“Máu đông nợ xấu”, tan chóng mặt (?)
Theo “trát” gửi cách đây hơn 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các nhà băng phải bằng mọi giá đưa nợ xấu về dưới 3% trước thời hạn 30/9/2015, nhằm thực hiện lời hứa đầu năm với Chính phủ, Quốc hội. Trên thực tế, nợ xấu đang giảm nhanh… Nhưng thực hư và bản chất giảm nợ thế nào, có tìm hiểu mới thấy.
Nợ trăm tỷ, đắp chiếu thành đống sắt gỉ
Sáng 22/7, chúng tôi có mặt tại Nhà máy thép Nam Đô nằm trong cụm công nghiệp thép của Tập đoàn Vạn Lợi tại xã An Hồng, huyện An Dương của Hải Phòng. Những năm 2007 - 2008, tổ hợp sản xuất thép Vạn Lợi nổi bật trên thị trường về quy mô sản xuất, sức cạnh tranh mạnh. Hồi đó, thép sản xuất ra đến đâu bán hết veo đến đấy. Khu xử lý thép ngày ấy có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là 180 tỷ đồng với sự tham gia cho vay của 2 ngân hàng là Agribank và Vietcombank.
Nhà máy thép Nam Đô đầu tư 500 tỷ đồng với vốn vay ngân hàng 180 tỷ đã 4 năm nay “đắp chiếu”. Ảnh: K. Huyền.
Sau 3 năm vay nợ và trả nợ được một nửa, doanh nghiệp đi vào bế tắc vì thép “chết”, làm ra không cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc. Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ tháng 10/2011. Đến nay đã 4 năm ròng, dù vật vã bao lần đi lại, đàm phán, rồi kiện tụng… hai nhà băng này vẫn “chịu cứng”, không thu được đồng nào từ 90 tỷ đồng gốc vay còn lại (chưa kể lãi).
Theo thống kê, nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đến cuối năm 2014 rơi vào khoảng 200 ngàn tỷ đồng. “Nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu “chôn” vào các tài sản bảo đảm gây lãng phí cho xã hội. Tỷ lệ nợ xấu này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường kinh tế của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế khi vào làm việc tại Việt Nam luôn chú ý đến nợ xấu”- đại diện NHNN nói. |
Trò chuyện với chúng tôi, một đại diện thu hồi nợ Vietcombank chi nhánh Hải Phòng thừa nhận: “Bốn năm rồi mà các công đoạn xử lý nợ đều gần như bế tắc, bởi Công ty Thép Nam Đô gần như không hợp tác. Tòa yêu cầu ngân hàng xác minh địa chỉ để gửi trát tới, chúng tôi chật vật mới tìm ra, song lập tức doanh nghiệp lại thay đổi hoặc viện ra lí do này nọ”. Tận mắt chứng kiến nhà máy đầu tư hàng trăm tỷ đồng phơi mưa nắng như một đống gỉ sét ai cũng hiểu được “nợ xấu” thực ra đều là những tài sản “sống”.
Theo bà Chu Châu Hạnh, Trưởng phòng xử lý thu hồi nợ Vietcombank, trước năm 2013, câu chuyện thu hồi nợ xấu không chỉ với riêng Vietcombank mà nhiều ngân hàng đều không đặt vấn đề căng thẳng. “Nhưng từ năm 2014, ban lãnh đạo Vietcombank yêu cầu rất quyết liệt. Cũng nhờ đó mà cuối năm 2014, Vietcombank đã thu nợ ngoại bảng 1.768 tỷ đồng - chiếm 31% trong tổng lợi nhuận 5.680 tỷ đồng”- bà Hạnh nói.
Có dùng “chiêu” che?
Nợ xấu các ngân hàng hiện xử lý ra sao? Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 5/2015, các ngân hàng trên địa bàn đã bán thêm cho VAMC hơn 3.000 tỷ nợ xấu, giảm tổng số nợ xấu trên còn khoảng 52.500 tỷ đồng.
Nói với PV Tiền Phong ngày 23/7, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho hay, đến thời điểm này, nợ xấu của VietinBank về xấp xỉ 1,1%, trong đó chiếm hơn phân nửa là ngân hàng tự xử, số còn lại bán cho VAMC theo kế hoạch. Tại BIDV, nợ xấu đến hết 30/6 còn xấp xỉ 2%. NamABank thông tin, nợ xấu được kiểm soát tốt với nợ nhóm 2 chỉ chiếm 1,96% trên tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,31%.
Đại diện OCB thì khẳng định tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,7%. ABBank cũng cho hay, đang kiểm soát tốt nợ xấu ở mức 3% xét trên tổng dư nợ; đồng thời từ đầu năm tới nay, đã thu hồi được 258 tỷ đồng nợ xấu. Cá biệt hơn, đại diện TPBank rất tự tin khi nói lợi nhuận của ngân hàng đã thực dương và nợ xấu ở mức rất thấp. “Đến 30/6, số nợ xấu chúng tôi đã xử lý còn tốt hơn cả số mà NHNN yêu cầu. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của TPBank chỉ ở mức dưới 1%”- ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nói.
Nợ xấu giảm thực hay các ngân hàng dùng “chiêu” che chắn? Chia sẻ, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng này không bao giờ “che” nợ xấu.
“Với chỉ thị 01 và 02 của NHNN là làm sao đưa nợ xấu về dưới 3%, chúng tôi gọi là chỉ tiêu pháp lệnh từng kỳ. Hiện cứ 1 - 3 - 6 tháng chúng tôi phải họp báo cáo tiến độ xử lý nợ xấu; (phải làm sạch ra sao, xử lý thế nào). Chúng tôi không làm một mình mà NHNN, chính phủ rất quan tâm”- ông Thắng cho biết.
Còn ông Lê Đức Thọ thì bình luận rằng, việc che nợ xấu là khó xảy ra, vì thanh tra giám sát NHNN đang làm rất chặt, họ kiểm tra trên hệ thống là biết ngay. “Bản thân các ngân hàng đã được lựa chọn tự xử hoặc phải bán lại cho VAMC. Do đó, cứ nhìn vào tỷ lệ bán nợ là biết ngay ngân hàng đã xử lý thế nào”, ông Thọ nói.
Nhận xét về nợ xấu, một chuyên gia phân tích “Với sự kiểm soát chặt chẽ hiện nay của NHNN, việc các ngân hàng “che” nợ xấu đúng là khó. Mục tiêu giảm nợ xấu về dưới 3% của toàn ngành cũng khả thi. Nhưng mấu chốt lại nằm ở điểm nợ xấu được nhà băng đó “xử” thế nào? Nếu không đòi được cứ đem “bán tháo”cho VAMC thì kiểu gì sổ sách ngân hàng chả đẹp!”.