Mất trắng hàng trăm triệu đồng vì yêu chim trời

Ông Chìa ngồi nhẩm tính, nếu với đà vạc sinh sôi nảy nở như vậy thì vườn nhãn của ông chỉ vài năm nữa sẽ mất trắng. Mấy năm qua, mỗi năm gia đình ông đều đặn mất đi hàng trăm triệu đồng.

Đó là hai vợ chồng ông Lê Văn Chìa và bà Lê Kim Thôi ở ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Gần 10 năm trước, hàng trăm con vạc ở đâu bay về vườn nhãn của ông bà trú ngụ, nhiều năm trôi qua, số lượng vạc ngày càng đông đảo và đã lên tới hàng ngàn con.

Niềm vui mừng vì “đất lành chim đậu” chưa được bao lâu thì vợ chồng ông Chìa phải đối mặt với nguy cơ mất trắng vườn nhãn vì bị đàn vạc tàn phá.

Đất lành chim đậu

Xã Tân Mỹ từ lâu đã nổi tiếng với những loại trái cây nổi tiếng ngon ngọt như măng cụt, nhãn, chôm chôm… người dân ở đây cũng quanh năm gắn với những vườn trái cây để làm giàu cho cuộc sống. Ông Lê Văn Chìa (67 tuổi) nhân vật chính trong bài viết này cũng vậy. Ngôi nhà của vợ chồng ông Chìa nằm sâu trong ấp nhỏ Gia Kiết, xã Tân Mỹ, lọt thỏm giữa những hàng nhãn, măng cụt xanh tốt. Đi từ xa tới chúng tôi đã kịp nghe tiếng kêu “oác oác” của hàng ngàn con vạc trong vườn nhãn của người nông dân nặng tình yêu với chim trời.

Mất trắng hàng trăm triệu đồng vì yêu chim trời - 1

Ông Chìa và một con vạc từng bị mắc lưỡi câu may mắn được ông cứu sống

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Chìa cho biết: “Từ năm 2005 - 2006, vạc đã bắt đầu về vườn nhãn nhà tôi trú ngụ, mỗi sáng ra vườn thấy chim bay khắp nơi, tôi thấy vui lắm. Ông bà mình có câu “đất lành chim đậu” mà, biết bao nhiêu vườn chúng không ở, lại chọn ở vườn mình, ai mà nỡ đuổi chúng đi cho được chứ!”.

Chính vì suy nghĩ đó mà vợ chồng ông quyết định không đuổi đàn vạc đi. Chưa đầy hai năm sau, đàn vạc từ đâu kéo về ngày càng đông đúc, một phần chúng sinh sôi nảy nở thêm khiến vườn nhãn 15 công đất của ông trở nên nhỏ bé trước sự bùng nổ của đàn vạc.

Mỗi buổi sáng, khi trời vẫn còn tối thì đàn vạc bay về tổ sau một đêm dài bay đi kiếm ăn. Khi về đến vườn nhãn của ông Chìa, chúng gọi nhau làm huyên náo khắp một vùng. Trên bầu trời lúc ấy hàng ngàn cánh vạc bay khắp nơi, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và hùng vĩ. Khu vườn của ông Chìa lúc này trông như một khu sinh thái với hệ sinh, thực vật phong phú.

Ông Chìa cười nói: “Vào khoảng thời gian đó, trong nhà ngồi coi tivi là không nghe thấy gì hết, chỉ nghe tiếng oác oác của nó vang trời thôi, nhà tôi thì không sao nhưng những nhà lân cận có con nhỏ, vạc kêu làm mấy đứa nhỏ giật mình khóc thét lên”. Và theo thời gian đó, vườn nhãn 20 năm tuổi của gia đình ông Chìa trở thành tổ ấm cho hàng ngàn con vạc từ lúc nào không rõ.

Mỗi ngày trôi qua, vợ chồng ông Chìa lại càng yêu thêm những cánh vạc trong vườn và ra sức bảo vệ chúng. Mặc dù suốt 6 - 7 năm nay từ khi đàn vạc bùng nổ “dân số” thì vườn nhãn của ông cũng ngày càng héo hon tàn tạ vì không chịu nổi mật độ dày đặc của đàn vạc đậu.

Ông Chìa cho biết: “Mỗi năm được có mỗi một vụ nhãn, mà từ khi có bông cho đến khi trái chín mất 5 - 6 tháng và phải trải qua rất nhiều công đoạn để chăm sóc. Vậy mà khi bông vừa nhú ra thì hàng ngàn con vạc lại bay, đậu khắp nơi trên cây khiến cho bông rụng lã chã khắp trong vườn, không thể đậu trái được.

Rồi đến lúc làm tổ chúng lại quấn mấy đọt non lại lót ổ để đẻ khiến cành non chết rất nhiều. Một lớp bông rụng xuống nhưng cũng còn được một ít, đậu được mấy chùm trái non thì lại bị mấy cú bay, đạp của vạc làm rụng tiếp. Số còn lại đậu thành trái cho đến khi thu hoạch chẳng còn lại được bao nhiêu nữa”.

Mặc dù thất thu là thế nhưng vợ chồng ông nhất quyết không đuổi đàn vạc đi, ông Chìa bảo với vợ: “Chúng đã chọn ở vườn mình thì vợ chồng mình phải lấy đó làm may mắn, bây giờ đuổi chúng đi rồi chúng đi đâu cho được, không khéo lại bị người ta bắt thì mình mang tội”.

Mất trắng hàng trăm triệu đồng vì yêu chim trời - 2

Và hạnh phúc bên người vợ của mình

Hiểu được tấm lòng chồng, bà Thôi cũng yên lòng cho vạc ở, và cùng chồng hằng ngày trông nom chúng. Nhưng quyết định giữ lại đàn vạc cũng là quyết định đánh đổi huê lợi từ 15 công nhãn trong vườn. Ông Chìa ngồi nhẩm tính một hồi nếu với đà vạc sinh sôi nảy nở như vậy thì vườn nhãn của ông chỉ vài năm nữa sẽ mất trắng. Mấy năm trôi qua, mỗi năm gia đình ông đều đặn mất đi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mỗi gốc nhãn 20 tuổi mỗi vụ cho đến trên 50 chục ký, nhưng mấy năm qua sản lượng tụt dốc đến thảm hại.

Vợ chồng ông nhìn vườn nhãn xơ xác mà xót từng khúc ruột, bà Thôi tâm sự: “Hai vợ chồng tôi và ba đứa con trai sống được đến ngày hôm nay là đều nhờ vào vườn nhãn này hết ráo. Vợ chồng tôi mấy chục năm qua chỉ biết trông vào đó. Giờ con cái tôi đã có công ăn việc làm và gia đình ổn định, vườn nhãn này là tài sản để vợ chồng tôi dưỡng già, nhìn cây cối ngày càng xác xơ, vợ chồng tôi tiếc lắm chứ, nhưng đuổi đàn vạc đi thì cũng thương chúng nữa. Chính vì điều đó mà vợ chồng tôi quyết định sống được tới đâu hay tới đó, vườn nhãn thu được bao nhiêu thì thu đỡ kiếm gạo ăn, còn vẫn để cho đàn vạc trú ngụ”.

Mất trắng hàng trăm triệu đồng vì yêu chim trời - 3

Ông Chìa trong vườn nhãn của mình

Người dân trong vùng biết chuyện của ông và đàn vạc, có kẻ chê cười bảo ông ngu muội khi không để mất hàng trăm triệu đồng vì đàn chim trời ở đâu bay lại. Tuy nhiên cũng có những người hiểu được tấm lòng của ông đối với đàn chim nên ra sức ủng hộ và cùng ông bảo vệ đàn chim quý. Đó chính là động lực mạnh nhất để ông tiếp tục công việc bảo tồn đàn chim trời có nhân duyên với mình.

Ông Chìa tâm sự, tiếng vạc kêu mỗi khi chiều về và mỗi sáng thức dậy đã quá quen thuộc với ông từ bao giờ, hễ ông đi đâu xa lại nhớ tiếng kêu đó nên luôn quay về sớm. Đối với đàn vạc, ông như một người cha cần mẫn, chăm sóc chúng mỗi ngày. Ngoài chuyện đàn vạc tự đi kiếm ăn, ông Chìa còn đánh cá dưới ao, sông rồi thả vào những mương nước trong vườn nhãn để cho những con vạc con khỏi bị đói. Dường như đàn vạc cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của vợ chồng ông Chìa nên chúng có phần gẫn gũi với vợ chồng ông hơn so với người lạ.

Quyết tâm bảo vệ đàn chim trời


Ông Chìa cho biết, đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng ngắn hơn cò. Để bảo vệ đàn vạc ông Chìa phải đánh đổi không chỉ phần lớn huê lợi của vườn nhãn mà còn nhiều thứ khác nữa. Vốn dĩ, một số người dân xứ khác thấy vườn nhà ông tập trung nhiều chim chóc nên thường tìm đủ mọi cách để săn bắt cho bằng được.

Ông Chìa cho biết một trong những cách mà cánh săn trộm thường dùng là bắn vạc bằng súng hơi, hoặc ná thun, câu vạc hoặc dùng bẫy như bẫy chuột để bắt. Đây là những cách tàn sát đàn vạc một cách không thương tiếc, vì khi dính một trong những chiêu săn bắt trên, vạc thường không sống nổi. May mắn nhất có thể kể đến là phương pháp câu, nếu không may con vạc ăn phải con cá có móc lưỡi câu, nếu còn sức chúng sẽ kéo theo luôn cả cần câu, lưỡi câu bay về tổ.

Cứ mỗi buổi sáng ông Chìa nhẹ nhàng ra vườn thăm đàn vạc nếu bắt gặp những con vạc như vậy ông sẽ kịp thời cứu chữa. Ông Chìa cho biết cách đây vài năm ông giải cứu cho một con vạc bị mắc lưỡi câu rồi để ở nhà nuôi như một loại chim cảnh bình thường. Đó chỉ là một số trường hợp ít ỏi mà ông Chìa cứu vớt được, còn bằng không thì vạc chỉ có nước chết rục trong vườn hoặc làm mồi cho dân nhậu trong vùng.

Cách đây 2 năm, trong một buổi chiều đang ngồi nghỉ ở nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, ông Chìa nhận thấy sự khác lạ ở đàn vạc, ông nhớ lại: “Chưa tới giờ đi ăn nhưng tôi nghe tụi nó kêu dữ lắm, thấy lạ tôi chạy ra vườn xem sao thì bắt gặp hai thanh niên ở đâu lại, một đứa cầm súng hơi, đứa còn lại thì xách chân một con vạc đang thoi thóp. Lúc đó tôi giận quá giựt con vạc và cả cây súng lại rồi quát lên: “Ở đây ai cho mấy người vô bắn chim bậy bạ vậy hả?”. Nghĩ lại lúc đó tôi cũng gan thiệt chứ “chim trời cá nước” làm sao tôi cấm người ta, nếu lúc đó mà hai thanh niên kia phản ứng lại chắc tôi cũng ốm đòn quá”.

Sau đợt ông Chìa cướp súng của cánh săn trộm, những đứa con của ông biết được hết lời khuyên ngăn vì sợ trong vườn vắng không có ai chứng kiến, lỡ có chuyện không hay sẽ xảy ra với cha mình. Từ dạo đó, ông Chìa và vợ phát hiện ra hai vợ chồng và đàn chim rất gần gũi, như người trong gia đình. Bà Thôi tiếp lời: “Mỗi lần người ta vô bắn chim thì y như rằng chúng lại bay đến gần nhà tôi rồi kêu toáng lên, giống như là mách lại với hai vợ chồng tôi vậy, nhìn chúng tội lắm, kêu oác oác giống như nhờ mình giúp đỡ vậy. Lúc đó hai vợ chồng tôi lại chạy ra vườn đuổi mấy đứa nhỏ bắn ná thun đi thì mấy con vạc mới yên tâm đáp xuống”.

Gần chục năm gắn bó với đàn vạc, ông Chìa cùng vợ mình cũng đủ để hiểu hết loài vật nơi đồng ruộng này. Theo chân ông Chìa ra vườn nhãn, chúng tôi mới thấy hết tình yêu chim trời của lão nông này. Ông luôn miệng nhắc nhở chúng tôi phải bước thật khẽ để tránh làm động tới chúng: “Loài chim này rất nhát, chúng sợ người lắm, không như cò đâu, hễ thấy người - dù ở từ xa - chúng đều bay đi rồi báo động cho những con khác nữa”, ông Chìa giảng giải. Khi đã yên ổn trong vườn nhãn, chúng tôi nghe liên tục những tiếng kêu của những con vạc thất thanh, ông Chìa cười bảo chúng báo động có người lạ đột nhập.

Dù đã kiên nhẫn chờ đợi nhưng chúng tôi vẫn không thể chụp được một bức ảnh nào của những con vạc trong vườn, mỗi bước đi của chúng tôi như đều bị chúng cảm nhận và bay tránh đi. Nhìn những gốc nhãn già cỗi trong vườn, ông Chìa buồn rầu chia sẻ: “Mấy năm nay vợ chồng tôi sống khó khăn lắm, mỗi năm thu nhập từ mười mấy công nhãn không còn được bao nhiêu. Bây giờ tôi chỉ mong sao được một phần hỗ trợ của Nhà nước để giúp vợ chồng tôi yên tâm trong cuộc sống. Có như vậy thì chúng tôi mới bảo vệ được đàn vạc này”.

Từ khi đàn vạc về ở, ông Chìa không dám ra vườn chăm nhãn vào ban ngày vì sợ làm động chúng sẽ bay đi mất. Chẳng lẽ như vậy là hy sinh vườn nhãn sao? Vừa muốn thu được nhãn, muốn giữ được chim, ông Chìa phải chấp nhận vất vả hơn nữa. Ở độ tuổi 67, nhưng ông Chìa khoe rằng mình còn khỏe lắm, vẫn vác được bao phân 50kg. Vậy là ông dùng sức khỏe đó để làm vườn vào ban đêm, là thời điểm đàn vạc đi ăn đến sáng mới về.

Đều đặn mấy năm qua, cứ khoảng 17 giờ 30 hoặc 18 giờ, khi những con vạc rời tổ đi kiếm ăn thì ông Chìa lại đeo đèn pin lên đầu ra vườn nhãn, làm cành tỉa lá, phun thuốc, bón phân đến chập 21 giờ ông lại trở về nhà. Công việc cứ thế chậm chạp trôi qua từ ngày này sang ngày khác.

Nhưng đó là cách mà ông không bỏ phí vườn nhãn mà vẫn giữ được chim. Ông Chìa cười nói: “Cực nhất là vào vụ thu hoạch, cái này thì không làm ban đêm được rồi, tôi chỉ còn cách kêu công vặt nhãn thật nhiều để làm nội trong một ngày. Động thì làm vạc bay đi nhưng qua hôm sau chúng lại về thôi. Nhãn một vụ chỉ bẻ trong một ngày đó thôi, số còn lại vợ chồng tôi chấp nhận mất hết vì không thể thu hoạch lặt vặt được”.

Ông Chìa và vợ quyết tâm bám vườn là thế nhưng nằm cặp bên vườn nhãn của ông Chìa là vườn nhãn của anh Lê Phước Đại, là cháu ruột của ông Chìa. Anh Đại những năm trước cũng cương quyết chăm sóc vườn nhãn mong được đền bù xứng đáng với công sức của mình. Với 5 công nhãn đó, anh đổ rất nhiều công sức và tiền bạc vào đó, tuy nhiên khi đàn vạc kéo đến khiến cho vườn nhãn thất thu nghiêm trọng, mấy vụ liền anh mất gần như trắng.

Ông Chìa thở dài tâm sự: “Nó vay tiền ngân hàng mua phân bón, thuốc trừ sâu đến cuối cùng không thu được bao nhiêu nên lâm vào cảnh nợ nần. Giận quá, nó mới vác ná thun ra bắn đuổi hết đàn vạc ở vườn nó đi, hàng trăm con vạc từ vườn nó bay sang vườn tôi để ở. Đuổi vạc đi hết rồi nhưng nhìn vườn nhãn thì lại đâm nản, nó mới kêu người cho thuê rồi bỏ đi biệt xứ”.

Gian nan tìm đường bảo tồn đàn vạc


Hiện nay những loài chim ở miền Tây đang ngày càng bị người dân tận diệt, trên những cánh đồng, khu vườn ngày càng thiếu vắng bóng chim bay. Vấn đề bảo tồn những loài chim ở khu vực này đang trở nên cấp thiết. Tình yêu của vợ chồng ông Chìa dành cho loài chim trời trong giai đoạn này càng trở nên quý báu.

Ngoài việc chấp nhận thất thu ở vườn nhãn, hai vợ chồng tuổi cao như ông Chìa lại phải vất vả bảo vệ đàn vạc khỏi cánh săn trộm ngay trên mảnh đất của mình. Nhiều người dân cùng chí hướng bảo vệ đàn vạc khuyên vợ chồng ông Chìa nên làm đơn lên chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ tốt hơn trong việc bảo vệ đàn chim. Ròng rã 3 năm, ông Chìa trình đơn lên huyện rồi tỉnh, đủ hết tất cả các cơ quan ban ngành liên quan nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó chứ không có hướng giải quyết nào cụ thể.

Ông Chìa cho biết: “Cách đây gần 3 năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long có xuống khảo sát, và đánh giá. Khi nghe tôi trình bày nạn săn bắn thì họ cũng có chủ trương vận động bà con trong vùng ai có súng hơi thì đem giao nộp, được thời gian đầu tình hình săn bắn trộm có vẻ như cũng giảm được đôi phần nhưng đến nay thì lại đâu vào đó. Đâu phải chỉ dùng súng mới bắt được chim đâu, còn rất nhiều cách để tận diệt loài chim này, sức tôi và vợ không thể nào bảo vệ cho sự an toàn của chúng được”.

Để bảo vệ đàn vạc trong vườn, hai vợ chồng ông phải túc trực ở nhà để đề phòng có kẻ đến săn trộm. Bà Thôi bức xúc cho biết: “Hễ thấy trong nhà không có ai thì bọn xấu lại lén lút vào vườn nhà tôi để bắt trộm chim. Mấy tháng trước, một buổi sáng tôi và chồng cùng đi chợ ở huyện, khi trở về thì nghe người hàng xóm ở gần báo lại là có người vào bắt trộm chim, rồi mấy bữa trước tôi cũng nhặt được một con vạc bị dính bẫy chuột nằm chết từ bao giờ trong vườn nữa. Thấy tình hình căng quá nên vợ chồng tôi không dám ra ngoài cùng một lúc. Còn chồng tôi thì không dám đi đâu quá lâu, lúc nào vợ chồng tôi cũng lo cánh cánh sự an toàn cho chúng mà không biết kêu ai”.

Cuộc sống hiện tại của vợ chồng ông Chìa khá neo đơn, trong nhà hiện tại chỉ có hai vợ chồng già sinh sống, 3 đứa con trai đều học đại học rồi làm việc tại các thành phố lớn, lâu lâu mới về thăm cha mẹ. Chính điều này lại làm cho ông Chìa lo lắng hơn bội phần, ông e rằng một ngày không xa khi sức khỏe không cho phép vợ chồng ông bảo vệ đàn vạc nữa thì số phận của chúng sẽ đi về đâu?

“Chúng đã không biết ở đâu mới về vườn nhà tôi, sau này đường cùng thì chúng đi đâu được, tôi chỉ mong có sự hỗ trợ từ phía chính quyền để bảo tồn đàn vạc này mà khó khăn quá. Tôi mong Nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi một phần huê lợi của vườn nhãn để có thể yên tâm trong cuộc sống và bảo vệ đàn vạc. Tôi không nỡ đuổi chúng đi”, ông Chìa buồn bã tâm sự.

Qua những lời tâm sự của đôi vợ chồng già, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của hai vợ chồng dành cho đàn chim trời. Giữa chốn vùng quê yên bình, tấm lòng của đôi vợ chồng nặng lòng với thiên nhiên khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Lúc tiễn chúng tôi ra cổng, ông Chìa và bà Thôi quyến luyến không rời, họ mong một ngày nào đó, những thông tin trên báo đài sẽ tác động phần nào đó đến các cơ quan ban ngành liên quan, để tất cả cùng nhau bảo vệ một loài động vật hoang dã. Ước mơ của họ liệu có quá xa vời?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bạch Lang (Dân Việt/Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN