Luật hóa việc mua ngân hàng giá 0 đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày 5/4, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đơn vị soạn thảo đang xin ý kiến Chính phủ nhằm hoàn thiện Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Luật hóa việc mua ngân hàng giá 0 đồng - 1

Sau khi mua lại với giá 0 đồng, Vietinbank hỗ trợ Oceanbank quản trị điều hành.

Dự kiến, luật sẽ bao gồm 5 chương với 57 điều quy định về xử lý TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ của TCTD, Cty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam. Luật cũng quy định việc xử lý tài sản đảm bảo với các khoản nợ của Ngân hàng Chính sách.

Theo tờ trình, sau 4 năm thực hiện Đề án: “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” , việc tái cơ cấu các TCTD đã đạt một số thành tựu như nhận diện và không để đổ vỡ các TCTD yếu kém, đã giảm được 22 TCTD. Các TCTD đã xử lý hơn 493 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%... Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy hệ thống các tổ chức này còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, hiệu quả kinh doanh của các TCTD chưa cao và nhiều đơn vị bị thua lỗ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở dưới mức 3% nhưng có xu hướng tăng trở lại về mặt quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Cty quản lý tài sản (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ. Ngoài ra, việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro... Trên cơ sở đó, NHNN cho rằng để tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành luật riêng.

 Theo dự thảo luật, NHNN có thẩm quyền xử lý TCTD yếu kém theo kiến nghị của ban kiểm soát đặc biệt hoặc đưa ra một số biện pháp như cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản; chỉ định người quản lý, điều hành… Các TCTD sẽ bị kiểm soát đặc biệt khi rơi vào các trường hợp như mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) vi phạm pháp luật; lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ…

Dự thảo luật cũng quy định việc chỉ định TCTD mua bắt buộc TCTD yếu kém khi nhận đề nghị của NHNN hoặc Chính phủ; TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi hoặc là ngân hàng thương mại; việc mua nhằm tránh sụp đổ cho toàn hệ thống; giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng... Nội dung mua bắt buộc sẽ bao gồm chủ thể mua và giá mua 0 đồng.

Đặt biệt, khi tham gia xử lý TCTD yếu kém, cán bộ, công chức NHNN, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của TCTD được chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý TCTD yếu kém.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Ân (Tiền Phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN