường xuyên nộp thuế phi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Phí thẻ sẽ hợp lý hơn

Thời gian qua, các ngân hàng (NH) đã tích cực tham gia quá trình thu thuế điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng thực nộp còn khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do việc nộp thuế điện tử liên quan đến công nghệ thông tin của nhiều phía nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ.

Mới đây, NH Nhà nước đã trao đổi với Bộ Tài chính nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để có hệ thống kết nối liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Để doanh nghiệp, người dân chấp nhận phương thức mới này, cần phải có một vài ưu đãi. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đạt được một khoản thu qua thanh toán điện tử sẽ miễn giảm các nghĩa vụ khác. Phí thẻ sẽ được xây dựng rất hợp lý để vừa minh bạch hóa, vừa cổ vũ doanh nghiệp. Về thu thuế điện tử ở vùng sâu, vùng xa, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo áp dụng Mobile POS, có đường truyền ổn định và tiện lợi hơn là các máy POS.

Phương Nhung ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN