Ngân hàng khó có lãi lớn

Trái ngược với ý kiến cho rằng ngành ngân hàng đứng ngoài khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo, chuyên gia trong ngành có đánh giá khác về bức tranh kinh doanh của ngân hàng trong năm nay.

Lãi biên là bao nhiêu?

Tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội đầu tuần trước, trước thắc mắc của đại biểu về việc trong khi các DN đang rất khó khăn thì ngân hàng lại lãi lớn, do trần lãi suất cho vay hiện là 15%/năm, cao hơn mức lãi suất 13%/năm theo tính toán thông thường để các ngân hàng có lãi (lãi suất huy động 9%/năm cộng biên lãi suất 4%/năm), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trước kia, có thể có những ngân hàng lãi lớn. Nhưng từ năm 2008, đặc biệt trong năm nay, điều này đã không còn được như vậy”.

Thống đốc giải thích, với mỗi 100 đồng vốn huy động, hiện các NHTM phải trích dự trữ bắt buộc 3 đồng, dự trữ thanh toán 10 đồng, trích lập dự phòng rủi ro chung 0,75 đồng cho mỗi món vay ra. Giả sử, nợ xấu chỉ ở mức 4,47% như các TCTD báo cáo thì trung bình, họ còn phải bỏ ra 2,36 đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Đó là chưa kể chi phí điều hành TCTD như thuê cán bộ, trang thiết bị... chiếm từ 1 -1,5%. Do đó, với lãi suất huy động 9%/năm, khi cho vay với lãi suất 15%/năm, về cơ bản, các TCTD cũng chỉ hòa vốn.

“Ngân hàng cũng là một DN, cũng phải đảm bảo kinh doanh an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của cổ đông”, Thống đốc nhấn mạnh.

Ngân hàng khó có lãi lớn - 1

Với việc giảm lãi suất khoản vay cũ về 15%, ngân hàng giảm lãi suất từ 10 - 30 tỷ đồng/tháng.

Theo các chuyên gia, hiện tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng Việt Nam chỉ vào khoảng 10 - 11%, còn tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) chỉ vào khoảng 0,8 - 0,9%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực. Giả sử, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng chỉ kỳ vọng đạt 70% mức tỷ suất lợi nhuận so các năm trước, với tỷ trọng dư nợ tín dụng khoảng 50% tổng tài sản như hiện nay, lãi suất cho vay bình quân sẽ phải cộng thêm 1,1 - 1,3%/năm.

Thế nhưng, trên thực tế, các NHTM đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất chỉ khoảng 11-12%/năm, cũng như đang tích cực giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm để hỗ trợ DN. Thậm chí, BIDV vừa tuyên bố dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn VND cho khách hàng được định hạng tín dụng theo tiêu chí đánh giá của BIDV từ hạng A trở lên, với mức lãi suất sàn 9%/năm, cho đến hết ngày 31/12/2012. Hay Vietinbank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho DN với lãi suất ưu đãi 8,95%/năm; gói tín dụng 5.000 tỷ đồng áp dụng cho các lĩnh vực như công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp - nông thôn… với lãi suất từ 10,99%/năm.

“Các NHTM đang chấp nhận hòa vốn, thậm chí là lỗ trong các khoản vay này để chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Nhưng cái họ được nhiều hơn là sẽ có nhiều khách hàng tin tưởng, cùng đồng hành với họ trong quá trình kinh doanh sau này”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.

Thống đốc NHNN cho biết, trước ngày 15/7, tỷ lệ khoản cho vay lãi suất cao hơn 15%/năm chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng, nhưng đến ngày 3/8, số này chỉ còn gần 30%, đến ngày 16/8 chỉ còn chiếm 24%. Các khoản nợ có lãi suất cao đã giảm 67% so với thời điểm trước ngày 15/7. Với việc giảm mạnh tỷ trọng dư nợ tín dụng trung và dài hạn có lãi suất cao, vốn được huy động với lãi suất cao, các ngân hàng đã phải chấp nhận hy sinh khoản lợi nhuận không nhỏ.

Ngân hàng thua lỗ, chuyện thường

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, cuối năm nay, nếu có ngân hàng thua lỗ cũng không phải điều lạ, bởi các TCTD buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cao do bối cảnh nền kinh tế bất ổn, nợ xấu tăng cao và lợi nhuận trong hoạt động thấp đi.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn VIB cho biết, lãi - lỗ trong kinh doanh là chuyện bình thường, ngân hàng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Theo ông Trung, 7 tháng đầu năm nay, khả năng hấp thụ vốn của DN kém, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 1%, nên nếu ngân hàng huy động vốn với lãi suất 9%/năm mà không giải ngân được, phải “đẩy” lên thị trường liên ngân hàng với lãi suất qua đêm chưa đến 2%/năm thì ngân hàng đó đã phải bù lỗ cho khoản chênh lệch lãi suất 7 - 8%/năm.

“Kinh tế vĩ mô, tổng cầu, sức khỏe của DN… là những yếu tố chính tác động đến lợi nhuận của ngân hàng. DN khó khăn thì ngân hàng làm sao mà kinh doanh có lãi? Cuối năm nay, ngân hàng nào có lợi nhuận cao là quá giỏi. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngân hàng nào đó báo lỗ”, ông Trung nói.

Cùng quan điểm cho rằng trong năm nay, sẽ có những ngân hàng lợi nhuận âm, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank chỉ ra 3 lý do chính. Một là, tình hình nợ xấu dẫn đến thu lãi vay đạt kết quả kém, trong khi vẫn phải trả lãi tiền gửi; Hai là, việc hạ lãi suất đồng loạt các khoản vay xuống dưới 15%/năm khiến mỗi NHTM giảm lợi nhuận từ 10 - 30 tỷ đồng/tháng; Ba là, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn ngừng trệ, tín dụng chưa được khơi thông, nhưng các ngân hàng vẫn phải huy động để đảm bảo thanh khoản, làm gia tăng chi phí.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Dung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN